Thị trường chứng khoán ảo diệu

08/06/2021 08:49
Không ít cổ phiếu tăng giá vùn vụt trong sự ngẩn ngơ và khó hiểu của nhiều người. Có nhà đầu tư nhận xét, “thật là điên rồ”.

Thị trường chứng khoán ngày càng sôi động, nhưng hàng hóa chất lượng khan hiếm, cung không tăng kịp theo cầu.

Giá cổ phiếu tăng phi mã và lý giải nhóm ngân hàng

Sau gần chục năm nắm giữ cổ phiếu PGBank được mua ưu đãi bằng mệnh giá do là nhân viên Ngân hàng, tuần qua, Ngọc Linh mới đem 10.000 cổ phiếu đi lưu ký. Thấy giá tăng nóng, hai vợ chồng quyết định bán ra.

Linh kể, trước đây có thời điểm cổ phiếu PGBank giảm còn hơn 1.000 đồng/cổ phiếu, tưởng biến thành giấy lộn, nhưng nay rác đã hóa vàng, thị giá chạm 30.000 đồng/cổ phiếu, tăng vùn vụt trong sự ngơ ngẩn của nhiều người.

Khi PGBank mới lên UPCoM (chào sàn ngày 24/12/2020 với mã chứng khoán PGB), vốn là lãnh đạo một công ty con trong ngành xăng dầu, Trần Nam có đôi chút hiểu biết về ngân hàng này nên đã bỏ ra xấp xỉ 1 tỷ đồng để mua vào cổ phiếu. Giá tham chiếu trong ngày đầu lên sàn là 15.500 đồng/cổ phiếu, đóng cửa tại 16.000 đồng/cổ phiếu.

Khi giá tiến lên gần 18.000 đồng/cổ phiếu thì anh bán ra vì cho rằng giá đang ở quanh giá trị thực. Sau đó, cổ phiếu PGB có một số đợt trồi sụt, nhưng dao động phổ biến quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu, kéo dài đến ngày 20/5/2021.

Nhưng rồi, chỉ trong vòng 9 phiên, thị giá PGB vụt tăng gấp đôi, khiến anh hoàn toàn bất ngờ. “Thật là điên rồ”, anh Nam nhận xét.

Thị trường chứng khoán vẫn đang hưng phấn, nhưng không ít nhà đầu tư có tâm lý thận trọng hơn trước mức tăng nhanh và mạnh của các mã chứng khoán, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư lâu năm, ông Lê Quang Vinh lại đánh giá khác.

Theo ông Vinh, nhiều năm trước, cổ phiếu ngân hàng không khởi sắc vì nợ xấu, bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, năm 2008 có một đợt lãi suất huy động tăng lên 19,2%/năm, lãi suất cho vay trên 20%/năm, sau đó hạ nhiệt với lãi suất huy động trên 10%/năm, lãi suất cho vay 14%/năm.

Tiếp đó, tới năm 2011 có một đợt tăng lãi suất mạnh hơn 2008. Cụ thể, lãi suất huy động lên tới 20 - 22%/năm, lãi suất cho vay 25 - 30%/năm. Lãi suất cao duy trì trong một thời gian dài, dẫn tới đa số doanh nghiệp và người vay không thể chịu đựng nổi, nên không còn khả năng trả nợ. Nhiều doanh nghiệp đã bị “khai tử” trong thời gian sau đó.

Thứ hai, các quy chế cho vay trước đây chưa chặt chẽ, nên đã xảy ra việc định giá tài sản bảo đảm (chủ yếu là bất động sản) không chính xác. Nhiều tài sản bị định giá cao hơn thực tế, chẳng hạn, một ngôi nhà trị giá 20 tỷ đồng được định giá 30 tỷ đồng, sau đó được cho vay 20 tỷ đồng.

Chính vì vậy, người vay sau khi vay được tiền chỉ trả lãi vài tháng, sau đó không trả nữa, coi như bán nhà cho ngân hàng. Các nhân viên ngân hàng khi làm thủ tục cho vay không thẩm định lại tài sản một cách cẩn thận, dẫn tới tranh chấp pháp lý kéo dài, tốn công, tốn của.

Thứ ba, việc thu hồi, phát mại tài sản là nhà ở phải qua quy trình tố tụng kéo dài và phức tạp tại tòa án: gửi đơn kiện, tòa thụ lý đơn kiện, thông báo đến bị đơn, lấy lời khai, hòa giải, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm (thường có kháng cáo). Đa số các vụ án kéo dài hàng năm trời. Kể cả khi xong phần xử án, công tác thi hành án cũng mất thời gian và phức tạp.

Chính vì nợ xấu nên tình hình tài chính của các ngân hàng không còn khỏe mạnh, hầu hết có lợi nhuận sụt giảm, thậm chí có những ngân hàng lỗ và phải trải qua quá trình tái cơ cấu, sáp nhập, hay được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, dẫn tới cổ phiếu giảm giá trong thời gian dài.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, mọi thứ đã thay đổi.

Sau gần 10 năm xử lý nợ xấu rốt ráo, hiện nay, tình hình kinh doanh của các ngân hàng đã tích cực hơn rất nhiều. Một phần là nhờ các thủ tục tố tụng thay đổi kịp thời (trước đây, nếu bị đơn bỏ trốn sẽ rất khó xử lý, bây giờ là xử vắng mặt), vấn đề định giá tài sản cũng bài bản, sát với thực tế thị trường.

Một phần cũng nhờ thị trường bất động sản phát triển trở lại, giúp giá nhà, đất tăng và thanh khoản tốt hơn, nên sau khi phát mại tài sản, ngân hàng thu được cả gốc lẫn lãi.

Bên cạnh đó, các chế tài đối với lãnh đạo, nhân viên ngân hàng làm sai đã cụ thể, rõ ràng (có những lãnh đạo, nhân viên ngân hàng bị tù giam vì làm sai), khiến họ không dám vi phạm, nên nợ xấu khó phát sinh hơn.

Ngoài ra, nguồn vốn dồi dào và rẻ hơn nhiều so với trước đây, nên lãi suất cho vay đã giảm đi nhiều, từ đó hỗ trợ được các doanh nghiệp. Được hưởng lợi từ lãi suất thấp, các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, cùng với đó là được hưởng lợi trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nên làm ăn có lợi nhuận tốt hơn, có nguồn để trả nợ ngân hàng.

“Với việc cung tiền hàng năm tăng thêm khoảng 15 - 20%, dư địa phát triển của ngành ngân hàng sẽ tăng liên tục cả về quy mô và lợi nhuận trong 4 - 5 năm tới”, ông Vinh nói. Nhà đầu tư này phân tích thêm, tuy giá cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng định giá P/E của các ngân hàng Việt Nam trung bình là 10, trong khi P/E trung bình của các ngân hàng châu Á là 14, Trung Quốc là 17 và Mỹ là 25.

Nhà đầu tư được “dìu dắt”

Có những nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng trước đó, do chứng khoán bị nhìn nhận là kênh đầu tư gắn với thua lỗ, mất vốn, nên họ không dám tham gia, dẫn đến định giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ở mức thấp.

Thực tế hiện nay, một số mã cổ phiếu trên UPCoM như LTG vẫn chỉ có thị giá bằng một nửa so với giá mà VinaCapital thoái vốn trước đây (chưa tính giá điều chỉnh do chia cổ tức), hay cổ phiếu MPC cũng chỉ bằng một nửa so với thị giá trước khi hủy niêm yết trên HOSE năm 2015 và dự kiến bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Quang Vinh nhận xét, đà tăng của thị trường hiện nay được bố cục rất chặt chẽ, nhà đầu tư được “dìu dắt” vào các mã chứng khoán có nền tảng tốt như thép, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản có quỹ đất dân cư lớn…

Khi lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, định giá cổ phiếu không còn trở thành nỗi ám ảnh đắt đỏ, khác với trước đây - nhà đầu tư nhắm mắt đổ vốn vào những mã chứng khoán của doanh nghiệp không có tăng trưởng và thực lực.

Các số liệu được giới chuyên gia ước tính cho thấy, người Việt có khả năng tích lũy tốt. Hiện số tiền nằm trong các ngân hàng khoảng 7 triệu tỷ đồng, giá trị tài sản cất trữ dưới dạng vàng và đá quý ước khoảng 100 tỷ USD, tiền USD cất trữ và giao dịch trong dân ước khoảng 100 tỷ USD.

Nhìn nhận về số lượng tài khoản chứng khoán ở Việt Nam tăng mạnh, đạt hơn 3,2 triệu tính đến cuối tháng 5/2021, cũng như lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán ào ào như thác lũ nhưng đầu tư rất chọn lọc, ông Vinh cho rằng, người dân Việt Nam sẽ quen với kênh đầu tư chứng khoán, một dạng đầu tư đòi hỏi trí tuệ và bản lĩnh.

Nhà đầu tư hiện nay cũng thông minh hơn trước rất nhiều, được trang bị vững vàng hơn, có thể nắm giữ tới cả năm những mã cổ phiếu đã lựa chọn, nhưng vẫn biết kết hợp lướt sóng để hạ giá vốn, tối ưu lợi nhuận.

Năng lực quản trị vĩ mô

Khi chứng khoán trở thành kênh đầu tư được quan tâm hơn, trở nên sôi động hơn, câu hỏi đặt ra là làm gì để vận hành thị trường hiệu quả, trở thành một kênh thu hút vốn hoạt động cho doanh nghiệp, Nhà nước tận dụng được cơ hội trên thị trường cho các mục tiêu vĩ mô?

Phân tích về điều này, chuyên gia Ngô Văn Tuyển cho biết, phiên 3/6/2021 có tổng giá trị giao dịch lên đến xấp xỉ 37.000 tỷ đồng. Trong đó, sàn HOSE với 461 mã chứng khoán chiếm khoảng 80% giá trị giao dịch; sàn HNX có 285 mã và UPCoM có 377 mã chiếm khoảng 20% giá trị giao dịch.

Xét riêng nhóm cổ phiếu trong chỉ số VN30, giá trị giao dịch chiếm 57% tổng giá trị giao dịch trên HOSE và chiếm 45,5% tổng giao dịch của cả thị trường (3 sàn).

Các mã trong VN30 đều được giao dịch sôi động, nhưng mã có tỷ lệ cổ phiếu giao dịch so với khối lượng cổ phiếu lưu hành cao nhất là 2,3% (SSI), thấp nhất là 0,07% (GAS, VIC). Tính trung bình, chỉ có 0,59% lượng cổ phiếu giao dịch trong ngày.

Trong 30 mã tạo lên VN30, có 10 ngân hàng, 6 doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp còn lại thuộc lĩnh vực chứng khoán, hàng không, dầu khí, thép, thực phẩm, sữa, bán lẻ, điện lực, tin học.

Các nhà đầu tư dồn tiền vào cổ phiếu các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, bất động sản cũng phản ánh các lĩnh vực hoạt động khác của nền kinh tế là không thuận lợi trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.

Lượng giao dịch tăng tập trung vào VN30 thể hiện sự thu hút vốn cho hoạt động của các doanh nghiệp khác qua kênh chứng khoán còn hạn chế. Các cổ phần mà Nhà nước nắm giữ ở các doanh nghiệp càng trong tình trạng bất động, dù giá tăng cao như BID, CTG, VCB.

Trong khi đó, Nhà nước đang cần vốn cho đầu tư phát triển. Khi Nhà nước trì trệ trong việc bán vốn trên thị trường chứng khoán, thì các nhà đầu tư nước ngoài đã kịp kiếm lợi không nhỏ từ chính thị trường này. Đơn cử, trong tuần qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã kiếm bộn tiền từ việc bán ra cổ phiếu HPG khi thị giá cổ phiếu tăng vài lần chỉ sau 1 năm.

Trần Vũ Cường - Thủy Anh
(www.tinnhanhchungkhoan.vn)
Tìm kiếm