Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2009, đặc biệt là sự sụp đổ của tập đoàn ngân hàng Lehman Brothers đã gây chao đảo hệ thống tài chính Mỹ và châu Âu, sau đó gây tác động lan truyền đến nhiều nước khác và đẩy thế giới vào thời kì suy thoái trầm trọng kéo dài.
Bên cạnh tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, khủng hoảng cũng gây ra một cú sốc đáng kể đối với thể chế và khung khổ chính sách, buộc các nhà tạo lập chính sách phải rà soát lại một cách nghiêm túc những hạn chế của các công cụ chính sách hiện hành, nhất là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, làm cơ sở để thúc đẩy sự hình thành khung khổ chính sách mới, mà các công cụ chính sách hiện hành không thể phát huy tác dụng.
Để đẩy lùi tác động tiêu cực của khủng hoảng, ngân hàng trung ương (NHTW) các nước phát triển liên tục giảm lãi suất cơ bản, thậm chí xuống gần bằng không và lãi suất âm. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế vẫn u ám, sản lượng kinh tế sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, hàng loạt NHTW phải sử dụng công cụ chưa có tiền lệ dưới tên gọi “chính sách tiền tệ phi truyền thống”.
Để đẩy lùi tác động tiêu cực của khủng hoảng, ngân hàng trung ương các nước phát triển liên tục giảm lãi suất cơ bản, thậm chí xuống gần bằng không và lãi suất âm. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
1. Chính sách tiền tệ phi truyền thống
Về bản chất, chính sách tiền tệ phi truyền thống là các công cụ can thiệp chính sách trực tiếp nhằm cung cấp nguồn vốn với mức chi phi hợp lí cho các ngân hàng, doanh nghiệp và hộ gia đình. Công cụ chính sách này đã được một số NHTW nghiên cứu, áp dụng từ cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, khi nền kinh tế vấp phải những sự cố trầm trọng liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Trong những năm cuối thế kỉ XX, thế giới đã ghi nhận một số cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra liên tiếp với mức độ trầm trọng hơn, mặc dù chỉ mang tính quốc gia và khu vực. Điều này cho thấy, “bóng ma khủng hoảng” vẫn hiện hữu và chưa bị dập tắt hoàn toàn. Vì thế, sự vào cuộc quyết liệt của hàng loạt NHTW trên thế giới sau khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu lần này cũng thể hiện quyết tâm ngăn ngừa và kiểm soát khủng hoảng.
Qua theo dõi cho thấy, về công cụ, chính sách tiền tệ phi truyền thống bao gồm ba loại hình cơ bản: Chính sách định hướng trước (còn gọi là chính sách định hướng mục tiêu); chính sách bảng cân đối tài sản/chính sách nới lỏng định lượng; và chính sách lãi suất âm. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình hình cụ thể tại mỗi nước, NHTW có thể sử dụng một số công cụ chính sách phi truyền thống khác như chính sách hỗ trợ thanh khoản, chính sách tiền trực thăng.
1.1. Chính sách định hướng mục tiêu
Đặt ra các mục tiêu (Forward guidance) phát triển kinh tế bằng cách đưa ra các chỉ báo rõ ràng hơn về chính sách tiền tệ trong tương lai. Đây là công cụ được NHTW Nhật Bản (BoJ) triển khai đầu tiên vào năm 1999, khi BoJ cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức gần 0% cho đến khi tình hình giảm phát cải thiện. Sau khủng hoảng, NHTW tại Mỹ, Vương quốc Anh và một số nước phát triển khác đã áp dụng chính sách này.
Ở cấp độ khác nhau, NHTW thường thông báo về lộ trình chính sách lãi suất trong tương lai bằng cách diễn giải chiến lược của NHTW, cách thức đối phó nếu lạm phát tăng cao hoặc suy thoái xảy ra, hoặc đưa ra dự báo lãi suất và nguy cơ sẽ bị cường điệu hóa trước những bất ổn khó lường ở trong nước và quốc tế. Trong trường hợp này, NHTW cho biết, những dự báo này tùy thuộc vào thông tin thực tế và thông tin mới có thể dẫn đến một số điều chỉnh lãi suất chính sách.
Công cụ định hướng trước được thiết kế nhằm cải thiện khả năng của NHTW trong việc tác động đến mặt bằng lãi suất dài hạn bằng cách thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách tiền tệ trong tương lai. Nói cách khác, công cụ định hướng trước là sử dụng truyền thông về động thái chính sách mà NHTW có thể thực thi trong tương lai để tác động đến các thành viên thị trường, qua đó tác động đến giá cả tài sản, lãi suất dài hạn và hoạt động kinh tế. Có hai yếu tố đảm bảo thực thi chính sách này một cách hiệu quả, đó là uy tín của NHTW và hiệu quả của công tác truyền thông về quan điểm chính sách tiền tệ.
1.2. Chính sách bảng cân đối/nới lỏng định lượng
Chính sách bảng cân đối tài sản bao gồm các chương trình nới lỏng định lượng (QE) và tín dụng khác nhau. Trong đó, QE là tạo ra nguồn vốn dự trữ của NHTW để mua các tài sản tài chính (chủ yếu là trái phiếu chính phủ); nới lỏng tín dụng bao gồm các chương trình mua tài sản của khu vực tư nhân (nợ doanh nghiệp, tài sản cầm cố,…).
QE làm tăng lượng tiền cung ứng bằng cách bơm vốn cho các định chế tài chính để mở rộng cho vay và cải thiện thanh khoản, công cụ này được cân nhắc áp dụng khi lãi suất ngắn hạn tiệm cận mức 0% hoặc bằng “0”, mặc dù chưa phát hành thêm tiền. QE truyền tải thông qua hai kênh cơ bản: (i) QE đẩy giá tài sản mua vào, dẫn đến giảm lợi suất và đường cong lợi tức của nhóm tài sản này; (ii) Tác động đến tầm nhìn của các thành viên thị trường về các quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai, khi đó các nhà đầu tư sẽ cân nhắc và quyết định mua/bán tài sản với quy mô, danh mục và kì hạn nhất định.
Nới lỏng tín dụng là chiến lược được NHTW sử dụng để nới lỏng điều kiện tín dụng trong nền kinh tế bằng cách mua tài sản của khu vực tư nhân nhằm cải thiện thanh khoản trên thị trường khó khăn, nhờ đó làm tăng dòng tín dụng để cho vay. Khác với QE, công cụ này không làm tăng dự trữ, mà chỉ thúc đẩy thị trường tín dụng, góp phần giảm bớt những căng thẳng trên thị trường tiền tệ và nới lỏng điều kiện tín dụng nói chung.
1.3. Chính sách lãi suất âm
Chính sách lãi suất âm là hiện tượng NHTW hạ lãi suất đối với tiền gửi của các ngân hàng thương mại (NHTM) xuống mức âm. Theo đó, các ngân hàng phải trả lãi suất đối với tiền gửi dư thừa tại NHTW, động thái này sẽ khuyến khích các ngân hàng sử dụng tiền một cách hiệu quả hơn, đẩy mạnh hoạt động cho vay để kinh doanh hoặc tiêu dùng. Lãi suất thực âm trên thị trường xảy ra, khi lãi suất danh nghĩa mặc dù có thể dương nhưng thấp hơn mức lạm phát. Lãi suất âm sẽ tác động đến nền kinh tế bằng cách giảm chi phí cho vay với khách hàng có nhu cầu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính sách lãi suất âm thường được áp dụng trong thời kì nền kinh tế suy thoái, dù đã thực hiện các nỗ lực tiền tệ và lực lượng thị trường để đẩy lãi suất về mức 0% danh nghĩa. Đây là công cụ khuyến khích cho vay, chi tiêu, đầu tư hơn là tích trữ tiền mặt hay những tài sản khác.
Thực tế gần đây cho thấy, lãi suất cho vay và huy động giảm, là nền tảng cơ bản để khơi dậy các động lực mở rộng kinh tế cần thiết. Tuy nhiên, những lo ngại về phản ứng tiêu cực của khách hàng đã cản trở các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất tiền gửi của doanh nghiệp và cá nhân xuống dưới 0%. Theo thời gian, lãi suất thấp có thể giảm thu nhập cận biên và năng lực củng cố nguồn vốn.
Trong thời đại internet hiện nay, xu hướng mở tài khoản ngân hàng và giao dịch trực tuyến ngày càng tăng mạnh, góp phần giảm thiểu chi phí và thời gian. Vì thế, khi một ngân hàng thương mại quyết định giảm lãi suất tiền gửi khách hàng xuống mức âm nào đó, khách hàng vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu lãi suất giảm sâu hơn, khách hàng có thể rút tiền về và chuyển sang giữ tiền mặt.
Sau khi NHTW áp dụng lãi suất âm đối với các NHTM, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ giảm về mức âm và các NHTM thường chỉ áp lãi suất âm đối với số dư tài khoản lớn của doanh nghiệp xuống một mức nhỏ nào đó, mà không áp dụng đối với tiền gửi cá nhân nhằm tránh làn sóng rút tiền ồ ạt. Một số NHTM áp dụng lãi suất âm thông qua các loại phí, nhưng không đáng kể.
Thực tế cho thấy, lãi suất âm là bộ phận cần thiết trong việc kiềm chế tác động đối ngược của dòng vốn vào, do áp lực từ dòng vốn vào tăng cao là thước đo đánh giá khả năng của các quốc gia trong việc hấp thụ toàn bộ dòng vốn này mà không gây ra tác động lớn không mong muốn.
Tháng 7/2009, NHTW Thụy Điển đã cắt giảm lãi suất tiền gửi qua đêm xuống âm 0,25% - quốc gia triển khai chính sách lãi suất âm đầu tiên. Tiếp theo là ECB, áp dụng chính sách hạ lãi suất tiền gửi xuống âm 0,1% vào tháng 6/2014. Thụy Sỹ có lúc giảm lãi suất còn âm 0,75%, Nhật Bản là âm 0,1%,...
Tại châu Âu, khi chứng kiến mức giảm phát của nền kinh tế 0,6%, NHTW Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã sử dụng công cụ lãi suất âm để ngăn chặn nguy cơ rơi vào vòng xoáy giảm phát.
Lãi suất âm cũng lan sang thị trường trái phiếu, khi tổng giá trị các loại trái phiếu trên thị trường thế giới tăng lên đỉnh cao 12,2 nghìn tỉ USD vào giữa năm 2016, lãi suất trái phiếu Chính phủ Đức và Nhật Bản (kì hạn 15 năm) và lãi suất trái phiếu Chính phủ Thụy Sỹ (kì hạn 10 năm) đã giảm xuống mức âm.
1.4. Chính sách hỗ trợ thanh khoản
Chính sách hỗ trợ thanh khoản là các giải pháp chính sách nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính như mở rộng cho vay từ NHTW đối với các NHTM, thực hiện nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn, mở rộng giao dịch repo và danh mục tài sản thế chấp, hoán đổi chứng khoán, cho vay khẩn cấp qua cửa sổ chiết khấu để bổ sung thanh khoản cho các tổ chức tài chính, kéo dài thời hạn thanh toán, nới lỏng quy định về tài sản đảm bảo, sử dụng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ tạm thời để cung cấp thanh khoản ngoại tệ với kì hạn khác nhau trên cơ sở tài sản đảm bảo niêm yết bằng đồng bản tệ,...
1.5. Chính sách tiền trực thăng (Helicopter Money hoặc Helicopter Drop)
Tiền trực thăng là một thuật ngữ đề cập đến một loại chiến lược kích thích tiền tệ quyết liệt để tăng lạm phát và sản lượng kinh tế, được thực hiện bằng việc in một lượng tiền lớn và phân phối cho công chúng để kích thích nền kinh tế. Mặc dù chiến lược này có vẻ khả thi về mặt lí thuyết, nhưng từ quan điểm thực tế, nó được coi là một công cụ chính sách tiền tệ phi truyền thống, chỉ mang tính giả định vì rất khó thực hiện. Trong hầu hết các trường hợp, thuật ngữ tiền trực thăng là một phép ẩn dụ cho các biện pháp độc đáo để kích thích nền kinh tế trong thời kì giảm phát.
Thuật ngữ “tiền trực thăng” đến từ nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Friedman, và trở nên phổ biến sau khi được Ben Bernanke nhắc đến trong một bài phát biểu vào tháng 11/2002, khi ông còn là một Thống đốc mới tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Do phải đối mặt với sự tăng trưởng trì trệ kéo dài sang thế kỉ XXI, Nhật Bản đã cân nhắc áp dụng dụng chính sách tiền trực thăng vào năm 2016. Tuy nhiên, quốc gia này không thực hiện chính sách tiền trực thăng, mà thay vào đó đã chọn cách tăng cường mua các tài sản tài chính với quy mô lớn.
2. Áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống
2.1. Tại các nước phát triển (AEs)
Sau khủng hoảng, nhiều NHTW nước phát triển hàng đầu đã sử dụng các công cụ chính sách phi truyền thống để nới lỏng tiền tệ, phổ biến là hỗ trợ thanh khoản, định hướng mục tiêu, mở rộng bảng cân đối tài sản. Trong số này, việc triển khai các gói QE đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Tại Mỹ, trước khi áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống, Fed nắm giữ hơn 200 tỉ USD tín phiếu kho bạc, không nắm giữ chứng khoán nợ và các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp (mortgage-backed securities, MBS). Sau khi kết thúc gói QE3, Fed không còn nắm giữ tín phiếu kho bạc, mà thay vào đó là 1,75 nghìn tỉ USD chứng khoán nợ và gần 2,5 nghìn tỉ USD trái phiếu kho bạc dài hạn. Như vậy, lượng chứng khoán do Fed nắm giữ đã tăng gấp 5 lần so với thời kì suy thoái kinh tế năm 2007. Kì hạn trung bình cũng mở rộng, từ 1,6 năm lên 6,9 năm.
Tại khu vực đồng Euro, sau khi áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống, bảng cân đối tài sản của ECB đã tăng kỉ lục lên 3.700 tỉ EUR. Trong đó, khoản mục chứng khoán tăng mạnh và chiếm 61% tổng giá trị tài sản, quy mô những tài sản tài chính khác nhìn chung vẫn ổn định. Về bên nợ phải trả và nguồn vốn, khoản mục tiền gửi tăng mạnh và chiếm 36% tổng nghĩa vụ của ECB, tiền mặt trong lưu thông giảm 31%.
Tại Vương quốc Anh, quy mô bảng cân đối tài sản của NHTW Vương quốc Anh (BoE) tăng 4 lần khi chuyển từ giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2009 (khoảng 98 tỉ GBP, với sự lấn át của chứng khoán dài hạn) sang giai đoạn phục hồi 2012 - 2013 (khoảng 400 tỉ GBP), kì hạn trung bình tăng từ 2,2 năm vào năm 2007 lên 7,8 năm vào năm 2013.
Tại Nhật Bản, quy mô bảng cân đối tài sản của BoJ tăng từ 163 nghìn tỉ JPY vào tháng 02/2013 lên 225 nghìn tỉ JPY vào đầu năm 2014, tăng từ tỉ trọng 30% GDP vào năm 2011 lên 65% GDP vào năm 2015 và 90% GDP vào cuối tháng 9/2016, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 30% tại Fed và ECB tại thời điểm này. Phần lớn sự gia tăng tổng tài sản bắt nguồn từ trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu có thời hạn còn lại khá dài, thời gian đáo hạn trung bình tăng từ dưới 3 năm lên 7 năm và sau đó lên 10 năm. Nhờ đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn dài đã giảm đáng kể.
Về cơ bản, chính sách tiền tệ phi truyền thống được Fed, ECB, BoE và BoJ áp dụng có sự khác nhau về thời gian triển khai thực hiện và quy mô khác nhau, nhưng đều có chung đặc điểm là trực tiếp tác động đến hệ thống tài chính. Để rút lui chính sách này, các NHTW đã lên kế hoạch thu hẹp dần bảng cân đối tài sản. Cụ thể là, chiến lược rút lui khỏi chính sách tiền tệ nới lỏng sau các gói QE được khởi xướng tại Mỹ từ ngày 29/10/2014, tiếp đến là ECB và BoE, cuối cùng là BoJ.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tại Ukraine đã gây tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, lạm phát tăng cao trên toàn cầu buộc các nước phải tung ra các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ để chống dịch và ổn định đời sống. Đồng thời, phải lùi lại kế hoạch bình thường hóa chính sách tiền tệ. Từ tháng 3/2022, Fed bắt đầu tiến hành tăng lãi suất, khởi đầu chu kì thắt chặt tiền tệ tại AEs.
2.2. Tại các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs)
Khủng hoảng cũng phần nào gây tác động tiêu cực đến EMDEs, nhưng ở cấp độ thấp hơn nhiều so với tác động lan truyền bắt nguồn từ các động thái nới lỏng tiền tệ tại AEs. Các công cụ chính sách tiền tệ phổ biến được EMDEs triển khai bao gồm: Hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ lãi suất, giảm và hoãn trả nợ vay, tăng cường quản lí, kiểm soát các dòng vốn, bảo vệ đồng bản tệ trước xu thế giảm giá USD và củng cố nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia.
Chính sách tiền tệ phi truyền thống tại Mỹ làm tăng thanh khoản USD và gây áp lực giảm giá của nó so với các đồng tiền EMDEs. Đối với những doanh nghiệp có nợ dưới dạng USD, khi quy đổi sang nội tệ, gánh nặng nợ nần sẽ giảm và bảng cân đối tài sản cải thiện. Nhờ tình hình tài chính cải thiện, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp này sẽ cải thiện, tiếp tục tác động đến dòng tiền trong tương lai và bảng cân đối tài chính.
Khi USD mất giá, các nhà đầu tư sẽ hướng dòng vốn vào EMDEs với hi vọng có thể thu được lợi nhuận cao hơn, dẫn đến xu hướng mở rộng đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu tại EMDEs. Hoạt động đầu tư này cũng ảnh hưởng đến việc tái cân bằng danh mục đầu tư nội địa tại EMDEs, gây hiệu ứng tràn sang những thị trường tài sản khác như bất động sản, làm tăng giá tài sản tại EMDEs. Sự thay đổi về giá tài sản sẽ tác động đến hành vi đầu tư và tiêu dùng thông qua hiệu ứng tài sản (wealth effect), củng cố kênh gia tốc tài chính.
QE tại AEs làm gia tăng dự trữ trong bảng cân đối tài sản của các NHTM tại EMDEs, làm giảm phần bù thanh khoản trong cả hệ thống. Thông qua kênh truyền dẫn này, các doanh nghiệp và chính phủ nhiều EMDEs đã mở rộng vay nợ nước ngoài, dẫn đến những rủi ro tiềm tàng đối với hệ thống ngân hàng.
Nhìn chung, EMDEs đã chủ động trước diễn biến lạm phát, tỉ giá và lãi suất từ AEs hàng đầu, một số EMDEs đã phải tăng lãi suất trước áp lực tăng lạm phát. Gần đây, khi đại dịch Covid-19 được kiềm chế, hàng loạt EMDEs đã rục rịch tăng lãi suất từ năm 2021, sớm hơn nhiều so với phản ứng chính sách của Fed và NHTW các nước phát triển khác.
Về cơ bản, chính sách tiền tệ phi truyền thống tại các nước phát triển đã tác động tích cực đến EMDEs, trong đó có Việt Nam. Cụ thể là, xu hướng giảm giá USD, EUR, GBP, JPY đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào EMDEs, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ phi truyền thống cũng gây ra một số rủi ro nhất định, như gia tăng áp lực tăng giá và rủi ro bất ổn tài chính.
Trên toàn cầu, các chương trình kích thích tài chính đã làm tăng gánh nặng nợ nần, nhiều công ty đã bị cuốn hút vào nguồn tín dụng giá rẻ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nay phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất và đang chật vật tìm kiếm người mua. Tình hình này đang trở nên trầm trọng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều yếu ớt, kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại. Liên quan đến các yếu tố trong nước, nợ nần đang trở thành mối lo ngại hàng đầu trong khu vực.
Theo báo cáo về triển vọng kinh tế khu vực do WB công bố vào tháng 10/2023, tỉ trọng nợ so GDP tại hầu hết EMDEs Đông Á - Thái Bình Dương đã tăng đáng kể so với thập kỉ trước, nhất là nợ công, riêng tỉ trọng nợ doanh nghiệp tại Trung Quốc và Việt Nam tăng trên 40% GDP kể từ năm 2010 và hiện đã vượt qua tỉ trọng nợ tại các nước phát triển. Nợ các hộ gia đình tại Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan đã tăng cao hơn so với tại nhiều nước mới nổi khác trên thế giới. Nợ công tăng cao đang thu hẹp dư địa tài khóa, cản trở đầu tư công, trong khi lãi suất cao gây thiệt hại cho đầu tư tư nhân. Nợ doanh nghiệp ở mức cao cũng cản trở đầu tư tư nhân do thiếu nguồn vốn để triển khai những dự án mới. Trong khi đó, chi phí dịch vụ nợ các hộ gia đình tăng cao đang xói mòn thu nhập khả dụng và chi tiêu dùng.
Hiện nay, EMDEs châu Á đang tìm nhiều cách mới để bảo vệ đồng tiền bản tệ trước áp lực mất giá, do nhiều lo ngại về khả năng Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn và căng thẳng địa chính trị gia tăng, làm suy giảm nhu cầu đối với những tài sản rủi ro. Nhìn chung, các đồng tiền châu Á hiện dễ bị ảnh hưởng trước rủi ro dòng vốn đào thoát ra ngoài do lãi suất cơ bản trong khu vực đang thấp hơn so với những khu vực khác, dẫn đến sự chênh lệch lớn so với lãi suất tại Mỹ. Từ cuối quý III/2023, USD cũng tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực, so với đầu năm 2023, Rupiah của Indonesia tăng 1,1%, Peso của Philippines tăng 2,0%, Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng 5,3%, Baht của Thái Lan tăng 5,8% và Ringgit của Malaysia tăng 7,4%. Tại Việt Nam, áp lực tỉ giá tiếp tục gia tăng trong tháng 9 khi giá USD đã tăng lên mức 24.396 VND vào ngày 10/10/2023, tăng 1,3% so với cuối tháng 8 và tăng 3,2% so với cuối năm 2022.
Về giác độ chính sách, NHTW EMDEs đã theo dõi chặt chẽ các động thái và tác động chính sách bên ngoài, làm cơ sở để lựa chọn giữa chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tiền tệ thắt chặt một cách phù hợp. Đối với EMDEs, chính sách tiền tệ nới lỏng đã phần nào hỗ trợ xuất khẩu, góp phần củng cố nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia, nhưng cũng đi kèm với rủi ro lạm phát và bong bóng giá tài sản. Trong bối cảnh hiện nay, khi AEs đang tìm cách đưa chính sách tiền tệ về trạng thái bình thường với độ trễ và mức độ phân kì nhất định,việc đánh giá đầy đủ tác động của những kênh truyền dẫn này là cơ sở quan trọng để đưa ra biện pháp đối phó phù hợp, đảm bảo hiệu quả chính sách tiền tệ và duy trì niềm tin vào NHTW.
3. Chính sách tiền tệ thời kì hậu Covid- 19
Do sau nhiều năm các NHTW mạnh tay nới lỏng tiền tệ để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; thêm vào đó là tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài, xung đột vũ trang Nga-Ukraine; đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột địa chính trị và các biện pháp giãn cách xã hội, đẩy lạm phát tăng cao trên toàn cầu. Đến tháng 02/2022, lạm phát tại ¾ số AEs đã tăng trên 5% so với mục tiêu đề ra, nhiều EMDE cũng ghi nhận mức lạm phát tăng trên 5%. Các nước châu Á ghi nhận mức lạm phát thấp hơn, nhưng đa phần đều cao hơn mục tiêu của NHTW, ngoại trừ Trung Quốc. Vì thế, Fed đã bắt đầu tiến hành tăng lãi suất từ tháng 3/2022 với quy mô chưa có tiền lệ, lạm phát cơ bản tại Mỹ đã quay đầu giảm từ đỉnh điểm 9,1% thiết lập vào giữa tháng 6/2022, trùng với diễn biến lạm phát toàn cầu (giảm từ đỉnh cao 11,6% vào tháng 6/2022 xuống 5,3% trong tháng 6/2023).
Trong 20 tháng qua, động thái tăng lãi suất cấp tập của các NHTW1 tại AEs chủ chốt đã dẫn đến sự hình thành quan điểm chính sách tiền tệ thắt chặt, có khả năng kéo dài đến năm 2025. Các dấu hiệu cho thấy, chính sách tiền tệ thắt chặt bắt đầu tác động đến hệ thống tài chính.
Các nỗ lực thắt chặt tiền tệ đã được đền đáp, với lạm phát liên tục giảm, trong khi nguồn tín dụng thu hẹp và thị trường nhà ở nguội lạnh. Theo báo cáo công bố tháng 10/2023 của IMF, trong quý II/2023, lạm phát cơ bản giảm trên 50% từ đỉnh điểm 11,6% vào quý II/2022 xuống 5,3%. Trong số các nền kinh tế chủ chốt, lạm phát cơ bản trong quý II/2023 dao động từ -0,1% tại Trung Quốc tới 2,8% tại khu vực Euro và 2,7% tại Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng giảm lạm phát cơ bản là do giá năng lượng hạ nhiệt, ở cấp độ thấp hơn là do giá thực phẩm giảm. Xu hướng giảm tốc kinh tế cũng có phần bắt nguồn từ những yếu tố đặc thù quốc gia như khủng hoảng nhà đất tại Trung Quốc.
Lạm phát lõi cũng ghi nhận xu hướng giảm dần, mặc dù chậm hơn, từ đỉnh điểm 8,5% trong quý I/2022 xuống 4,9% trong quý II/2023, nhưng vẫn cao hơn tỉ lệ trung bình 2,8% trong giai đoạn 2017 - 2019. Trong số các nền kinh tế chủ chốt, lạm phát lõi trong quý II/2023 dao động từ 0,3% tại Trung Quốc tới 4,6% tại khu vực đồng Euro và 4,7% tại Mỹ. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát tháng 7 cho thấy, lạm phát lõi tại hầu hết AEs đã bật tăng trở lại.
Mặc dù các NHTW đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng lạm phát vẫn tăng cao tại hầu hết các nước áp dụng lạm phát mục tiêu. Tại những nước có lạm phát tăng quá cao so với mục tiêu đề ra, NHTW Canada, Vương quốc Anh, châu Âu và Mỹ đã quyết định tăng lãi suất tại kì họp tháng 7/2023. NHTW Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng kiểm soát lợi suất trái phiếu chính phủ theo hướng linh hoạt hơn, theo đó lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn 10 năm có thể tăng tới 1%. Tình hình tại Trung Quốc có thể coi là trường hợp ngoại lệ, với lạm phát cơ bản giảm sâu và thấp xa mục tiêu đề ra, nên NHTW đã tiến hành các đợt giảm lãi suất vào tháng 6 và tháng 8/2023.
Các ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đã thắt chặt đáng kể điều kiện cho vay từ năm trước, và tiếp tục xu hướng này trong những tháng tới đây, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế. Tại AEs, nhu cầu vay vốn và đầu tư sụt giảm trong sáu tháng đầu năm 2023, phản ánh nguồn cung thắt chặt và nhu cầu vay vốn yếu ớt, khi nhiều doanh nghiệp bắt đầu giảm tỉ lệ đòn bẩy do lãi suất quá cao và sản lượng tăng quá mức. Lãi suất cao cũng gây áp lực lên các ngân hàng, cả trực tiếp và gián tiếp. Thị trường nhà đất cũng trầm lắng, giá nhà ở tại một số nước tăng chậm hoặc đảo chiều kể từ khi bắt đầu chu kì thắt chặt tiền tệ này, và tỉ lệ phá sản gia tăng tại một số nước (tại Mỹ đã tăng 20% so với năm trước), khi các nguồn tài chính hỗ trợ trong mùa dịch đã cạn kiệt. Tại hầu hết các nước, tỉ lệ phá sản vẫn thấp hơn trước đại dịch, nhưng có vẻ đang tăng nhanh.
Với tình hình trên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm dự báo GDP toàn cầu, do tốc độ phục hồi chậm chạp và triển vọng kinh tế toàn cầu có vẻ xấu đi. Cụ thể là, GDP toàn cầu được dự báo giảm từ kết quả tăng 3,5% trong năm 2022 xuống mức tăng 3,0% trong năm 2023 và 2,9% trong năm 2024. Như vậy, báo cáo đã điều chỉnh giảm 0,1% GDP năm 2024 so với dự báo cách đây ba tháng2.
4. Một số bài học rút ra trong điều hành chính sách tiền tệ
Năm 2024, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, xu hướng tiêu dùng giảm, lạm phát giảm nhưng vẫn ở mức cao so với mục tiêu, thị trường tài chính, tiền tệ thế giới sẽ có nhiều biến động, chịu ảnh hưởng bởi khả năng kiềm chế lạm phát và chính sách tiền tệ của các nước phát triển (nhất là chính sách lãi suất của Fed). Tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, gây áp lực đối với quản lí, điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ phải thực thi nhiều nhiệm vụ như kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Qua nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ của các NHTW nêu trên, có thể rút ra một số bài học sau:
Một là, NHTW các nước đang phát triển cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ các động thái và tác động chính sách từ bên ngoài, nhất là NHTW của các nước lớn để làm cơ sở lựa chọn chính sách “nới lỏng” hay “ thắt chặt” một cách phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước. Đồng thời, các NHTW cần phải theo dõi chặt chẽ tác động của xu hướng tăng giá hàng hóa trên toàn cầu đối với kì vọng lạm phát trong nước, qua đó đưa ra biện pháp đối phó và thắt chặt tiền tệ một cách phù hợp để kiểm soát chu kì tác động của lạm phát đối với tiền lương và kì vọng lạm phát, tác động của tiền lương và kì vọng lạm phát đến xu hướng tăng lạm phát.
Hai là, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống; từ đó, đưa ra các giải pháp, công cụ chính sách một cách nhất quán, linh hoạt nhưng không chủ quan, đó là cách thức chỉ đạo điều hành đúng hướng, cần tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo.
Ba là, chỉ áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống khi chính sách tiền tệ truyền thống bị kém hiệu lực, hiệu quả. Chính sách phi truyền thống bao gồm nhiều công cụ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi nước. Đối với những nước có thị trường tài chính phát triển thì công cụ áp dụng là “nới lỏng định lượng”. Tuy nhiên, đối với nước có thị trường tài chính kém phát triển thì phải áp dụng chính sách nới lỏng tín dụng, do triển khai chính sách nới lỏng định lượng sẽ không hiệu quả.
Bốn là, các NHTW cần định kì thông báo rõ ràng về triển vọng chính sách lãi suất và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ dựa trên các dữ liệu thực tế, bằng cách diễn giải chiến lược của NHTW để các chủ thể trong nền kinh tế thay đổi hành vi.
Năm là, tăng cường công tác truyền thông chính sách của NHTW, xây dựng chiến lược, kịch bản cụ thể (chiến lược và kịch bản phải hoàn thành ngay từ đầu năm để các đơn vị liên quan thực hiện). Những thông tin về các giải pháp điều hành trong tương lai phải được thông tin rõ ràng, bằng ngôn ngữ dễ hiểu và được phát ra từ người phát ngôn của NHTW hoặc được Thống đốc ủy quyền nhằm tránh những thông tin sai lệch và tạo niềm tin của công chúng.
Sáu là, phát triển thị trường chứng khoán, qua đó giúp NHTW có nhiều sự lựa chọn hơn khi thị trường tài chính bị khủng hoảng, gây khó khăn trong việc thực thi chính sách tiền tệ của NHTW.
1 Tính từ đầu tháng 3/2022 đến ngày 15/11/2023, có 475 lượt điều chỉnh tăng lãi suất chính sách của NHTW các nước trong khi chỉ có 79 lượt điều chỉnh giảm, riêng năm 2023 có 152 lượt tăng và 63 lượt giảm; 10 tháng cuối năm 2022 có 323 lượt tăng và 16 lượt giảm. Cụ thể, Fed có 11 lần tăng lãi suất chính sách liên tiếp (từ 16/3/2022 - 26/7/2023) với tổng mức tăng 525 điểm cơ bản, hiện ở mức 5,25 - 5,5%/năm (mức lãi suất cao nhất trong vòng 22 năm); ECB có 10 lần tăng liên tục (từ 21/7/2022 - 14/9/2023) với tổng mức tăng 450 điểm cơ bản, hiện ở mức 4,5%/năm (mức lãi suất cao nhất trong vòng 23 năm); BoE có 13 lượt điều chỉnh tăng lãi suất liên tục (từ 03/3/2022 - 03/8/2023) với tổng mức tăng 500 điểm cơ bản, hiện ở mức 5,25% (mức lãi suất cao nhất trong vòng 15 năm), đều ghi nhận là các mức lãi suất điều hành cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
2 Báo cáo cũng điều chỉnh triển vọng GDP tại các nền kinh tế chủ chốt: Tăng mạnh dự báo GDP tại Mỹ, hạ dự báo GDP tại Trung Quốc và khu vực đồng Euro. Dự báo GDP 2023 - 2024 cũng thấp hơn so với dự báo đưa ra khi dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành (2020 - 2022): Báo cáo tháng 01/2022 dự báo GDP toàn cầu tăng 3,8% trong năm 2023 và 3,4% trong năm 2024. Dự báo GDP năm 2023 - 2024 cũng thấp hơn kết quả tăng trung bình 3,8% trong giai đoạn 2000 - 2019. Tăng trưởng thấp hơn mức trung bình lịch sử cũng được ghi nhận tại các nhóm quốc gia, cả về GDP tổng thể và GDP theo đầu người. Từ quý IV/2022, kinh tế toàn cầu bắt đầu thoát đáy, nhưng kinh tế một số quốc gia hàng đầu vẫn chưa thể thoát đáy trong 6 tháng cuối năm 2023.
Nguồn tham khảo: IMF, WB, NHTW các nước, Investopedia.
ThS. Vũ Xuân Thanh