Quy mô còn khiêm tốn so với tiềm năng
Trái phiếu xanh đang dần chứng minh vai trò của một công cụ tài chính hữu hiệu để huy động vốn cho các dự án thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Tại Việt Nam, hiện nay tuy mới chỉ có hai lô trái phiếu doanh nghiệp xanh theo chuẩn quốc tế được phát hành trên thị trường nội địa, nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm và dành nguồn lực để thu hút dòng vốn xanh hấp dẫn và tiềm năng.
Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã có những hoạch định về tài chính xanh và các sản phẩm để xây dựng nguồn tài chính cho sự tăng trưởng xanh từ năm 2012. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thiết lập được “Danh mục dự án xanh” và xây dựng tài liệu hướng dẫn công tác thống kê, báo cáo tín dụng xanh để phân loại các hoạt động kinh tế/dự án xanh làm cơ sở để cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phục vụ cho các dự án xanh, có lợi ích về môi trường, sẽ được dán nhãn “xanh” hoặc “môi trường”.
Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh như hướng dẫn các doanh nghiệp công bố thông tin, cung cấp tính minh bạch về các hoạt động tài chính xanh và khuyến khích doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán để thực hiện các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên với các nội dung về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Theo ông Nguyễn Tùng Anh - Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro Tín dụng và Dịch vụ Tài chính Bền vững (FiinGroup), đến nay, Việt Nam có hơn 3.650 tỷ đồng trái phiếu xanh được phát hành, đến từ EVNFinance và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Mới đây nhất, Vietcombank cũng đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường. Đây là lần đầu tiên Vietcombank phát hành trái phiếu xanh.
Tuy nhiên, theo ông Tùng Anh, giá trị phát hành của trái phiếu xanh của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, những rào cản chính bao gồm: Thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, hạn chế về thông tin và dữ liệu, và sự thiếu hiểu biết của các bên liên quan về trái phiếu xanh.
Tính đến nay, mới chỉ có FiinRatings (trong năm 2022) trở thành tổ chức đầu tiên của Việt Nam được CBI ủy quyền xác nhận trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn xanh từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Tùng Anh cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về Tiêu chuẩn hay Nguyên tắc Trái phiếu Xanh trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư là hết sức cần thiết. Cùng với đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam.
Chờ đợi Danh mục phân loại xanh
Mặc dù là hoạt động chứng nhận theo chuẩn mực quốc tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn có xu hướng chờ đợi định hướng và khuyến nghị của Chính phủ để khi thực hiện sẽ không vướng mắc các quy định trong tương lai. Trong đó, nhiều nhà phát hành trái phiếu xanh tiềm năng cho rằng, họ muốn tham gia thị trường tài chính xanh, nhưng vẫn muốn chờ Danh mục phân loại xanh được ban hành để thực sự tự tin, bởi nếu không họ vẫn có thể huy động từ các nguồn vốn khác chứ chưa cần phát hành trái phiếu xanh.
Chính bởi vậy, một trong những khuyến nghị được quan tâm nhất hiện nay là về công tác hoàn thiện khung pháp lý về trái phiếu xanh, trong đó làm rõ các khái niệm, tiêu chí và quy trình chứng nhận trái phiếu xanh phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện trong nước.
Tuy nhiên, ông Tùng Anh cho rằng, đây là một việc không hề đơn giản, bởi các quy tắc vừa phải đủ chặt chẽ để tránh “tẩy xanh”, vừa phải dễ tiếp cận và rõ ràng để thị trường không e ngại trong việc tăng thêm nguồn lực và chi phí cho công tác chuẩn bị, nhất là trong việc thiết lập Khung Tài chính Xanh/Bền vững tuân thủ CBS hay GBP. Việt Nam cần xây dựng danh mục phân loại các dự án xanh đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo các tiêu chí môi trường phù hợp với chuẩn mực quốc tế và tình hình thực tiễn của đất nước.
“Danh mục này sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý xác định, đánh giá và giám sát các dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh, đảm bảo tính xanh và tác động tích cực đến môi trường”, ông Tùng Anh nhận định.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính xanh mới bắt đầu nhen nhóm và tập trung ở các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn, do đó cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà đầu tư, về lợi ích của trái phiếu xanh và tầm quan trọng của chứng nhận xanh.
Sau khi có những bước đầu như Danh mục phân loại xanh, Chính phủ có thể sẽ cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, phí đối với hoạt động phát hành và đầu tư trái phiếu xanh, tạo động lực cho thị trường phát triển. Các ưu đãi có thể bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm phí niêm yết, phí giao dịch cho trái phiếu xanh, hoặc trợ cấp lãi suất cho các dự án xanh được tài trợ từ trái phiếu.