Nhiều cơ hội từ chính sách “nới room”
Kể từ tháng 9 này, Nghị định 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 (Nghị định 60) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán chính thức đi vào cuộc sống, trong đó có quy định mang tính chất đột phá về tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam. Khác với tất cả các văn bản điều chỉnh về “room” trước đó, Nghị định 60 đã đưa ra quy định không hạn chế và thậm chí mở “room” tối đa lên tới 100% đối với một số ngành nghề kinh doanh không có điều kiện và Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối như ngành dịch vụ kinh doanh chứng khoán.
Theo TSKH. Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Nghị định 60 là văn bản nền tảng, không phải là quy định chuyên ngành và được thiết kế theo hướng mở cả về không gian và thời gian để phù hợp với mọi biến động chính sách trong các lĩnh vực chuyên ngành. Hơn nữa, việc mở “room” cho các nhà ĐTNN cũng là một trong những định hướng về giải pháp chính sách được Chính phủ theo đuổi trong suốt nhiều năm qua nhằm thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam, đồng thời đáp ứng được các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong quá trình đàm phán để tiến tới ký kết.
Các quy định mở về “room” cho nhà ĐTNN tại Nghị định 60 được kỳ vọng là sẽ có những tác động tích cực đến nền kinh tế, môi trường kinh doanh, thị trường vốn, TTCK, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đối với nền kinh tế, việc Chính phủ cho phép nhà ĐTNN tăng tỷ lệ sở hữu ở các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư để tái cấu trúc, hiện đại hóa nền kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ như hiện nay. Hơn nữa, chính sách này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho hoạt động huy động vốn phục vụ đầu tư phát triển và công tác cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian tới khi dòng vốn ĐTNN có cơ hội đổ vào TTCK và doanh nghiệp nhiều hơn. Tại Hội nghị sơ kết thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định 60 không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển của TTCK, mà còn thúc đẩy quá trình CPH mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai diễn ra nhanh hơn, đạt hiệu quả tích cực hơn. Ngoài ra, chính sách này còn thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư ngày càng cởi mở, thông thoáng hơn.
Đối với thị trường vốn, TTCK, trong ngắn hạn, chính sách mở “room” cho nhà ĐTNN có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư trên TTCK sau nhiều năm chờ đợi và “quét sạch” những đồn đoán thất thiệt trước đó trên thị trường về việc nới “room”. Về trung và dài hạn, chính sách này được kỳ vọng sẽ tăng sức cầu cho TTCK, tạo cú hích lớn thúc đẩy thị trường không những phát triển về “lượng” mà còn góp phần nâng cao về “chất”. Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý, mức vốn hóa của TTCK Việt Nam chỉ vào khoảng 46 tỷ USD, tương đương 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, nhìn sang các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á, chẳng hạn như mức vốn hóa của TTCK Singapore khoảng 415 tỷ USD, của Thái Lan là 418 tỷ USD (112% GDP), của Philippines là 184 tỷ USD (65% GDP)…, thì rõ ràng quy mô thị trường của nước ta còn khiêm tốn. Trong khi đó, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng vẫn chưa tạo nên sức hấp dẫn lớn để thu hút được nguồn vốn ĐTNN. Vì vậy, với quy định mới về “nới room”, nhà ĐTNN sẽ có nhiều cơ hội hơn để đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, các dòng vốn bền vững từ các tổ chức đầu tư lớn, có uy tín được kỳ vọng là sẽ tìm đến Việt Nam như là một “điểm đến” đầy hấp dẫn, đó là chưa kể các tổ chức ĐTNN đang hoạt động tại Việt Nam cũng sẽ gia tăng tỷ trọng đầu tư “đổ” vào TTCK trong nước. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa để thu hút nhiều hơn dòng vốn ĐTNN vào TTCK nói riêng, vào nền kinh tế Việt Nam nói chung trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và hệ thống tài chính toàn cầu.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy, bình quân tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN tại các doanh nghiệp niêm yết trên hai Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) hiện đạt khoảng 20 - 25%. Theo TSKH. Nguyễn Thành Long, nếu “soi” vào con số thống kê trên thì “room” còn lại của nhà ĐTNN là rất lớn. Điều này có nghĩa là còn có thể thu hút được một lượng vốn tương đương của nhà ĐTNN đang có trên TTCK. Hiện chỉ có khoảng trên 30 doanh nghiệp đã cạn “room”. Hơn nữa, trong số hơn 600 mã cổ phiếu niêm yết trên hai SGDCK hiện nay, số lượng mã cổ phiếu có chất lượng tốt còn “room” không nhiều, hầu hết các cổ phiếu đều đã kín “room”. Điều này phần nào đã cản trở nhà ĐTNN tham gia TTCK Việt Nam. Vì vậy, khi chính sách mới về nới “room” được triển khai thì danh mục đầu tư của nhà ĐTNN sẽ có thêm nhiều lựa chọn.
Đối với doanh nghiệp, chính sách này đã “trao quyền” cho các doanh nghiệp trong việc tự quyết định về “room” cho nhà ĐTNN. Theo đó, doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân muốn tăng năng lực tài chính, quản trị, công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh… thì có thể tự quyết định tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà ĐTNN. Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng của dòng vốn ĐTNN là sức ép đòi hỏi các định chế trung gian tài chính phải nâng cao chất lượng dịch vụ từ đó thúc đẩy hệ thống các định chế trung gian phát triển. Theo đó, các thể chế tài chính trung gian, cũng như các dịch vụ tư vấn, bổ trợ tư pháp và hỗ trợ kinh doanh, xác định hệ số tín nhiệm, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán và thông tin thị trường phải nỗ lực vận động, phát triển trên cơ sở chuẩn mực quốc tế để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường.
Nhìn chung, chính sách mới về “room” cho nhà ĐTNN được nhìn nhận là sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế, TTCK, doanh nghiệp và các cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà ĐTNN.
Vẫn còn những băn khoăn
Mặc dù chính sách nới “room” cho nhà ĐTNN đã có, kỳ vọng bấy lâu của thị trường, của doanh nghiệp và nhà đầu tư đã được đáp ứng, nhưng đâu đó vẫn còn một số băn khoăn khi chính sách này được triển khai. Trước hết, đó là những băn khoăn xung quanh các quy định về “room” cho nhà ĐTNN trong Nghị định 60 khi tham chiếu đến một số quy định pháp lý của các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, đơn cử như Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn (đang soạn thảo) về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh. Tuy Luật Đầu tư đã quy định danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhưng kết quả rà soát sơ bộ cho thấy còn tới 128 ngành nghề chưa quy định điều kiện đầu tư đối với nhà ĐTNN; 21 ngành nghề chưa có quy định cả về điều kiện kinh doanh chung và điều kiện đầu tư đối với nhà ĐTNN… Một khi những vấn đề này chưa sớm được giải quyết, thì việc hướng dẫn chi tiết cho việc xác định tỷ lệ “room” đối với nhiều ngành, lĩnh vực cụ thể áp dụng đối với nhà ĐTNN vẫn chưa thể dễ dàng. Mặc dù trong ngày 01/9/2015, ngày Nghị định 60 có hiệu lực, CtyCK Sài Gòn (SSI) đã công bố thông tin về việc hoàn thành nới “room” tối đa đến 100%, nhưng điều này cũng chỉ nói lên rằng Nghị định 60 trước mắt chỉ được hiện thực hóa với tổ chức kinh doanh chứng khoán, cụ thể là với CtyCK, CtyQLQ, còn để chính sách này được triển khai trên diện rộng với các loại hình doanh nghiệp khác thì cần chờ nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, trong đó có quy định chi tiết về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành.
Mặt khác, với “độ mở” trong quy định về “room” cho nhà ĐTNN của Nghị định 60, có nhiều ý kiến lo ngại về khả năng thôn tính của các nhà ĐTNN đối với các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như việc thị trường vốn, TTCK Việt Nam sẽ trở nên phụ thuộc nhiều vào dòng vốn ĐTNN, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, nếu dòng vốn ĐTNN ồ ạt rút ra thì rõ ràng TTCK và nói rộng hơn là nền kinh tế nhiều khả năng sẽ phải gánh chịu những hệ quả nặng nề. Điều này đã từng được chứng minh trong khủng hoảng tài chính thế giới năm 1998 mà tâm điểm xuất phát từ một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có nền kinh tế bị lệ thuộc lớn vào dòng vốn ĐTNN. Về vấn đề này, TSKH. Nguyễn Thành Long cho rằng, lo ngại về sự thôn tính doanh nghiệp là không có cơ sở, vì trong Nghị định 60 đã có quy định trao cho doanh nghiệp quyền quyết định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nên sẽ không thể có tình trạng thâu tóm mà công ty không biết. Cũng trong Nghị định này, UBCKNN đã quy định nếu nhà ĐTNN muốn sở hữu trên 25% vốn thì phải thực hiện chào mua công khai với các thông tin minh bạch về giá và thời gian thực hiện. Như vậy, ý định nắm giữ cổ phần chi phối đối với các doanh nghiệp của nhà ĐTNN sẽ sáng tỏ. Bên cạnh đó, theo TSKH. Nguyễn Thành Long, từ khi Việt Nam có TTCK, thì lượng vốn ĐTNN đổ vào TTCK liên tục tăng và đến nay đã đạt gần 15 tỷ USD. Nguồn vốn này đã có tác động tích cực đến TTCK, cũng như nền kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, cơ quan quản lý cũng đã có nhiều giải pháp để tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có những ứng phó, xử lý kịp thời khi có những tình huống bất thường xảy ra.
Đề xuất một số giải pháp
Từ những phân tích về cơ hội cũng như một số băn khoăn, thách thức đối với quá trình áp dụng chính sách nới “room” cho nhà ĐTNN vào thực tế nêu trên, thiết nghĩ để chính sách này đi vào cuộc sống một cách hiệu quả như mong muốn của cơ quan quản lý, đáp ứng được kỳ vọng của thị trường cũng như nhu cầu của nhà ĐTNN và doanh nghiệp, trong thời gian tới cần hướng tới thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần sớm lấp đầy các khoảng trống pháp lý, tạo sự liên thông, đồng bộ trong các quy định của các Bộ ngành và các cơ quan liên quan đến tỷ lệ sở hữu cho nhà ĐTNN. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn cũng như có danh mục cụ thể về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xác định tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN đối với từng lĩnh vực cụ thể. Điều này cũng sẽ tạo thuận lợi cho nhà ĐTNN khi muốn tìm hiểu, đầu tư và nâng cao tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp Việt Nam. Các bộ, ban ngành cần rà soát và chỉ hạn chế đối với những doanh nghiệp cụ thể, hoặc những ngành nghề thật sự cần hạn chế nước ngoài. Những doanh nghiệp và lĩnh vực ngành nghề khác thì không cần thiết hạn chế vì đôi khi mục tiêu hạn chế sở hữu cũng không rõ ràng. Nói cách khác, danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà có hạn chế sở hữu đối với nhà ĐTNN nên được từng bước rút ngắn lại theo thông lệ quốc tế tốt nhất.
Hai là, để doanh nghiệp, nhà ĐTNN, các nhà đầu tư trong nước nắm được các quy định cơ bản, hiểu rõ các thuật ngữ, các điều khoản mới về tỷ lệ sở hữu cho nhà ĐTNN và vận dụng để đưa ra các quyết định đầu tư; cũng như để doanh nghiệp, nhà đầu tư có cách hiểu đúng và đầy đủ về chính sách nới “room”, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoạt động phổ biến, tuyên truyền quy định mới này đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư thông qua các hoạt động như tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, phối hợp với cơ quan truyền thông báo chí trong việc đăng tải các thông tin liên quan đến chính sách mới này. Về phía doanh nghiệp, nhà ĐTNN, bản thân họ cũng phải tìm hiểu và nắm vững các quy định mới để vận dụng đưa ra các quyết định quan trọng. Khi đã xác định và quyết định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, doanh nghiệp (cụ thể là công ty đại chúng, công ty niêm yết) phải báo cáo UBCKNN và công bố thông tin về “room” cho nhà ĐTNN trên trang thông tin điện tử của mình, của SGDCK và TTLKCK.
Ba là, cần có cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, đơn vị liên quan đến lĩnh vực chứng khoán nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nhà ĐTNN, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách về “room” cho nhà ĐTNN.
Bốn là, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ dòng vốn ĐTNN và nâng cao năng lực quản trị rủi ro đối với TTCK để ngăn chặn rủi ro có thể xảy ra khi hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam được xóa bỏ. Theo đó, ngoài việc xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro và cảnh báo sớm, UBCKNN cần đầu tư công nghệ hiện đại và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ của Ủy ban, đồng thời chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý TTCK trong khu vực và trên thế giới trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm kịp thời ứng phó với các tình huống bất ngờ xảy ra ảnh hưởng đến dòng vốn ĐTNN trên TTCK.