Theo bà Phạm Thị Thùy Linh – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc nâng hạng thị trường là tạo động lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện tại, giá trị vốn hóa nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam là khoảng 50 tỷ USD (tương đương 17% tổng giá trị vốn 3 hóa trên thị trường). Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là thị trường có giá trị vốn hóa lớn nhất so với thị trường cận biên trong bộ chỉ số theo dõi thị trường cận biên của MSCI khu vực Đông Nam Á (Việt Nam: 77,42%; Pakistan: 12,97%; Bangladesh: 6,64%; Sri Lanka: 2,97%).
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai làm việc với các tổ chức nước ngoài, phối hợp với các cơ quan vận hành thị trường, lấy ý kiến trao đổi với các thành viên thị trường, lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, chuyên gia để xem xét các vướng mắc cần ưu tiên giải quyết đối với nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời đáp ứng yêu cầu của FTSE Russell.
Trong năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tích cực triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cũng như gỡ bỏ những rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán thông qua khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan. Theo đó, ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng tiếp tục mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam với các điều kiện thuận lợi, cởi mở hơn, chi phí thấp hơn, giảm thiểu các rủi ro về tỷ giá, hoán đổi danh mục đầu tư; bình đẳng với các nhà đầu tư trong nước trong tiếp cận thông tin…. Thông tư 68/2024/TT-BTC được ban hành đánh dấu sự nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các vấn đề pháp lý cho mục tiêu nâng hạng.
Tuy nhiên, bà Linh cho rằng, để đạt được mục tiêu nâng hạng cũng như hướng tới các mục tiêu lâu dài trong việc phát triển thị trường chứng khoán bền vững, còn phụ thuộc vào sự trải nghiệm và đánh giá của các tổ chức đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiệu quả triển khai cũng phụ thuộc vào vai trò của các sở Giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), các thành viên thị trường trong việc nâng cao hiệu quả vận hành thị trường; những trải nghiệm tích cực trong hoạt động đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng và các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nói chung.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tập trung sửa đổi, bổ sung 03 nhóm chính sách tại Luật Chứng khoán 2019 là: Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán; Tiếp tục hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán; Hoàn thiện các quy định để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán. Các nội dung sửa đổi, bổ sung này Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
“Chúng tôi tin rằng với việc sửa đổi, bổ sung để đưa vào 03 nhóm chính sách tại Luật Chứng khoán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững”, bà Linh chia sẻ.