Ông Nguyễn Cận (sinh năm 1948) và bà Nguyễn Thị An (sinh năm 1950) trú tại tổ 4, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Cận cho biết, khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, ông rất vui mừng. Theo tính toán của ông, đến ngày 1.7.2025 (ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chính thức có hiệu lực), ông đã "dư" tuổi để có thể hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng.
Đây là điều mà ông mong chờ nhiều nhất. Ông cho biết thêm, nếu theo quy định cũ thì ông phải chờ đợi hơn 4 năm nữa (lúc đó ông đủ 80 tuổi) để được hưởng trợ cấp xã hội.
Bà Nguyễn Thị An vui vẻ cho biết, sang năm bà cũng đủ 75 tuổi theo đúng quy định của luật để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng.
“Từ trước đến nay, vợ chồng tôi làm nghề nông, rồi buôn bán lặt vặt ngoài chợ; khi lớn tuổi, không còn sức khỏe nữa thì ở nhà. Hai vợ chồng đều không được tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện giờ vợ chồng tôi sống nhờ dựa vào con cháu. Tiền mua thẻ bảo hiểm y tế hàng năm cũng do con cháu mua để không may ốm đau, bệnh tật, đi khám bệnh đỡ tốn kém chi phí" - bà An kể.
Bà cho biết thêm, sang năm nếu được nhận trợ cấp hưu trí xã hội, mỗi tháng vợ chồng bà sẽ có thêm một khoản tiền để trang trải phần nào cho sinh hoạt hằng ngày.
Còn bà Nguyễn Thị Tiện (sinh năm 1950, cùng trú ở tổ 4, phường Nghĩa Chánh, hàng xóm nhà vợ chồng ông Cận) cũng bày tỏ vui mừng khi được biết đến thông tin giảm độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng xuống còn 75 tuổi so với trước đây. “Tôi rất mong mỏi đến ngày được nhận trợ cấp hưu trí xã hội” - bà chia sẻ.
Bà cho biết thêm, cuộc sống bà còn nhiều chật vật. Gia đình con gái hiện đang ở với bà, nhưng điều kiện kinh tế còn khó khăn.
"Trước đây, tôi có nuôi 1-2 con heo để “vỗ béo”, bán cho người ta kiếm chút tiền ăn uống, chi tiêu. Thế nhưng giờ lớn tuổi già yếu, ốm đau, bệnh tật thường xuyên nên tôi không nuôi nổi. Giờ chỉ nuôi bầy gà để lớn bán cho người ta kiếm thêm chút tiền để chi tiêu, mua thuốc thang" - bà Tiện kể.
Bà cho biết, sang năm nếu được nhận trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng bà sẽ đỡ vất vả hơn, có thêm được một khoảng tiền cố định hằng tháng. Bà mong ước, ngoài khoản tiền được trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, nếu được những người già yếu, nghèo khó như bà mong được cấp chiếc thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để bà đỡ khó khăn, chật vật khi không may bị ốm đau, bệnh tật…
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng cho những người già, người lớn tuổi không có lương hưu, từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi là một chính sách nhân văn, tốt đẹp. Chính sách này thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu, đặc biệt là sự chăm lo của Nhà nước, của Chính phủ đối với một bộ phận người dân - những người già không có thu nhập hằng tháng từ tiền lương hưu.
Ngoài ra cũng cần nói thêm rằng, một khi nguồn quỹ bảo hiểm xã hội được cân đối, ổn định và có kết dư, việc tiếp tục nghiên cứu, xem xét kéo giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đối với người già không có lương hưu.
Được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng đối với nhiều người già không có lương hưu với một khoản thu nhập cố định tuy không nhiều nhưng một điều chắc chắn rằng, cuộc sống của họ sẽ bớt chật vật, khó khăn.
So với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định mới so với về trợ cấp hưu trí cho người lớn tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên mà không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và có đơn đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Trước khi có quy định về trợ cấp hưu trí xã hội, tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP đã quy định về trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên hoặc từ đủ 75 tuổi trở lên đối với trường hợp hộ nghèo, cận nghèo sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
Như vậy Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã giảm số tuổi hưởng nhận trợ cấp của người cao tuổi xuống còn từ đủ 75 tuổi thay vì từ đủ 80 tuổi như hiện nay.