Khi Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức đi vào hoạt động, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại cơ quan Bộ Tài chính sẽ được kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia. Việc này có ý nghĩa gì và mang đến những thay đổi như thế nào đối với người dùng, thưa ông?
Ông Võ Anh Trung: Việc kết nối liên thông hệ thống văn bản điều hành giữa các bộ, ngành, địa phương (bao gồm Bộ Tài chính) với Trục liên thông văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước là một trong các khâu then chốt trong xác lập nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu của Chính phủ cũng như xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số tại Việt Nam.
Một số nội dung quy định có tính đột phá trong thúc đẩy sử dụng văn bản điện tử đã được nêu tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg như: Về yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử, theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Tất cả các văn bản điện tử thuộc thẩm quyền ban hành và giải quyết của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước phải được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7 của Quyết định này” (trừ trường hợp Bên gửi hoặc Bên nhận chưa đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, an toàn thông tin, giải pháp kết nối, liên thông để gửi, nhận văn bản điện tử). Về giá trị pháp lý của văn bản điện tử, Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg quy định: “Văn bản điện tử đã ký số theo quy định của pháp luật được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành quy định tại Quyết định này có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy. Văn bản điện tử không thuộc khoản 1 Điều này được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành có giá trị để biết, tham khảo, không thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy”.
Như vậy, với việc liên thông, kết nối, gửi, nhận văn bản điện tử giữa hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương và Trục liên thông văn bản quốc gia theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg thì việc gửi, nhận văn bản giấy sẽ dần hạn chế và tiến tới gửi, nhận văn bản điện tử sẽ phương thức chủ đạo thay thế việc gửi, nhận văn bản giấy.
Theo tôi, có một số thay đổi chính đối với người dùng khi triển khai toàn diện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg. Thứ nhất là thay đổi phương thức làm việc. Phương thức làm việc truyền thống (đọc, xử lý trên văn bản giấy) sẽ dần bị thay thế bằng phương thức làm việc điện tử (đọc, xử lý văn bản điện tử trên phương tiện điện tử).
Thứ hai là minh bạch, rõ trách nhiệm trong điều hành, xử lý công việc. Các thông tin chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, tên cán bộ xử lý văn bản, thời gian xử lý văn bản tại mỗi bước sẽ được lưu vết toàn bộ trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Trục liên thông văn bản quốc gia. Do vậy, việc chậm trễ xử lý tại bất kỳ “khâu” nào trong quá trình làm việc sẽ được đơn vị giám sát phát hiện và thông báo kịp thời cho đầu mối chủ trì xử lý thông qua các thông tin chính xác được tổng hợp từ hệ thống phần mềm.
Thứ ba, người sử dụng cần được trang bị, hướng dẫn và đẩy mạnh việc điều hành, xử lý công việc trên các phương tiện di động mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
Bộ Tài chính đã chuẩn bị cho việc kết nối, gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia như thế nào?
Ông Võ Anh Trung: Triển khai thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước tại Quyết định số 1824/QĐ-BTC ngày 17/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, đầy đủ các nội dung của Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg trong ngành Tài chính.
Để chuẩn bị cho việc kết nối, gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia, từ tháng 10/2018, Bộ Tài chính đã chủ động liên lạc, phối hợp với Văn phòng Chính phủ (Đơn vị chủ trì triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia) và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai việc kết nối, liên thông và thử nghiệm việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ Tài chính với Trục liên thông văn bản quốc gia.
Một số các nội dung công việc chính Bộ Tài chính đã thực hiện để chuẩn bị cho việc kết nối, gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia như: Kết nối Hệ thống tích hợp trao đổi văn bản điện tử ngành Tài chính (eDocHub) với Trục liên thông văn bản quốc gia; tiến hành thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử giữa Bộ Tài chính với 95 đơn vị có kết nối, liên thông, gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia (95 đơn vị trên triển khai kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia theo phạm vi triển khai kết nối của Văn phòng Chính phủ).
Bộ Tài chính thực hiện chỉnh sửa hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ nhằm gửi, nhận, phản hồi các trạng thái xử lý văn bản điện tử giữa Bộ Tài chính và các đơn vị có gửi, nhận văn bản điện tử với Bộ Tài chính theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Bộ mã định danh các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính cũng được xây dựng và ban hành tại Quyết định số 1642/QĐ-BTC ngày 17/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính phục vụ kết nối, trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các đơn vị trong ngành Tài chính.
Các quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử tại Bộ Tài chính được xây dựng, dự kiến sẽ ban hành quy chế này trong Quý I/2019 nhằm tạo hành lang pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành, địa phương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và xử lý, trao đổi văn bản điện tử trong nội bộ ngành Tài chính.
Đến nay, Bộ Tài chính cơ bản đã sẵn sàng việc nối, gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia dự kiến chính thức khai trương vào ngày 12/3/2019.
Xin ông cho biết những khó khăn mà Bộ Tài chính gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện việc liên thông, kết nối, gửi, nhận văn bản điện tử. Nhất là trong bối cảnh các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương được triển khai trên nhiều nền tảng kỹ thuật công nghệ khác nhau, các hệ điều hành khác nhau?
Ông Võ Anh Trung: Việc hoàn thành triển khai kết nối văn bản điện tử giữa Bộ Tài chính và Trục liên thông văn bản quốc gia là sự nỗ lực lớn của các cán bộ công nghệ thông tin ngành Tài chính với sự hỗ trợ tối đa của Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan.
Trục liên thông văn bản quốc gia sử dụng công nghệ x-road là công nghệ mới, lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam. Do vậy, việc tiếp cận công nghệ này để hiểu, sử dụng được và thực hiện kết nối thành công giữa hệ thống trục liên thông văn bản điện tử ngành tài chính (xây dựng theo công nghệ ESB) với Trục liên thông văn bản quốc gia (xây dựng theo công nghệ x-road) là một trong các thách thức lớn mà chúng tôi phải giải quyết.
Bên cạnh đó, thời gian tổ chức thực hiện tương đối gấp bao gồm cả chuẩn bị trang thiết bị phần cứng (nội dung phần cứng phục vụ kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia chưa được bố trí trong kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2018 của cơ quan Bộ Tài chính) nên Bộ Tài chính cũng cần phải chủ động rà soát, sắp xếp, tận dụng tối đa các trang thiết bị hiện có để ưu tiên bố trí tài nguyên phần cứng phục vụ triển khai kết nối này.
Ngoài tổ chức kết nối, liên thông về mặt hạ tầng kỹ thuật giữa trục liên thông văn bản điện tử ngành Tài chính và Trục liên thông văn bản quốc gia, Bộ Tài chính cũng cần tập trung chỉnh sửa hệ thống quản lý văn bản và điều hành nhằm đảm bảo phù hợp với các yêu cầu về cấu trúc gói tin văn bản trao đổi, trạng thái phản hồi văn bản… theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Đây là công việc tương đối lớn đòi hỏi cần phải cần phải chỉnh sửa, can thiệp nhiều vào hệ thống. Tuy nhiên, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại cơ quan Bộ (chương trình eDocTC) là một trong các phần mềm có số lượng người sử dụng, tần suất truy cập sử dụng hệ thống lớn tại cơ quan Bộ. Do vậy, các can thiệp chỉnh sửa hệ thống cần được triển khai thực hiện hết sức khẩn trương nhưng cũng cần thận trọng, đảm bảo an toàn không ảnh hưởng đến công việc của người sử dụng. Các yêu cầu trên cũng tạo thành một sức ép rất lớn đối với đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Bộ Tài chính trong quá trình triển khai thực thực hiện việc kết nối văn bản điện tử giữa Bộ Tài chính và Trục liên thông văn bản quốc gia.
Để thúc đẩy phương thức làm việc điện tử, dần thay thế phương thức làm việc truyền thống, Bộ Tài chính có giải pháp gì cả về trước mắt và dài hạn, thưa ông?
Để thúc đẩy phương thức làm việc điện tử, dần thay thế phương thức làm việc truyền thống trong ngành Tài chính, chúng ta cần nghiên cứu, xem xét, thực hiện một số giải pháp. Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát tổng thể hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống trục liên thông văn bản điện tử ngành tài chính, phần mềm lưu trữ điện tử đang triển khai tại Bộ Tài chính để tiến hành điều chỉnh (nếu cần thiết) nhằm đáp ứng toàn diện, đầy đủ các yêu cầu của Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Thông tư số 01/2019/TT-BNV và Thông tư số 02/2019/TT-BNV; trang bị các tiện ích phù hợp với yêu cầu công việc của từng đối tượng người sử dụng. Bên cạnh đó cần đảm bảo tính liên thông về nghiệp vụ, về dữ liệu giữa các phần mềm này với các hệ thống có liên quan khác.
Bộ Tài chính sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai việc xây dựng các ứng dụng mobile (mobile app) có tích hợp chữ ký số để đẩy mạnh việc điều hành, xử lý công việc trên thiết bị di động. Ngoài ra, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức hơn nữa về các ích lợi của sử dụng văn bản điện tử trong cán bộ, công chức, viên chức, ngành Tài chính cũng cần được đẩy mạnh. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ tổ chức đào tạo tập huấn bổ sung nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng xử lý văn bản điện tử của người sử dụng.