Thông tư 68 chính thức có hiệu lực tạo cơ hội mới đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn

05/11/2024 10:55
Theo ông Barry Weisblatt David – Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, Thông tư 68/TT-BTC mở ra cơ hội và thách thức mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Các công ty chứng khoán cần tuân thủ quy định để đảm bảo an toàn cho thị trường, nhờ đó việc áp dụng Thông tư 68 sẽ tạo cơ hội mới đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Ông Barry Weisblatt David

Phóng viên: Với Thông tư 68/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 02/11/2024, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được phép mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền. Ông đánh giá thế nào về tác động của quy định này đối với thị trường?

Ông Barry Weisblatt David: Thông tư 68 là một bước tiến quan trọng, thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây có thể trở thành động lực thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trên bản đồ tài chính khu vực.

Theo tôi, quy định này có hai tác động chính sau đây: Thứ nhất là tác động trực tiếp, Thông tư giúp các nhà quản lý quỹ tăng cường phân bổ vốn vào thị trường Việt Nam nhờ chi phí đầu tư giảm. Tuy nhiên, đối tượng hưởng lợi sẽ chủ yếu là các quỹ khu vực hoặc quỹ cận biên và mới nổi toàn cầu, còn các quỹ đã đầu tư 100% vào Việt Nam như PYN, Dragon Capital, hay VinaCapital sẽ không có thay đổi lớn, dù lợi nhuận của họ có thể tăng nhẹ; Thứ hai là tác động gián tiếp , Thông tư góp phần nâng cao khả năng FTSE sẽ nâng hạng thị trường Việt Nam lên mức thị trường mới nổi vào tháng 3 tới. Điều này sẽ có tác động tích cực tới tâm lý thị trường và giúp gia tăng lực mua từ nhà đầu tư cá nhân. Đặc biệt, các quỹ ETF nước ngoài theo dõi thị trường Việt Nam cũng có thể tăng quy mô quản lý khi kỳ vọng về nâng hạng ngày càng rõ rệt. Nếu Việt Nam được FTSE chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025 và các công ty Việt Nam lọt vào chỉ số thị trường mới nổi, dòng vốn ETF có thể đổ vào thị trường, ước tính từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ USD. Những cổ phiếu được hưởng lợi lớn sẽ bao gồm các doanh nghiệp lớn như HPG, VHM, VCB, VIC, và VNM.

Phóng viên: VNDIRECT đã có kế hoạch triển khai quy định mới này như thế nào để hỗ trợ khách hàng?

Ông Barry Weisblatt David: Tại VNDIRECT, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận Thông tư 68 bằng một số biện pháp cụ thể:

Tuân thủ các hướng dẫn của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và chỉ đạo của Thông tư để hỗ trợ khách hàng theo đúng yêu cầu mới. Phối hợp với các tổ chức tư vấn lớn, thuộc nhóm kiểm toán Big-4, để thiết lập hệ thống đánh giá rủi ro đối tác cho từng khách hàng nước ngoài.

Chúng tôi cũng tận dụng sức mạnh công nghệ để nâng cao khả năng quản lý rủi ro nội bộ, đảm bảo trải nghiệm liền mạch và an toàn cho khách hàng trong quá trình giao dịch theo quy định mới.

Phóng viên: Theo ông khi thực hiện Thông tư 68, VNDIRECT và các công ty chứng khoán khác có thể gặp phải những rủi ro hay thách thức nào? Ông có khuyến nghị nào để các công ty chứng khoán tránh những rủi ro (nếu có) đó?

Ông Barry Weisblatt David: Thông tư này mang lại một số thách thức mới cho các công ty chứng khoán, đặc biệt liên quan đến rủi ro thanh toán khi các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần có đủ tiền để mua cổ phiếu. Điều này yêu cầu chúng tôi không chỉ thực hiện KYC mà còn phải đánh giá rủi ro đối tác - một công đoạn mới mà trước đây chưa cần thực hiện. Chỉ có một số ít công ty chứng khoán hiện nay mạnh về mảng môi giới cho khách hàng tổ chức nước ngoài, nhưng việc mở rộng sẽ cần đầu tư mạnh vào hệ thống và quy trình quản lý rủi ro.

Vì vậy, đối với các công ty chứng khoán đang có ý định mở rộng và tăng sự hiện diện trong lĩnh vực này, theo chúng tôi, việc quản lý rủi ro đối tác là yếu tố quan trọng. Chúng tôi khuyến cáo các công ty cần tuân thủ quy định và tránh các biện pháp đi tắt để đảm bảo an toàn cho thị trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Mai Thư

Tạp chí Chứng khoán
Tìm kiếm