Trong thế giới tài chính, vàng là kim loại quý phổ biến nhất. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), từ năm 1971 đến hết năm 2022, vàng có lợi nhuận trung bình hàng năm là 7,78% (riêng năm 2022, lợi tức đầu tư vào vàng là khoảng 0,44%). WGC ước tính quy mô thị trường vàng khoảng 4,42 kiloton vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 6,32 kiloton vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR[1] là 7,38% trong giai đoạn dự báo (2024 - 2029). WGC cho rằng việc các Ngân hàng Trung ương tiếp tục bổ sung vàng vào dự trữ nhằm ứng phó với khủng hoảng, khả năng lưu trữ giá trị và đa dạng hóa danh mục tài sản. Bên cạnh đó, nhiều người đang tìm cách đầu tư vào vàng như một hàng rào chống lại biến động trên thị trường chứng khoán (TTCK), điều này càng làm tăng nhu cầu về vàng.
Kinh nghiệm Trung Quốc
Trung Quốc là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới với khoảng 450 tấn vào năm 2015, gần bằng hai lần Úc và Nga cộng lại. Dự trữ vàng chính thức của Trung Quốc do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nắm giữ liên tục tăng, năm 2001 dự trữ vàng 500 tấn thì đến cuối năm 2023 đã tăng lên 2.235 tấn.
Năm 2001, Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA) được thành lập, tiếp đến Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) chính thức ra mắt với 108 thành viên vào tháng 10/2002. Đến năm 2004, Trung Quốc cho công dân được phép giao dịch và sở hữu vàng miếng. Năm 2008, hợp đồng tương lai (HĐTL) vàng đầu tiên của Trung Quốc được đưa ra bởi Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE). Tháng 9/2014, SGE đã ra mắt Sàn giao dịch vàng quốc tế Thượng Hải (SGEI). SGE là pháp nhân độc lập do Nhà nước đầu tư vốn 100%. Hội đồng quản trị do PBoC tiến cử bổ nhiệm với hầu hết các vị trí chủ chốt. Thông qua cơ chế khớp lệnh tập trung của sàn vàng, giá cả sẽ do cung cầu thị trường quyết định.
Chính phủ Trung Quốc và PBoC đã chuyển một số chức năng quản lý thị trường vàng sang SGE tại thời điểm chính thức hoạt động. Trong tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (RMB) để thanh toán thương mại, đầu tư ra nước ngoài và cuối cùng là tiền tệ dự trữ, giao dịch vàng trong và ngoài nước thông qua Khu thương mại tự do Thượng Hải và Hội đồng quốc tế của SGE. Khu này còn đảm nhận vai trò quan trọng hơn để thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa RMB và cho phép Trung Quốc có được một số quyền định giá trong việc xác định giá vàng quốc tế. Tháng 6/1983, Trung Quốc ban hành “Quy định về kiểm soát vàng và bạc”, trong đó quy định các biện pháp kiểm soát chi tiết (35 điều) về quản lý thị
trường kim loại quý, bao gồm mua bán vàng và bạc, nhập khẩu và xuất khẩu bạc, kiểm soát thợ vàng và thợ bạc ở Trung Quốc. Các quy định này được thực hiện bằng một bộ quy tắc PBoC được xuất bản vào tháng 01/1984 – “Quy tắc chi tiết về việc thực hiện các quy định về kiểm soát vàng và bạc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Kinh nghiệm Indonesia
Theo WGC, dự trữ vàng ở Indonesia đạt trung bình 81,95 tấn từ năm 2000 đến năm 2023, đạt mức cao nhất là 96,45 tấn trong quý II/2023. Indonesia có thị trường vàng sôi động với lĩnh vực trang sức vàng và vàng có sẵn ở dạng sản phẩm vàng miếng.
Điều kiện TTCK không ổn định và lịch sử biến động mạnh của đồng rupiah Indonesia đã biến đầu tư vàng thành nơi trú ẩn an toàn cho nhiều người Indonesia. Sản phẩm tài chính liên quan đến vàng được thể hiện dưới dạng vàng Murabahah (trả góp bằng vàng) và vàng Rahn (vàng cầm cố). HĐTL vàng được cung cấp thông qua hai sàn giao dịch hàng hóa, đặc biệt là Sàn giao dịch tương lai Jakarta (JFX) và Sàn giao dịch hàng hóa và phái sinh Indonesia (ICDX).
Các quy định ở Indonesia đối với vàng, trước khi quy định dịch vụ tài chính chuyển sang OJK (Otoritas Jasa Keuangan), Ngân hàng Indonesia đã ban hành quy định về vàng Rahn và Murabahah vào năm 2012. Sau khi chuyển đổi, OJK đã duy trì quy định tương tự đối với cả hai sản phẩm. Murabahah và Rahn là hai loại vàng sản phẩm được cung cấp bởi các ngân hàng Hồi giáo cho khách hàng bán lẻ. Những điều này dựa trên các quy định:
Ở cấp độ quốc gia, quy định liên quan Murabahah (Mua vàng không dùng tiền mặt) số 77/DSN-MUI/V/2010. Theo đó, các ngân hàng Hồi giáo được phép tài trợ cho hoạt động kinh doanh vàng với mức ký quỹ (lợi nhuận) và trên cơ sở thanh toán trả chậm. Ủy ban Quốc gia Shariah - Hội đồng Ulama Indonesia (Dewan Syariah Nasional-Majelis Ulama Indonesia) (2002) Phán quyết về Rahn số 26/DSN-MUI/III/2002, Jakarta.
Trên thị trường vốn, OJK chỉ quản lý giám sát các công ty đầu tư vàng do mình cấp phép. Giao dịch chủ yếu được thực hiện trên các sàn giao dịch hàng hóa, BAPPEPTI[2] là cơ quan quản lý điều hành các sàn giao dịch hàng hóa và là cơ quan chịu trách nhiệm ban hành các quy định về HĐTL vàng được giao dịch trên JFX và ICDX.
Cần thay đổi để ổn định thị trường vàng
Giống như các quốc gia Đông Nam Á khác, người Việt Nam có niềm đam mê vàng lâu đời và mạnh mẽ. Ở Việt Nam, vàng được sử dụng như một công cụ tiết kiệm truyền thống, đặc tính lưu trữ giá trị của vàng cũng khiến nó trở nên phổ biến như một hàng rào chống lại sự mất giá của đồng tiền. Vai trò của vàng ở Việt Nam mở rộng sang phương tiện đầu cơ, và đặt cược vào giá vàng cũng là một hoạt động phổ biến.
Chức năng quản lý được quy định tại Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối quy định rõ: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện quản lý nhà nước về ngoại hối; kinh doanh ngoại tệ và vàng nói riêng”[3].Hiện nay, hoạt động thị trường vàng được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Kể từ khi có hiệu lực, Nghị định này đã hóa giải được nguy cơ vàng hóa nền kinh tế, những cơn sốt nóng của tỷ giá do vàng gây ra cũng không còn. Song cấm nhập khẩu vàng kéo dài cộng với cơ chế độc quyền vàng miếng SJC đã khiến giá vàng trong nước thường xuyên chênh lệch cao hơn 15 - 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Việc hướng tới một thị trường vàng miếng tự do hơn, nhưng vẫn phải nằm trong tầm kiểm soát, cần thiết phải có những động thái khẩn trương sửa đổi, bổ sung và áp dụng song hành các giải pháp khuyến khích ngành vàng trang sức xuất khẩu để cân bằng nguồn ngoại tệ. Ngoài ra, NHNN cũng cần cân nhắc tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng để gia tăng khả năng bình ổn thị trường vàng. Là hàng hóa đặc biệt, liên quan đến đại bộ phận dân cư, nên bất kỳ động thái thay đổi chính sách nào đối với vàng đều được người dân hết sức quan tâm. Đây là lý do khiến nhà điều hành e ngại, thận trọng khi đưa ra giải pháp mới. Tuy vậy, việc quá thận trọng và chậm trễ khi đưa ra chính sách quản lý mới rất dễ khiến thị trường vàng thêm rối loạn.
Dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế [4] của Quốc hội 5 phản ánh ý kiến cho rằng, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành "thị trường ngầm" về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát. Điều này có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, được phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng. Trong phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhận định, việc thị trường vàng “nhảy múa” không ai kiểm soát nổi cho thấy quản lý thị trường vàng có vấn đề.
Trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động khó lường như hiện nay, cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính và các bên liên quan trong ngành Tài chính đều đang xem xét các cơ hội và rủi ro liên quan đến các sản phẩm từ vàng, cần có những nghiên cứu, định hướng, lộ trình cụ thể dựa trên phát triển kỹ thuật số có thể đẩy nhanh sự tăng trưởng của loại tài sản này.
[1] CAGR_ Compounded annual growth rate, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm
[2] Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai Indonesia (BAPPEBTI) được thành lập năm 2005 để điều chỉnh ngành dịch vụ tài chính đặc thù của Indonesia. BAPPEBTI là bộ phận duy nhất ở Indonesia có trách nhiệm pháp lý đối với các tổ chức tài chính khác nhau. BAPPEBTI hoạt động dưới sự giám sát của Bộ Tài chính Indonesia và được cai quản bởi một ủy ban quản lý. Tất cả các thành viên của ủy ban quản lý được chính phủ lựa chọn từ các chuyên gia trong ngành.
[3] Website của NHNN/quản lý ngoại hối và vàng
[4] Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể thứ 14 ngày 25/4/2024- https://thanhnien.vn/quan-ly-thi-truong-vang-co-van-de-185240425224151684.htm