Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 0,89% lên 2.112 điểm sau bốn ngày đi lên liên tiếp. Đáng chú ý, thị trường năng lượng và nguyên liệu công nghiệp đã chứng kiến hàng hoạt mặt hàng giá bật tăng mạnh.
Tuần giá dầu đảo chiều phục hồi và tăng tốc
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thế giới ghi nhận đà hồi phục mạnh mẽ. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 4,52% lên mức 76,84 USD/thùng. Dầu thô Brent tăng 3,71% đạt mức 79,66 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu đã chấm dứt 4 tuần giảm giá liên tiếp sau đánh giá thận trọng của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng (EIA) cho rằng thị trường tiếp tục thâm hụt mạnh trong quý III. Bên cạnh đó, áp lực tồn kho cùng một số thông tin nguồn cung cũng tạo lực đẩy cho giá.
Cụ thể, trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 8, EIA vẫn giữ nguyên ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu trong 2024 với mức 1,1 triệu thùng/ngày và giữ nguyên quan điểm thị trường sẽ thâm hụt trong năm nay. Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng, EIA ước tính mức thâm hụt trong quý III vẫn sẽ lớn nhất, đạt trung bình 880.000 thùng/ngày.
Thêm vào đó, dự trữ dầu thô của Mỹ ghi nhận tuần thứ 6 liên tiếp với mức giảm 3,7 triệu thùng xuống còn 429,3 triệu thùng vào tuần trước. Mức giảm này lớn hơn so với kỳ vọng giảm 700.000 thùng của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters và trái ngược với công bố tăng của Viện Dầu khí Mỹ trước đó.
Về nguồn cung, sản lượng dầu thô từ Mỹ chỉ đạt trung bình 11,0 triệu thùng/ngày trong tháng 5, tương đương mức tăng trưởng 400.000 thùng/ngày so với cùng kỳ 2023 và là mức tăng theo mùa thấp nhất kể từ sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya tiếp tục đưa ra thông báo đang tiến hành cắt giảm dần sản lượng tại mỏ dầu El Sharara, công suất 300.000 thùng/ngày do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình.
Về yếu tố vĩ mô, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, làm dịu đi những lo ngại áp lực trên thị trường lao động nước này. Theo Bộ Lao động Mỹ, các đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 17.000 xuống còn 233.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 3/8, ghi nhận mức giảm lớn nhất trong khoảng 11 tháng. Số liệu này tích cực hơn so với dự báo của các nhà kinh tế. Nỗi lo suy thoái được giảm bớt cũng phần nào hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư và thúc đẩy đà phục hồi của giá dầu.
Thị trường cà phê biến động mạnh do lo ngại sương giá tại Brazil
Sau ba tuần giảm liên tiếp, giá hai mặt hàng cà phê tuần qua ghi nhận mức tăng lần lượt 0,3% với Arabica và 1,81% với Robusta. Lo ngại sương giá xảy ra tại Brazil cùng biến động tỷ giá USD/BRL là hai nguyên nhân chính tạo ra những đợt biến động mạnh trên biểu đồ giá cà phê trong tuần qua.
Một diễn biến khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà đầu tư là giá ca cao. Đóng cửa, giá mặt hàng này tăng vọt gần 13%, lên mức cao nhất trong gần hai tháng. Hiện nguồn cung đang thiếu hụt và nguy cơ dịch bệnh tăng cao tại hai quốc gia sản xuất chính là Bờ Biển Ngà và Ghana.
Các nhà xuất khẩu mặt hàng này ước tính, đến ngày 4/8, lượng ca cao đến các cảng Bờ Biển Ngà ở mức 1,67 triệu tấn, giảm 26,8% so với cùng kỳ mùa trước. Các nhà xuất khẩu cũng điều chỉnh lượng hàng cập cảng vào năm ngoái từ 2,29 triệu tấn xuống còn 2,27 triệu tấn.