Tỷ lệ đặt lệnh Non-Prefunding chiếm 60%
Nâng hạng thị trường là một trong những mục tiêu được Chính phủ chú trọng, với kỳ vọng sẽ thúc đẩy không những thị trường chứng khoán, mà còn cả nền kinh tế Việt Nam.
Để được nâng hạng thị trường, các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam, vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Tuy nhiên, nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bà Tạ Thanh Bình - Tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết, tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có buổi làm việc với tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell tại Hồng Kông (Trung Quốc). Tại đây, hai bên đã có những trao đổi rất kỹ về những vướng mắc mà FTSE coi là trọng yếu, cần phải tháo gỡ để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Trong đó, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch là mấu chốt cơ bản được được tháo gỡ.
“Ngay sau buổi làm việc ở Hồng Kông về, tất cả đội ngũ của UBCKNN, các thành viên thị trường, đặc biệt là VSDC – đơn vị sẽ triển khai giải pháp này, bắt tay vào xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Sau đó là, Thông tư số 68/2024/TT-BTC được ban hành và có hiệu lực từ ngày 2/11”, bà Bình chia sẻ.
Thông tư số 68/2024/TT-BTC đã giải quyết được điểm nghẽn quan trọng đối với tiêu chí để nâng hạng thị trường chứng khoán, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua cổ phiếu mà không cần có tiền trong tài khoản tại thời điểm đặt lệnh mua (Non-prefunding).
Trong những ngày đầu triển khai Non-prefunding, theo thống kê của một ngân hàng lưu ký, tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài đặt lệnh Non-prefunding ngay từ những phiên đầu tiên đã chiếm đến 60%. Theo Thông tư số 68/2024/TT-BTC, nhà đầu tư nước ngoài phải thanh toán vào ngày T+2, thực tế, ngay từ cuối ngày T+1, nhà đầu tư ngoại đã đổ tiền vào tài khoản.
“60% là một tỷ lệ lớn và các nhà đầu tư ngoại vẫn đang tiếp tục trải nghiệm sản phẩm mới này. Tôi nghĩ, vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì, nhưng cho đến hôm nay, về cơ bản, cơ chế Non-prefunding được đánh giá an toàn, trôi chảy, không có bất cứ rủi ro nào xảy ra”, bà Bình chia sẻ.
Bà Bình cũng thông tin thêm, khi triển khai Non-prefunding, VSDC cũng rà soát lại tất cả quy định liên quan đến chế tài và kỷ luật đối với các thành viên thị trường, theo hướng yêu cầu các thành viên thị trường tuân thủ một cách nghiêm túc và chặt chẽ hơn để đảm bảo kỷ luật thị trường ở mức độ cao, đặc biệt đảm bảo độ an toàn cho hệ thống bù trừ chứng khoán.
Mô hình CCP – Cơ chế căn cơ, giải pháp tổng thể
Một trong những điều kiện tiên quyết thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải có là triển khai cơ chế Mô hình Đối tác thanh toán trung tâm (CCP).
Theo bà Bình, cơ chế CCP mới là giải pháp căn cơ và tổng thể cho câu chuyện phát triển thị trường chứng khoán theo hướng bền vững và đi theo đúng thông lệ quốc tế. Đó là lý do, cơ quan quản lý đưa vấn đề CCP vào Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán: Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 56 theo hướng bảo đảm cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch trên cả thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh.
Hiện nay, trên thế giới, theo báo cáo WB, 80% hệ thống thanh toán đã áp dụng cơ chế CCP cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán. Cơ chế CCP này có ưu việt hơn so với cơ chế thanh toán mà Việt Nam đang áp dụng là khắc phục được trường hợp rủi ro thanh toán dẫn đến phải hủy thanh toán giao dịch chứng khoán. Phần lớn các CCP trên thế giới đều cho phép ngân hàng lưu ký làm thành viên bù trừ tham gia và là đối tác bù trừ, thanh toán của cơ chế CCP.
“Với câu chuyện một luật sửa 7 luật, ngày 7/11, Quốc hội đã cho ý kiến về CCP và tính cần thiết của mô hình này trong việc phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam một cách bền vững. Tất nhiên, đích đến là nâng hạng, nhưng mà kể cả nâng hạng hay không nâng hạng thì chúng ta vẫn đảm bảo việc phát triển thị trường, giao dịch và thanh toán theo đúng thông lệ và cách thức như các thị trường của thế giới họ thực hiện”, bà Bình cho biết.
Bên cạnh đó, trong Luật Chứng khoán sửa đổi lần này, theo thủ tục rút gọn, một vấn đề đáng quan tâm là việc luật hóa một số hành vi vi phạm nghiêm trọng trên thị trường cũng là động thái rất mạnh của cơ quan quản lý trong việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương của thị trường lên một tầm mới. Đây là một điểm được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và cũng giúp cơ quan quản lý xử lý vi phạm hiệu quả hơn.
Về các sản phẩm mới, hiện nay, VSDC đã phối hợp với HNX hoàn tất toàn bộ công tác kiểm thử và tổng duyệt cho việc triển khai hợp đồng tương lai VN100 vào đầu năm 2025. Việc này giúp tạo thêm hàng hóa và đặc biệt sẽ giảm sự tập trung mang tính chất “quá mức” vào sản phẩm VN30, đồng thời, cũng giúp khắc phục một phần các nhược điểm của VN30.
Những bước đi của cơ quan quản lý đang rất nhanh nhưng vẫn thận trọng và đúng hướng, đáp ứng dần sự mong chờ của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức xếp hạng thị trường.
“Hiện nay, rất nhiều quỹ đầu tư quốc tế, thậm chí các tổ chức xếp hạng thị trường như MSCI, FSTE đều đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang chơi ở một sân chơi nhỏ hẹp hơn so với hạng cân của chúng ta”, bà Bình chia sẻ.