Không đề xuất gia hạn với Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Tại Tờ trình, Bộ Tài chính cho biết, từ quý IV/2022 đến nay, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có những diễn biến phức tạp hơn, dự báo sẽ có tác động lớn đến sự phục hồi của nền kinh tế trong nước và sức khoẻ của doanh nghiệp (DN). Mặt khác, việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt nhanh chính sách tiền tệ đã khiến cho thanh khoản thị trường bị thu hẹp, lãi suất tăng nhanh dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của DN.
Để góp phần tiếp tục hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, tập trung sản xuất, kinh doanh, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, trong khi vẫn phải đảm bảo giảm thiểu tác động cân đối NSNN, Bộ Tài chính khẳng định cần thiết phải có giải pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023.
Phạm vi của chính sách đề xuất là gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất như Nghị định số 34/2022/NĐ-CP.
Về đối tượng được gia hạn, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với các đối tượng quy định tại Điều 3 Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ, nhưng loại trừ “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Lý do là vì thực tế năm 2022, kết quả hoạt động kinh doanh các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần khá thành công. Đơn cử như trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước thì Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đạt lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 20.500 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận 20.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022, tăng khoảng 40% so với năm trước; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng, tăng đến 70% so với năm 2021… Hay như với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần thì Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ và hoàn thành 118% kế hoạch năm; Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đạt 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho năm 2022, tăng khoảng 30% so với năm 2021… Ngay trong định hướng năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đặt mức tăng tín dụng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Gia hạn không ảnh hưởng đến số thu NSNN 2023
Về thuế GTGT, tại Tờ trình, Bộ Tài chính cho biết, đến nay đã quá thời hạn nộp thuế GTGT tháng 2 (ngày 20/3/2023). Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế được hưởng đầy đủ chính sách gia hạn, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn từ tháng 3 đến tháng 8 (thay vì gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT tháng 1 đến tháng 6).
Cụ thể, gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 5 và quý I/2023; gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6 và quý II/2023; gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2023; gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2023. Thực hiện theo phương án nêu trên, thì tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 3 đến tháng 8/2023 và quý I, II là khoảng 64.000-65.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2023 không giảm do DN phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/12/2023.
Đối với thuế TNDN, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I, II kỳ tính thuế năm 2023. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Dự kiến, theo phương án này, số thuế TNDN tạm nộp quý I, II được gia hạn khoảng 42.800-43.600 tỷ đồng, số thu NSNN năm 2023 không giảm.
Riêng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNCN với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2023. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này chậm nhất là ngày 30/12/2023. Ước tính, số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 272 tỷ đồng. Số thu NSNN của năm 2023 không giảm do hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 30/12/2023.
Về tiền thuê đất, theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ- CP, thời hạn nộp tiền thuê đất hàng năm là 2 kỳ (kỳ thứ nhất nộp 50% chậm nhất là ngày 31/5; kỳ thứ hai nộp đủ phần còn lại chậm nhất là ngày 31/10 hàng năm). Do đó, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của DN, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân thuộc đối tượng được gia hạn và đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5 - 30/11/2023. Dự kiến, tổng số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 tỷ đồng. Số thu NSNN của năm 2023 không giảm do doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 30/11/2023.
Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép quy định Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trong 3 năm 2020-2022, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Tính đến hết ngày 01/2/2023, tổng số đơn đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 95.447 trường hợp. Đã thực hiện gia hạn tổng số tiền thuế, tiền thuê đất là 100.154,47 tỷ đồng.
|