Doanh nghiệp ngoài ngành chạy đua đầu tư bất động sản

14/05/2021 08:32
Bất chấp thị trường địa ốc gặp khó khăn vì Covid, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành vẫn lựa chọn bất động sản để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Chạy đua làm bất động sản

Vốn là doanh nghiệp chuyên về sản xuất da giày, nhưng từ cuối năm 2020, TBS Group đã chính thức lấn sân sang mảng phát triển bất động sản bằng việc thành lập công ty con TBS Land để triển khai 2 dự án mới là dự án Căn hộ cao cấp Green Square Garden và Khu đô thị Hồ Gươm Xanh. Dù đang trong giai đoạn “thai nghén”, nhưng các dự án này đều được kỳ vọng sẽ bổ sung tích cực cho nguồn cung căn hộ mới tại 2 thành phố Dĩ An và Thuận An của tỉnh Bình Dương.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện TBS Group cho biết, thực tế, mảng bất động sản của Tập đoàn đã hình thành từ khá lâu, nhưng mục tiêu khi đó là “phục vụ nội bộ” là chính, tới nay mới tính đến phương án cung cấp sản phẩm ra thị trường.

“Từ những năm 2000, TBS Group bắt đầu mở rộng quy mô các nhà máy sản xuất. Đây là ‘bước đệm’ để Tập đoàn xây dựng và phát triển mảng bất động sản công nghiệp. Cho đến nay, tập đoàn đã xây dựng và vận hành thành công nhiều nhà máy, cụm sản xuất quy mô lớn, đồng thời mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác như logistics, du lịch - nghỉ dưỡng - khách sạn, thương mại - dịch vụ…”, đại diện TBS Group thông tin thêm.

Trong các ngành kinh tế, bất động sản luôn được xem là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất bởi tiềm năng khai thác lớn, mang lại lợi nhuận cao…, cho nên không chỉ TBS Group, nhiều doanh nghiệp “tay ngang” sẵn sàng “bẻ lái” đổ vốn đầu tư cho lĩnh vực này.

Đơn cử, Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (TCM) đang phối hợp với một đối tác trong nước để đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án TC Tower tại quận Tân Phú (TP.HCM). Lãnh đạo TCM cho biết, doanh thu và lợi nhuận của mảng bất động sản sẽ được ghi nhận trong 2-3 năm tới.

Nhiều doanh nghiệp đang rẽ sang nhà ở bình dân - phân khúc có nhu cầu cao. Ảnh: Dũng Minh

Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) cũng đang dồn sức cho mảng bất động sản công nghiệp với dự án Khu công nghiệp Gilemix Quảng Ngãi quy mô 720 ha, hiện trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với diện tích 460,8 ha, tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng, hiện dự án này đã xin được giấy phép đầu tư.

Ngoài phát triển khu công nghiệp, Ban lãnh đạo GIL còn có tham vọng phát triển quỹ đất để lập chuỗi khách sạn phục vụ cho các khu công nghiệp trong nước tại các khu vực trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng, TP.HCM.

Hay với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn (Cholimex), Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra mới đây của Công ty đã thông qua kế hoạch đầu tư vào mảng bất động sản công nghiệp. Hiện Cholimex có ba dự án tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc và đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư. Trên thị trường, Cholimex được biết tới như là doanh nghiệp có thế mạnh về xuất nhập khẩu.

Báo cáo mới đây của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, cả nước có 29.300 doanh nghiệp mới được thành lập. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng đầu về số doanh nghiệp thành lập mới trong quý đầu năm nay với 1.733 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 3 tháng đầu năm nay duy trì vị trí thứ 3 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng giá trị 600 triệu USD.

Miếng ngon không dành cho tất cả

Cùng với đà phát triển của nền kinh tế, thị trường địa ốc cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực và bất động sản trở thành “miếng bánh ngon” mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn có phần. Tuy nhiên, theo quy luật, ở nơi nào hấp dẫn thì nơi đó cạnh tranh cũng hết sức khốc liệt và sự đào thải sẽ diễn ra với bất cứ doanh nghiệp nào nếu không có đủ tiềm lực.

Tập đoàn Alpha King được nhắc tới là một tập đoàn bất động sản quốc tế, chuyên phát triển các dự án phức hợp, bao gồm cả cao ốc văn phòng hạng A..., nhưng đã phải âm thầm rời thị trường và sang nhượng lại hầu hết các khu “đất vàng” tại TP.HCM cho các doanh nghiệp khác.

Gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2018, Alpha King từng “làm mưa, làm gió” khi công bố mua lại và triển khai hàng loạt dự án bất động sản lớn tại TP.HCM. Nhưng sau những ồn ào liên quan tới thông tin hợp tác với những đối tác lớn như Coteccons, CBRE… để triển các khai dự án, mọi thứ im lặng dần. Đến nay, các dự án The Centennial Saigon, Alpha City, Alpha Town... đều đã về tay chủ khác. Dù chưa có phát ngôn chính thức, nhưng thực tế này cũng khiến thị trường ngầm hiểu rằng, tập đoàn này đã “buông” thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo phân tích của các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, chỉ có những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, tiềm lực tài chính tốt, có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì mới có thể tồn tại.

Nói như bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Phúc Land rằng, sự mất cân đối cung - cầu đã tạo nên “điểm nghẽn” trên thị trường bất động sản, nên trong thời gian tới, thị trường sẽ càng có sự sàng lọc mạnh, các chủ đầu tư “chịu nhiệt” kém sẽ phải rời bỏ cuộc chơi để nhường sân cho các chủ đầu tư có thương hiệu, nguồn lực và chiến lược phát triển dài hạn.

“Chỉ những dự án có pháp lý đầy đủ, chủ đầu tư có năng lực triển khai đúng cam kết về tiến độ và chất lượng sản phẩm, dịch vụ kết hợp với hoàn thiện cảnh quan, hệ thống tiện ích… mới được các nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn”, bà Hương nhấn mạnh.

Đánh giá tiềm năng của từng phân khúc, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, nếu doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp, đặc biệt ở phân khúc nhà ở bình dân, sẽ được thị trường chú ý và có sức hấp thụ tốt, nhưng quan trọng hơn cả là dự án phải đầy đủ pháp lý. Trong khi đó, phân khúc cao cấp sẽ chững lại vì nhóm khách hàng này không lớn. Riêng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, chỉ các chủ đầu tư lớn, có kế hoạch triển khai dự án bài bản… mới có thể trụ vững trong giai đoạn khó khăn này.

Trọng Tín
(www.tinnhanhchungkhoan.vn)
Tìm kiếm