Quy định về phương pháp tính thuế
Một trong những chính sách được Bộ Tài chính đề xuất tại dự án Luật Thuế TNDN sửa đổi là sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật thuế TNDN hiện hành nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Cụ thể, về phương pháp tính thuế đối với DN siêu nhỏ, theo Luật thuế TNDN và văn bản hướng dẫn hiện hành, thì các DN thuộc diện nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, có thu nhập chịu thuế TNDN mà xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì thực hiện thu thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu (phương pháp nộp thuế đơn giản). Gần đây, để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các DN siêu nhỏ, nhiều định hướng chính sách mới cũng đã được đưa ra theo hướng tiết giảm các chi phí và thủ tục hành chính không cần thiết cho các DN này.
Liên quan đến chính sách thuế, tại Điều 10 Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017 đã quy định: “DN siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán”. Theo đó, cần thiết phải cụ thể hóa quy định này để tạo điều kiện cho các DN siêu nhỏ phát triển, tiết giảm chi phí hành chính cho người nộp thuế và cơ quan thuế.
Tại dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về phương pháp tính thuế, có tính đến việc quy định chi tiết tỷ lệ thu thuế phù hợp với DN áp dụng chế độ kế toán siêu nhỏ để góp phần khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của nhóm đối tượng này.
Bộ Tài chính cho biết, bổ sung quy định về phương pháp tính thuế, có tính đến việc quy định chi tiết tỷ lệ thu thuế phù hợp đối với DN áp dụng chế độ kế toán siêu nhỏ. Điều này sẽ đảm bảo sự minh bạch, ổn định của chính sách trên cơ sở luật hóa các quy định đã có tại nghị định của Chính phủ. Qua đó, tạo niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, tạo thuận lợi cho các DN trong việc tính số thuế TNDN phải nộp khi không xác định được thu nhập; tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý doanh nghiệp và công tác hành thu. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến tính linh hoạt của chính sách trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh tỷ lệ thu thuế do phải trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật.
Bổ sung mức thuế cho DN nhỏ và siêu nhỏ
Một vấn đề khác cũng được Bộ Tài chính đề cập đó là nghiên cứu bổ sung quy định mức thuế suất áp dụng đối với DN thuộc nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ. Hiện nay số lượng DN có quy mô nhỏ, trong đó chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Trong tổng số hơn 815 nghìn DN đã được thành lập và hoạt động thì số DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 93%.
Xác định nhóm DN này luôn là đối tượng cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đồng thời cũng là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho NSNN, từ năm 2008-2012, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành các giải pháp hỗ trợ về thuế. Chỉ tính từ 1/1/2016 đến nay, DN có quy mô nhỏ đang áp dụng chính sách thuế TNDN như các DN khác với mức thuế suất phổ thông là 20%. Riêng năm 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, các DN này còn được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Quốc hội khóa XIV cũng đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018, trong đó đã có quy định về nguyên tắc chung làm cơ sở để nghiên cứu, xây dựng và áp dụng chính sách ưu đãi về thuế TNDN. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, DN có quy mô nhỏ vẫn luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Chính vì thế, Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên nhiều phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển DN có quy mô nhỏ, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế.
Đây cũng là công cụ thường được sử dụng theo hướng quy định mức thuế suất ưu đãi (có thể là mức thuế suất cố định hoặc mức thuế suất lũy tiến theo quy mô thu nhập) dành cho các DN có quy mô nhỏ. Thực tế là phần lớn các nước áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất phổ thông cho các DN có quy mô nhỏ, có phân biệt theo quy mô doanh thu, thu nhập chịu thuế. Theo đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào Luật thuế TNDN quy định áp dụng thuế suất thấp hơn đối với các DNNVV.
Theo đó, việc bổ sung quy định mức thuế suất áp dụng đối với DN thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ góp phần hỗ trợ cho đối tượng này theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; tạo điều kiện cho các DN nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển thành DN có quy mô lớn hơn.