GIỚI THIỆU DỰ THẢO THÔNG TƯ “HƯỚNG DẪN VIỆC CHÀO BÁN CHỨNG KHOÁN RA CÔNG CHÚNG, MUA LẠI CỔ PHIẾU, BÁN CỔ PHIẾU QUỸ VÀ CHÀO MUA CÔNG KHAI CỔ PHIẾU”

07/09/2015 15:58

Sự cần thiết ban hành Thông tư

Trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp 2014 và đặc biệt là Nghị định 60/2015/NĐ-CP1 đã đi vào cuộc sống, nhiều quy định mới được ban hành liên quan đến hoạt động chào bán chứng khoán đã đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn liên quan để phù hợp và đồng bộ với các quy định trong các văn bản pháp lý mới. Hơn nữa, sau 3 năm triển khai áp dụng, hai văn bản hiện hành hướng dẫn các hoạt động liên quan đến phát hành cổ phiếu là Thông tư số 204/2012/ TT-BTC (Thông tư 204)2 và Thông tư số 130/2012/TT-BTC (Thông tư 130)3 cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi cơ quan quản lý cần phải sớm ban hành văn bản mới thay thế

Trên cơ sở đòi hỏi của thực tiễn thị trường và yêu cầu hoàn thiện khung khổ pháp lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã dự thảo một thông tư mới hướng dẫn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu để thay thế cho hai Thông tư 204 và Thông tư 130. Dự thảo Thông tư mới được thiết kế theo 8 Chương, 57 Điều, kế thừa các nội dung cơ bản của hai Thông tư cũ, đồng thời sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định mới nhằm phù hợp với quy định mới tại Nghị định 60, Luật Doanh nghiệp 2014 và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thực tiễn thị trường. Hiện dự thảo Thông tư này đã được UBCKNN lấy ý kiến góp ý của thành viên thị trường và đang trong quá trình hoàn thiện để trình Bộ Tài chính ban hành trong thời gian tới.

Một số nội dung bổ sung, sửa đổi

Thứ nhất, dự thảo Thông tư bổ sung và sửa đổi một số nội dung liên quan đến quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) tại các doanh nghiệp theo Nghị định 60 và Luật Doanh nghiệp. Theo đó, Điều 5 và Điều 16 của dự thảo Thông tư yêu cầu doanh nghiệp phải có văn bản pháp lý xác định công ty thuộc và không thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có quy định về “room” trong hồ sơ đăng ký chào bán theo quy định tại Điều 2a Nghị định 60, đó là: i) “Tài liệu chứng minh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà ĐTNN của công ty” đối với các doanh nghiệp có quy định về “room” cho nhà ĐTNN hoặc ii) “Cam kết của công ty đăng ký ngành nghề không thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có quy định về sở hữu nước ngoài” đối với các doanh nghiệp không có quy định về “room” cho nhà ĐTNN (nghĩa là “room” được mở tối đa 100%). Để cụ thể hóa các tài liệu này, ông Trương Lê Quốc Công, Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCKNN cho biết hiện Ủy ban đang phối hợp với Vụ Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Thứ hai, trong hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp phải bổ sung thêm tài liệu “Báo cáo tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán gần nhất được công ty kiểm toán xác nhận”. Đây là một trong những điểm mới của dự thảo Thông tư phù hợp với quy định tại khoản 8 Điều 9 Nghị định 60 về báo cáo sử dụng vốn, đồng thời đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn hoạt động giám sát việc sử dụng vốn từ đợt phát hành của doanh nghiệp phải có tài liệu đáng tin cậy. Cũng theo ông Trương Lê Quốc Công, quy định này có thể đặt ra một số thách thức đối với doanh nghiệp, nhưng từ phía nhà đầu tư và cổ đông thì lại rất ủng hộ quy định này. 

Bên cạnh đó, Nghị định 60 cũng quy định rõ: Tổ chức phát hành phải mở một tài khoản phong tỏa và tiếp nhận vốn huy động theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật Chứng khoán, trừ trường hợp chào bán để hoán đổi các khoản nợ, hoặc để hoán đổi lấy cổ phần hoặc phần vốn góp tại công ty khác. Số tiền thu được từ đợt chào bán phải được chuyển khoản vào tài khoản phong tỏa theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật Chứng khoán. Tổ chức phát hành không được sử dụng tiền trên tài khoản phong tỏa dưới bất cứ hình thức nào cho đến khi hoàn thành đợt chào bán và báo cáo UBCKNN. Các quy định này nhằm mục đích bảo vệ nhà đầu tư và doanh nghiệp, tránh trường hợp phát hành khống cổ phiếu. Vì vậy, Dự thảo Thông tư cũng bổ sung thêm tài liệu “Văn bản xác nhận của ngân hàng về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán” trong hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng. 

Thứ ba, dự thảo Thông tư mới bổ sung quy định về “hoán đổi riêng lẻ” (Điều 30). Đây là một trong những điểm mới của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 204 và Thông tư 130 bởi trước đó, Nghị định 58 và các văn bản hướng dẫn không có quy định rõ về hoán đổi riêng lẻ mà chỉ có sự phân biệt về mặt hồ sơ. Nhưng trong Nghị định 60 đã có quy định rõ về điều kiện, hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ của công ty đại chúng (CtyĐC), chào báo cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu của công ty cổ phần (CtyCP) chưa đại chúng hoặc chào bán cổ phiếu để hoán đổi lấy phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn… Các quy định cụ thể về vấn đề này đã “thắt chặt” hơn việc quản lý hoạt động phát hành riêng lẻ cũng như hoán đổi riêng lẻ, đặc biệt là đối với việc chào bán riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ, bởi trên thực tế đã có không ít doanh nghiệp lợi dụng mặt trái của phát hành riêng lẻ để trục lợi. Hơn nữa, các quy định này còn buộc doanh nghiệp phải ghi rõ các khoản nợ trước khi thực hiện các đợt phát hành nhằm mục đích để cổ đông và nhà đầu tư có tài liệu để thực hiện quyền giám sát của mình. Thứ tư, hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng của CtyCP hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp được quy định chi tiết tại Điều 10 và Điều 16 của dự thảo Thông tư.

Theo đó, hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của CtyĐC có thời gian hoạt động từ hai năm trở lên gồm các tài liệu như: giấy đăng ký chào bán cổ phiếu, bản cáo bạch, điều lệ công ty, quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành... Còn đối với hồ sơ chào bán trái phiếu ra công chúng của CtyCP hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 2 năm trở lên bao gồm các tài liệu như: giấy đăng ký chào bán trái phiếu, bản cáo bạch, điều lệ công ty, quyết định của Hội đồng quản trị, cam kết bảo lãnh phát hành trái phiếu…

Thứ năm, dự thảo Thông tư quy định UBCKNN phải gửi thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả phát hành, chào bán cho tổ chức phát hành, Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (TTLKCK). Theo đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo kết quả chào bán chứng khoán hợp lệ theo quy định tại Điều 24 của dự thảo Thông tư này, UBCKNN có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán cho tổ chức phát hành, SGDCK (đối với tổ chức phát hành là công ty niêm yết hoặc tổ chức đăng ký giao dịch chứng khoán) và TTLKCK, đồng thời công bố thông tin về thông báo xác nhận kết quả chào bán trên trang thông tin điện tử của UBCKNN. Trước đây, việc xác nhận kết quả này chỉ được các công ty đưa lên trang web của UBCKNN mà không có bản xác nhận bằng văn bản gửi SGDCK và TTLKCK. Hơn nữa, việc UBCKNN có văn bản xác nhận kết quả phát hành cũng đáp ứng nhu cầu thực tế của công ty, tạo thuận lợi cho các công ty trong việc làm thủ tục phát hành sau khi tăng vốn.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác như quy định về tài liệu pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất trong hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng đối với việc huy động vốn cho các dự án liên quan đến bất động sản; quy định điều kiện để các CtyĐC phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu; quy định về lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo hướng dẫn tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp…

Châu Giang
Tìm kiếm