Giải pháp nào để kích cầu vốn vay?

19/10/2024 10:55
Trong 3 tháng cuối năm, dự báo nhu cầu vốn tín dụng tăng, các ngân hàng cũng nhân cơ hội này để bơm vốn vào nền kinh tế thông qua các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Hiện nay, lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhưng nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.

 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 9%, trong khi con số này ở TP HCM mới đạt 5,83%, phản ánh sức cầu và khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hồi phục.

Doanh nghiệp vẫn thận trọng với vay vốn 

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã được củng cố, tăng cường với triển vọng tích cực nhưng vẫn cần vun đắp. Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân tỏ ra hụt hơi, vẫn còn khó khăn về dòng tiền, tiếp cận vốn vay…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết tăng trưởng GDP của cả nước 9 tháng đầu năm 2024 đạt mức cao 6,8%, được thúc đẩy bởi tăng trưởng công nghiệp hướng vào xuất khẩu; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực..

Dù vậy, theo cảm nhận của người dân và doanh nghiệp, dường như kinh tế vẫn khó khăn. "Điều này xuất phát từ tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình tăng chậm; đầu tư của doanh nghiệp tư nhân chững lại với tâm lý sợ rủi ro tài chính, rủi ro pháp lý. Chính sách tài khóa vẫn không nới lỏng và gánh nặng hỗ trợ tăng trưởng đặt lên chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh này, Chính phủ và NHNN quyết tâm giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15% và đang khuyến khích đẩy dòng vốn tín dụng ra thị trường", ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại rất thấp. Nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, có thương hiệu, thường xuyên được các ngân hàng chào mời vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ 5%-6%/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế chưa thật sự phục hồi như kỳ vọng và những biến động từ thị trường quốc tế, các doanh nghiệp chủ trương hạn chế vay thêm nợ, thậm chí giảm dư nợ tín dụng để bớt áp lực tài chính.

Ông Trần Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn (TP HCM) chia sẻ hiện nay, doanh nghiệp rất thận trọng trong việc vay vốn, chỉ muốn tiền khách hàng trả về và tái đầu tư, không muốn vay thêm vì sẽ tăng chi phí. “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định sẽ không muốn vay thêm vốn do nhu cầu từ thị trường trong nước và quốc tế yếu. Vì vậy, doanh nghiệp cố gắng tự xoay xở, giảm nợ vay ngân hàng để giảm áp lực tài chính”, ông Sơn nói.

NHNN cho biết theo tính thời vụ, thường quý cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao. Ngành ngân hàng đang tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cung ứng vốn cho các tháng cuối năm.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ tiếp trục triển khai các chương trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, xuất nhập khẩu.

Ngoài việc nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp để tư vấn, hỗ trợ kịp thời, thông qua các chương trình kết nối, các ngân hàng đa dạng hóa trong việc hỗ trợ vốn, không chỉ đảm bảo bằng tài sản vay mà có thể chứng minh bằng các hợp đồng ký kết, chứng minh được dòng tiền.

Đồng thời, các ngân hàng cho biết sẽ đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong dịp cuối năm, với lãi suất dao động 5,5%-7,5%.

Không chỉ từ phía ngân hàng

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với chủ đề "Khơi thông vốn - Đón cơ hội" do NHNN chi nhánh TP HCM tổ chức, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) thông tin, Ngân hàng sẽ triển khai chương trình ưu đãi với gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,5%/năm, lãi suất cho vay dài hạn từ 6,4%/năm. Đối tượng khách hàng vay sẽ được giới thiệu, kết nối từ Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM. Chương trình tín dụng xanh quy mô 4.000 tỷ đồng cũng được ACB triển khai với lãi suất cho vay ngắn và trung - dài hạn từ 5,7%/năm.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết doanh nghiệp gặp thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn lưu động, vốn đầu tư tài sản cố định cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được nguồn vốn, bản thân doanh nghiệp phải hoạt động có hiệu quả. Đây cũng chính là cơ sở để ngân hàng xem xét hỗ trợ cho vay vốn.

Các doanh nghiệp cũng đánh giá, hiện các gói vay tại ngân hàng có mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động tốt từ 5,8 - 6,5%/năm là khá phù hợp để doanh nghiệp có thể phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh

Riêng với ngành lương thực, thực phẩm, giai đoạn cuối năm là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nắm bắt, chủ động tìm nguồn vốn vay phù hợp, từ đó tăng nguồn lực sản xuất hàng hóa phục vụ mùa lễ, Tết.

Để khơi thông dòng vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, một số ngân hàng cho rằng bên cạnh giải pháp giảm lãi suất, đơn giản thủ tục vay vốn từ phía ngành ngân hàng, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục để mở rộng sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai để giảm nguy cơ nợ xấu cho ngân hàng. Đồng thời, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản.

“Về lĩnh vực bất động sản, khi thị trường này bắt đầu có những chuyển biến tích cực sẽ tác động trở lại tăng trưởng tín dụng. Trong 3 tháng trở lại đây, tín dụng bất động sản có những tín hiệu tích cực. Lĩnh vực cho vay nhà để ở bắt đầu có xu hướng tăng”, đại diện một ngân hàng cho hay.

(Nguồn:tapchitaichinh.vn)
Tìm kiếm