Năm 2024, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực như sau:
Về tình hình giao dịch
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với cuối năm 2023. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết trên HOSE đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với kết thúc năm 2023. Tình hình giao dịch cổ phiếu trên HOSE ghi nhận mức tăng trưởng khá, tổng khối lượng giao dịch chứng khoán trong năm 2024 đạt hơn 195 tỷ chứng khoán với khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 781,84 triệu chứng khoán/ngày (tăng 0,83% so với cùng kỳ năm 2023), tổng giá trị giao dịch đạt gần 4,6 triệu tỷ đồng với giá trị giao dịch bình quân 18.685 tỷ đồng/ngày (tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023). Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024 chiếm tỉ trọng gần 8,09% về khối lượng và 10,38% về giá trị giao dịch. Trong năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 90.311 tỷ đồng.
Kết thúc giao dịch ngày 31/12/2024, trên HOSE có 02 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 10 tỷ USD là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) có vốn hóa đạt hơn 19,95 tỷ USD và Ngân hàng thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) có vốn hoạt đạt gần 10,14 tỷ USD, cùng với đó, ghi nhận 40 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Về hoạt động niêm yết
Tính đến ngày 31/12/2024, HOSE đang niêm yết và giao dịch chính thức 393 mã cổ phiếu, 16 mã chứng chỉ quỹ ETF, 04 mã chứng chỉ quỹ đóng và 114 mã chứng quyền có đảm bảo (CW). Tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt hơn 168,54 tỷ chứng khoán và giá trị chứng khoán niêm yết đạt 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% về khối lượng và 9,34% về giá trị so với cuối năm 2023.
Năm 2024, HOSE đã cấp phép niêm yết và đưa vào giao dịch 155 mã chứng khoán mới trong năm, trong đó có 10 mã cổ phiếu với khối lượng đạt hơn 2,54 tỷ cổ phiếu; 02 mã chứng chỉ quỹ ETF mới với khối lượng hơn 10,3 triệu ETF, 01 chứng chỉ quỹ đóng với khối lượng là 17,28 triệu chứng chỉ quỹ đóng và 142 mã chứng quyền có đảm bảo (CW) với khối lượng hơn 1,65 tỷ CW. Bên cạnh đó, HOSE tiếp tục rà soát về chất lượng chứng khoán niêm yết, ra quyết định hủy niêm yết 11 mã cổ phiếu không đạt điều kiện niêm yết và giao dịch với khối lượng 2,18 tỷ cổ phiếu. Ngoài ra có 257 mã CW hủy niêm yết với khối lượng gần 2,44 tỷ CW do đến thời gian đáo hạn.
Về hoạt động đấu giá
Trong năm 2024, HOSE đã tổ chức thành công 02 đợi đấu giá với số lượng chào bán được là 120.400 quyền mua và 1.100 cổ phiếu, tương ứng 924 triệu đồng. 05 đợt đấu giá không thành công do không có nhà đầu tư đăng ký.
Về công tác giám sát thị trường
Nâng cao chất lượng công tác giám sát công ty niêm yết luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm của HOSE. Năm 2024, HOSE thường xuyên cập nhật các chính sách và quy định mới được ban hành, tuyên truyền kịp thời tới các thành viên thị trường và nhà đầu tư. Cùng với đó, HOSE đã theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, rà soát chặt chẽ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của người nội bộ, người liên quan, cổ đông lớn, kịp thời báo cáo cơ quan quản lý các trường hợp có dấu hiệu bất thường hoặc chưa tuân thủ các quy định hiện hành.
HOSE cũng đã tăng cường rà soát, đánh giá báo cáo tài chính kiểm toán năm, báo cáo tài chính soát xét bán niên, báo cáo tài chính quý và báo cáo quản trị công ty của các công ty niêm yết. Đánh giá điều kiện duy trì niêm yết của các công ty niêm yết để kịp thời xử lý.
Năm 2024, HOSSE đã tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết thường niên và phối hợp đồng tổ chức Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết (VLCA) lần thứ 17. Qua các cuộc bình chọn cũng là một lần rà soát, đánh giá chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết và phổ biến các quy định hiện hành và cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế tới thành viên thị trường. Thông qua hoạt động thường niên, HOSE hướng tới mục tiêu nâng cao vị thế các công ty niêm yết, thúc đẩy sáng kiến và khuyến khích sự cam kết của các doanh nghiệp niêm yết trong việc nâng tầm TTCK Việt Nam.
Năm 2025, HOSE nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung hướng tới kỷ niệm 25 năm hoạt động. HOSE đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong năm 2025, bao gồm:
- Đảm bảo hệ thống chứng khoán vận hành thông suốt, an toàn, ổn định;
- Đẩy mạnh chuyển đổi số;
- Tập trung nâng cao năng lực và chất lượng công tác giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch;
- Nâng cao nhận thức và thực hành của doanh nghiệp niêm yết về ESG.