Chuyện “gà đẻ trứng vàng” vẫn chưa ngừng “hot”

17/06/2021 08:29
Năm 2020, kế hoạch bán công ty tài chính tiêu dùng của các ngân hàng đều không thành hiện thực do đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng đại dịch cũng không ngăn được nhà đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đầy tiềm năng.

Các kế hoạch … đều vỡ

Chủ trương bán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) được MSB đưa ra trong báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2018. Đến cuối năm 2019, Hyundai Card, công ty phát hành thẻ tín dụng của hãng chế tạo ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor đã công bố sẽ mua lại 50% cổ phần tại FCCOM với giá 49 tỷ won (tương đương 42 triệu USD). Ngay sau đó, FCCOM đã nộp hồ sơ trình NHNN chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần theo quy định.

Tuy nhiên, một lãnh đạo cao cấp của NHNN thông tin: “Thương vụ này đã bị huỷ”.

Nguyên do thương vụ này không thành công, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, đối tác Hàn Quốc đã có những thay đổi về chính sách, chiến lược kinh doanh trước tình hình đại dịch Covid bùng phát và diễn biến phức tạp.

“Ban đầu Hyundai thực sự quyết tâm triển khai thương vụ thể hiện qua việc đàm phàn thuê mặt bằng cho công ty mới; sắp xếp, đưa nhân sự từ Hàn Quốc sang… Nhưng dịch bệnh khiến mọi việc thay đổi”, vị lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết.

Được biết, theo thoả thuận Hyundai sẽ không mất một khoản phí nào nếu rời khỏi thương vụ trước thời hạn, nhưng Hyundai cũng đã trả cho MSB dưới 1 triệu USD.

Cũng khá tương đồng với câu chuyện trên, tại ĐHCĐ năm 2020 của SHB, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB đã thông tin việc thoái vốn tại Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHBFC) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Việc thoái vốn SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài, được Ban Lãnh đạo SHB cho biết, là hướng đi phù hợp với xu thế thị trường và với hoạt động của công ty hiện nay theo Đề án thành lập Công ty SHBFC đã được NHNN phê duyệt.

Một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng. Theo đó, ông Đỗ Quang Hiển đã rất tin tưởng thương vụ sẽ thành công trong năm 2020, tuy nhiên, đến hết năm 2020 không có hoạt động gì xảy ra.

“Thực tế, đã có nhà đầu tư nước ngoài đàm phán mua SHBFC, nhưng giống như MSB, “vấp” phải đại dịch khiến nhà đầu tư thay đổi chiến lược”, lãnh đạo cao cấp một công ty tư vấn chia sẻ.

Tại ĐHCĐ năm 2020 của VPBank, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Ngân hàng đã thông tin với cổ đông về kế hoạch bán vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit): “Trong những năm qua HĐQT cũng đã đàm phán với các nhà đầu tư để bán một phần vốn của FE Credit”.

Cuộc rao bán chưa thành công thì thị trường tài chính tiêu dùng đi xuống do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo theo lợi nhuận của FE Credit sụt giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2018, nợ xấu cao ở mức 6,9% và đóng góp vào tổng lợi nhuận của VPBank sụt xuống còn 34%. Theo đó, không có ký kết nào được triển khai trong năm 2020.

Thua keo này ta bày keo khác

Tại ĐHCĐ 2021, câu chuyện bán vốn tại SHBF tiếp tục được đưa ra. Ban Lãnh đạo SHB đã tiết lộ, Ngân hàng đã lựa chọn 2-3 đối tác nước ngoài lớn để đàm phán thoái vốn.

“Mặc dù có những khó khăn do SHB đang ra giá khá cao nhưng công việc này dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2021, với mục tiêu lựa chọn đối tác có năng lực phù hợp và hỗ trợ mang lại lợi ích tốt nhất”, vị lãnh đạo cao cấp công ty tư vấn trên cho biết.

Còn tại MSB, đã có khách hàng mới đàm phán mua lại FCCOM. Thương vụ này được người trong cuộc cho biết đã xong hoạt động thẩm tra và thậm chí xuống tiền đặt cọc.

Duy nhất thành công trên thị trường vào cuối tháng 4 vừa qua, đó là VPBank thông báo ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) để bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit với mức định giá là 2,8 tỷ USD.

“NHNN đã ký văn bản chấp thuận, chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là xong”, vị lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết.

Đề cập đến thương vụ này, Lãnh đạo VPBank chia sẻ, kỳ vọng FE Credit sẽ nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành và các kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á từ Tập đoàn SMBC, đặc biệt là từ SMBCCF - công ty tài chính tiêu dùng đang dẫn đầu tại thị trường Nhật Bản.

Ông Ngô Chí Dũng nói: “Hợp tác với SMBC có thể giúp Ngân hàng tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm để tiếp tục phát triển FE Credit”.

VPBank ký kết bán 49% vốn FECredit cho SMBC

Đây cũng là mục đích của Ban Lãnh đạo SHB: “Khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, SHB sẽ tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối hiện đại, chuyên nghiệp và công nghệ tiên tiến của các tổ chức này sẽ hỗ trợ SHBFC bứt phá, cạnh tranh thị phần với những đối thủ khác. Ngoài lợi ích về kinh nghiệm của đối tác nước ngoài, SHB cũng dự kiến thu được lợi nhuận lớn từ việc thoái vốn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài”.

Cácc huyên gia kinh tế đều chung quan điểm, vận hành một công ty tài chính rất khó, đòi hỏi phải có chuyên môn chứ không thể là những “tay mơ”. Một thông tin chưa được kiểm chứng đó là SHB đã tuyển dụng nguyên một “đội quân” của MCredit về vận hành SHBF, tuy nhiên, “đội quân” này đã khiến công ty lỗ trước khi rời đi.

Ví dụ cho việc vận hành của các công ty tài chính có nhiều khó khăn, đó là quy định các công ty tài chính không thực hiện chức năng nhận tiền gửi từ người dân mà chỉ được phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức.

“Không huy động được tiền của dân dẫn đến chi phí huy động của các công ty này rất cao”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định.

Hay như Thông tư 18/2019 của NHNN quy định về việc cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng có thể khiến lợi nhuận của các công ty này gặp khó khăn. Theo đó, mức trần của các khoản vay bằng tiền mặt bị khống chế. Cụ thể, tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các công ty tài chính sẽ giảm từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 70%; từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 60%; từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 50%, còn từ 1/1/2024 là 30%.

Trong khi đó, phần lớn khách hàng đến với công ty tài chính tiêu dùng là có nhu cầu tiền mặt, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính này mua hàng khá thấp. Như ở FE Credit có thời điểm cơ cấu cho vay tiền mặt lên tới 76%, HD SAISON cơ cấu cho vay tiền mặt 33%, MCredit cho vay tiền mặt 70%...

Một trong những minh chứng cho sự thành công khi bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài được thị trường ghi nhận đó là HD SAISON. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia bằng năng lực quản trị điều hành cũngnhư kinh nghiệm triển khai giúp cho HD SAISON mang về cho HDBank hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.

“Bán một phần vốn của “gà đẻ trứng vàng” là quyết định đúng nếu ngân hàng không thể điều hành được công ty nhưng muốn tiến xa hơn trong lĩnh vực này”, vị lãnh đạo công ty tư vấn cho biết.

Nhuệ Mẫn
(www.tinnhanhchungkhoan.vn)
Tìm kiếm