Quyết toán thuế thu nhập cá nhân: Những khoản giảm trừ cần quan tâm khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân

06/03/2019 16:12
Theo quy định, thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được tính bằng tổng thu nhập chịu thuế trừ các khoản giảm trừ. Hai trong số các khoản giảm trừ là: giảm trừ cá nhân và người phụ thuộc; các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vì vậy, việc xác định đúng các khoản giảm trừ này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định nghĩa vụ thuế của cá nhân nộp thuế.

 

Các khoản giảm trừ cho cá nhân và người phụ thuộc

Theo quy định, trong trường hợp người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập thì lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi. Nếu trong kỳ tính thuế, cá nhân cư trú chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân, hoặc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được tính đủ 12 tháng nếu thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

Về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng được tính kể từ tháng có phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu người nộp thuế đã được đăng ký và có đầy đủ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo quy định, kể cả trường hợp người phụ thuộc chưa được cơ quan thuế cấp mã số thuế.

Tuy nhiên, mỗi người phụ thuộc chỉ được đăng ký và tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

Chi phí tiền lương để tính bảo hiểm xã hội bắt buộc

Việc xác định đúng chi phí tiền lương để tính bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ quyết định đến chi phí bảo hiểm xã hội bắt buộc được giảm trừ khi tính thu nhập tính thuế và do đó, có ý nghĩa nhất định trong việc xác định nghĩa vụ thuế TNCN.

Theo quy định tại mục 2.2 Điều 6, Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ngoài các thu nhập như năm 2017 còn bổ sung thêm các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận bao gồm: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động

Như vậy, các khoản tiền sau đây không tính vào thu nhập để tính bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Một là, tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động năm 2012: Là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động, có quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Hai là, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca;

Ba là, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;

Bốn là, tiền hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ theo quy định.

PGS.,TS. Lý Phương Duyên, Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính

tapchitaichinh
Tìm kiếm