Thưa Ông, Ông có thể cho biết những khó khăn đối với các CtyQLQ và Quỹ đầu tư chứng khoán trong năm vừa qua và các công ty, các quỹ đã có những kế sách gì để vượt qua những khó khăn đó?
Ông Nguyễn Xuân Minh: Theo tôi, khó khăn lớn nhất đối với các CtyQLQ và Quỹ đầu tư chứng khoán trong năm 2013 là việc huy động vốn. Mặc dù nền kinh tế đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất và dần đi vào ổn định nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn tỏ ra khá thận trọng khi xem xét đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Mặc dù đã có một số quỹ mở ra đời song chưa được nhà đầu tư trong nước đón nhận nhiệt tình, mà lý do chính có lẽ là sự e dè đối với loại hình sản phẩm tài chính mới mà các nhà đầu tư trên thị trường chưa hiểu rõ. Khó khăn thứ hai đối với các CtyQLQ và Quỹ đầu tư là sự thiếu hụt nguồn hàng hóa chất lượng cao (như cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, khả năng tăng trưởng cao, thông tin minh bạch, quản trị rõ ràng, trái phiếu doanh nghiệp niêm yết...) để mua vào, đặc biệt là đối với các quỹ đầu tư của nước ngoài vì phần lớn các cổ phiếu tốt đã hết hạn mức đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Một khó khăn nữa mà các CtyQLQ và Quỹ đầu tư chứng khoán còn e ngại khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, đó là thanh khoản thị trường vẫn ở mức tương đối thấp.
Ông Bùi Tuấn Trung: Cá nhân tôi cho rằng, khó khăn đối với các CtyQLQ nằm ở việc “đóng” và “mở” quỹ. Việc đóng hoặc chuyển đổi các quỹ đầu tư trong điều kiện thị trường suy giảm và lợi nhuận không như kỳ vọng là một thách thức rất lớn. Bên cạnh đó, việc huy động quỹ mới trong bối cảnh hiện nay là cực kỳ khó khăn. Chính hai yếu tố này đã khiến cho nhiều CtyQLQ bị thua lỗ, uy tín của ngành Quản lý quỹ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn có một số CtyQLQ đứng vững và hoạt động ổn định. Các công ty này đã tập trung công sức, thời gian để đối thoại với khách hàng, thông tin nhanh nhất và chính xác nhất về tình trạng tài sản của họ, tìm giải pháp đảm bảo quyền lợi cao nhất cho nhà đầu tư. Một số công ty còn đầu tư để xây dựng các nền tảng phát triển bền vững hơn. Trong năm qua, với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, BVF đã tập trung hoàn thiện các quy trình nội bộ, thiết lập hệ thống quản trị rủi ro và tiêu chuẩn đánh giá hoạt động theo thông lệ quốc tế (GIPS), xác định danh mục sản phẩm trọng tâm và sắp tới sẽ đầu tư hệ thống phần mềm quản lý đầu tư hiện đại. Những nền tảng này sẽ giúp cho BVF đủ năng lực quản lý tốt các quỹ đầu tư lớn và phức tạp hơn.
Dự thảo quy định mới về tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN trong các doanh nghiệp thuộc một số ngành nghề không có điền kiện đã được Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ. Theo đó, nhà ĐTNN có thể sở hữu tối đa đến 60% cổ phần có biểu quyết tại doanh nghiệp niêm yết không thuộc lĩnh vực đặc thù. Theo Ông, các CtyQLQ và Quỹ đầu tư chứng khoán kỳ vọng thế nào ở chính sách mới này khi Dự thảo được thông qua?
Ông Nguyễn Xuân Minh: Tôi cho rằng đây là một chính sách tốt và sẽ khuyến khích thêm nguồn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi cũng đã nhận được sự quan tâm về thông tin này từ phía nhiều nhà đầu tư.
Ông Bùi Tuấn Trung: Trong ngắn hạn, đây sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy thị trường sôi động hơn vì hiện tại giao dịch của nhà ĐTNN đang góp phần dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, cần có nhiều giải pháp khác để tạo động lực mới cho thị trường như: tăng số lượng cổ phiếu niêm yết có chất lượng tốt, tăng cường hơn nữa tính minh bạch, tin cậy của thị trường, đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư.
Có ý kiến cho rằng, những khó khăn hiện tại của ngành Quỹ Việt Nam, nhất là với các quỹ động và quỹ thành viên, lại mở ra cơ hội để các tổ chức kinh doanh bảo hiểm thành lập và phát triển các CtyQLQ và Quỹ đầu tư chứng khoán trong những năm tới. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?
Ông Nguyễn Xuân Minh: Thực tế cho thấy, việc thành lập các CtyQLQ luôn nhận được sự quan tâm của các định chế tài chính bao gồm cả bảo hiểm, ngân hàng... vì họ luôn mong muốn hướng tới việc cung cấp một dịch vụ toàn phần và trọn gói cho khách hàng trong lĩnh vực tài chính. Do đó, những khó khăn vừa qua của nền kinh tế lại chính là một cơ hội tốt để thanh lọc những công ty yếu kém cả về tài chính và quản trị, đồng thời đây cũng là dịp để thúc đẩy những CtyQLQ tốt hoạt động chuyên nghiệp hơn nữa và có chiến lược phát triển bài bản để khẳng định vị thế của mình trong tương lai.
Ông Bùi Tuấn Trung: Tôi cho rằng tại thị trường Việt Nam, các CtyQLQ
do các doanh nghiệp bảo hiểm thành lập luôn có cơ hội rất lớn để phát triển. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, đầu tư là một trong những hoạt động không thể thiếu và luôn gắn bó chặt chẽ với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, doanh nghiệp bảo hiểm luôn mong muốn chuyên nghiệp hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua việc thành lập hoặc lựa chọn CtyQLQ cung cấp dịch vụ đầu tư. Các CtyQLQ này có lợi thế cạnh tranh lớn do có nhiều kinh nghiệm về quản lý tài sản quy mô lớn, dài hạn, linh hoạt, đồng thời họ luôn quan tâm thiết lập hệ thống quản lý, kiểm soát chặt chẽ, thận trọng. Hơn nữa, việc phát triển các quỹ mới thông qua cơ sở khách hàng bảo hiểm và hệ thống phân phối sản phẩm bảo hiểm luôn là thế mạnh của các CtyQLQ do các doanh nghiệp bảo hiểm thành lập.
Để ngành Quỹ Việt Nam ngày càng phát triển trong thời gian tới, Ông có kiến nghị hay đề xuất giải pháp gì đối với các liên quan?
Ông Nguyễn Xuân Minh: Tôi cho rằng, nên để ngành Quỹ được phát triển tự nhiên dưới sự giám sát và quản lý của UBCKNN như hiện tại. Những doanh nghiệp có đội ngũ nhân sự mạnh, chuyên nghiệp và hoạt động đầu tư có hiệu quả cao sẽ từng bước gây dựng được uy tín và nhận được sự tín nhiệm của nhà đầu tư/khách hàng trên thị trường. Những doanh nghiệp này sẽ phát triển mạnh và bền vững. Theo quy luật phát triển tất yếu của một nền kinh tế, quản lý quỹ sẽ là một ngành dịch vụ thu hút được nhiều tỷ USD tại Việt Nam trong vòng 10 năm tới. Việc cần làm có lẽ là nên tìm cách tổ chức nhiều kênh thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ quản lý đầu tư chuyên nghiệp, nhằm tránh rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp khi tiếp cận TTCK. Ngoài ra, cần khuyến kích các ngân hàng trong nước đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ hỗ trợ, liên quan đến ngành quản lý quỹ (ví dụ như dịch vụ ngân hàng lưu ký, quản trị quỹ, đại lý chuyển nhượng, phân phối sản phẩm quỹ mở...) để các CtyQLQ có thêm nhiều lựa chọn về đối tác hơn nữa khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng chúng ta nên tiếp tục nâng cao điều kiện niêm yết, điều kiện công bố thông tin và báo cáo định kỳ, đề cao tính minh bạch, để từng bước nâng tầm quản trị doanh nghiệp cho TTCK Việt Nam.
Ông Bùi Tuấn Trung: Để ngành Quỹ ngày càng phát triển, tôi cho rằng cần có sự chung tay của các CtyQLQ và cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hình các chuẩn mực hoạt động cho các CtyQLQ, giới thiệu, quảng bá các CtyQLQ nội địa và các quỹ đầu tư ra nước ngoài, cung cấp thông tin và kiến thức về quỹ đầu tư đến các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách thuế và phí cần được tiếp tục miễn giảm để khuyến khích các sản phẩm đầu tư mới như Quỹ mở, quỹ ETF, Quỹ REIT. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, để phát triển ETF, chính phủ đã giảm thuế giao dịch chứng khoán đối với quỹ ETF từ 0,25% xuống còn 0,001%, đồng thời thay đổi các quy định để cho phép các công ty bảo hiểm, các quỹ tương hỗ được đầu tư vào ETF.
Xin trân trọng cảm ơn Ông!