Động lực và kì vọng mới cho tương lai

07/03/2024 13:59

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia; thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 05 - 11/3/2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.

Chuyến công tác đánh dấu dịp kỷ niệm 50 năm ASEAN - Australia thiết lập quan hệ, cũng là thời điểm Việt Nam vừa kết thúc một năm kỷ niệm 50 năm quan hệ với Australia; chuẩn bị cho năm tới kỷ niệm 50 năm quan hệ với New Zealand; đồng thời, trực tiếp bổ sung động lực và tạo tầm cao mới trong quan hệ đa phương ASEAN, cũng như quan hệ song phương Việt Nam với Australia và New Zealand; là minh chứng cho sự tiếp tục tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận số 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030 và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Australia là một trong những đối tác đầu tiên thiết lập quan hệ đối thoại với ASEAN năm 1974; hai bên nâng quan hệ lên đối tác chiến lược năm 2014 và đối tác chiến lược toàn diện (CSP) năm 2021. Về tổng thể, quan hệ giữa ASEAN - Australia trong 50 năm qua rất tốt đẹp. Tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng gia tăng. Hợp tác ở tất cả các lĩnh vực bao gồm: Thương mại, kinh tế, văn hóa - xã hội… và các lĩnh vực mới đều đang được triển khai rất hiệu quả. Australia là một trong những đối tác chiến lược toàn diện mà có nhiều hợp tác thực chất, hiệu quả với các thành viên của khối ASEAN; hiện nay, ASEAN là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Australia, thậm chí hơn cả Hàn Quốc, Nhật Bản hay Hoa Kỳ.

Australia tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại khu vực Đông Nam Á (TAC) năm 2005. Quan hệ ASEAN - Australia được thúc đẩy qua nhiều cơ chế, bao gồm các cuộc họp thường niên cấp Lãnh đạo, Bộ trưởng Ngoại giao, quan chức cao cấp (SOM), và Ủy ban Hợp tác chung (JCC). Ngoài ra, hai bên còn có nhiều cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng, SOM và cấp làm việc trong các lĩnh vực chuyên ngành như quốc phòng, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, kinh tế, lâm nghiệp… Hợp tác ASEAN - Australia hiện được triển khai trên cơ sở kế hoạch hành động ASEAN - Australia giai đoạn 2020 - 2024 và Phụ lục triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Australia. Đến tháng 3/2023, tất cả các dòng hành động thuộc kế hoạch hành động ASEAN - Australia giai đoạn 2020 - 2024 và Phụ lục đều đã hoặc đang được triển khai.

Australia tham gia tích cực vào các khuôn khổ do ASEAN chủ trì như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF). Hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực biển, an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng và tội phạm xuyên quốc gia…  

Australia là đối tác kinh tế - thương mại quan trọng của ASEAN: Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN - Australia đạt 101,08 tỉ USD năm 2022 theo thống kê từ ASEAN. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Australia vào ASEAN đạt 2,01 tỉ USD năm 2022. Australia là quốc gia thứ 8, là một trong năm nước đối tác đối thoại của ASEAN, phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). ASEAN, Australia và New Zealand đã hoàn tất đàm phán và kí kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA). Tháng 9/2023, Australia ra mắt “Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040”. Hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, giao lưu nhân dân, thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, quản lí thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Australia tích cực hỗ trợ ASEAN triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển tại các nước và giữa các nước ASEAN; phát triển tiểu vùng, bao gồm tiểu vùng Sông Mekong, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững trong toàn khu vực.

Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia được tổ chức tại Melbourne, Australia từ ngày 05 - 06/3/2024 với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Australia và Tổng Thư ký ASEAN. Với chủ đề “Đối tác cho tương lai”, Hội nghị là dịp để lãnh đạo các nước ASEAN và Australia rà soát quan hệ 50 năm qua, trao đổi, đề ra tầm nhìn, những phương hướng và biện pháp cụ thể để mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển thực chất, hiệu quả trong thời gian tới, phù hợp khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã thiết lập vào năm 2021.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra một loạt cuộc họp và sự kiện với 4 tuyến chuyên đề quy tụ các nhà lãnh đạo cộng đồng và doanh nghiệp, các chuyên gia và học giả của Australia và ASEAN bao gồm: Hội thảo khoa học hàng hải nhằm thảo luận về các thách thức cũng như cơ hội và tăng hợp tác thiết thực trên biển, nền kinh tế xanh, sinh thái học hàng hải; luật hàng hải và quản lí hàng hải…; diễn đàn về khí hậu và chuyển đổi năng lượng sạch; đối thoại của các nhà lãnh đạo các nước mới nổi về các rủi ro địa chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thúc đẩy sự phục hồi khu vực, vai trò của các hoạt động thương mại và đầu tư ASEAN - Australia; hội thảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa bàn về thị trường tiêu dùng ASEAN, tương lai lương thực, công nghệ nông nghiệp, chuỗi cung ứng và đầu tư, tăng cường kết nối kinh tế…

Những sáng kiến hợp tác mới do hai bên đưa ra và nhất trí có nhiều đột phá, góp phần tạo thêm nguồn lực và cơ sở để quan hệ ASEAN - Australia phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đoàn công  tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với thành phần tham gia rất đa dạng và đầy đủ các lãnh đạo các cơ quan bộ, ngành Trung ương trọng yếu như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Đối ngoại Trung ương... Chuyến thăm chính thức lần này của Thủ tướng Việt Nam đến hai nước được kì vọng góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương Việt Nam - Australia và Việt Nam - New Zealand đi vào thực chất, hiệu quả hơn, trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, lao động...

Những kì vọng mới và thông điệp nổi bật

Với Việt Nam, Australia đã sớm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên có mức độ tin cậy chính trị rất cao và lĩnh vực hợp tác rất toàn diện cả về kinh tế, đầu tư, viện trợ phát triển chính thức (ODA) cấp học bổng cho sinh viên và cán bộ Việt Nam sang du học tại Australia.

Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 13,8 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,2 tỉ USD, nhập khẩu đạt 8,5 tỉ USD. Tính đến hết tháng 12/2023, Australia có 621 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD, đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú, y tế, trợ giúp xã hội và nông, lâm, thủy sản. Việt Nam có 92 dự án đầu tư sang Australia với tổng vốn đầu tư là 552,7 triệu USD, đứng thứ 11/80, chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, bán buôn, bán lẻ, chế biến, chế tạo. Australia là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, với tổng cộng 3 tỉ AUD. Hiện có khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia (90% theo diện tự túc). Tháng 10/2021, hai nước đã kí thỏa thuận bổ sung Chương trình Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Australia giai đoạn 2021 - 2025, trị giá 50,1 triệu AUD. Số khách du lịch Việt Nam đến Australia vẫn tăng đều đặn qua các năm. Hai nước đã kí Bản ghi nhớ về thị thực nông nghiệp (tháng 3/2022) và tiếp tục đàm phán để sớm đưa vào triển khai.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một trong ba nhà lãnh đạo ASEAN có chuyến thăm song phương chính thức Australia dịp này. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là dịp để hai nước cùng đánh giá những bước phát triển của quan hệ song phương thời gian qua, đặc biệt trong việc triển khai quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, cũng như những thỏa thuận cấp cao mà hai bên đã đạt được nhân những chuyến thăm của Toàn quyền Australia và Thủ tướng Australia đến Việt Nam trong năm 2023 và trước đó là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Australia năm 2022. Dự kiến, hai bên sẽ kí kết, trao đổi nhiều văn kiện hợp tác; trong đó nhấn mạnh các mục tiêu hợp tác thương mại, tài chính, thúc đẩy đầu tư song phương, giáo dục - đào tạo, trong đó có đào tạo nghề; về tư pháp, khoáng sản, nông, lâm, ngư nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và tận dụng những động lực mới hiện nay, nhất là về kinh tế số, kinh tế xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Với New Zealand, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 19/6/1975, nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược từ tháng 7/2020. Sự tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố; New Zealand đã hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ giáo dục - đào tạo, đến các lĩnh vực về bình đẳng giới, nông nghiệp và phát triển. Chuyến thăm New Zealand lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được kì vọng, hai nước sẽ trao đổi về các biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương, trong đó có hợp tác về thương mại, đầu tư, các lĩnh vực mang tính gắn kết, giao lưu nhân dân, đặc biệt là hợp tác về lao động, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, nhất là về công nghệ mới trong nông nghiệp và những biện pháp để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của cả hai nước. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 1,3 tỉ USD (nhập khẩu đạt 680,6 triệu USD; xuất khẩu đạt 648,9 triệu USD). Tính đến tháng 11/2023, New Zealand có 52 dự án đầu tư với tổng số vốn 208,35 triệu USD, đứng thứ 39/143 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, tập trung nhiều nhất tại lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giáo dục - đào tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; xây dựng. New Zealand dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm. New Zealand cam kết dành cho Việt Nam 26,7 triệu NZD ODA không hoàn lại cho giai đoạn từ 01/7/2021 đến 30/7/2024 (tương tự giai đoạn 2018 - 2021); tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục, ứng phó đại dịch Covid-19.

Thông điệp nổi bật và kì vọng lớn nhất có thể rút ra từ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này là ASEAN luôn là một đối tác ổn định và coi trọng đối thoại, đã, đang và sẽ tiếp tục có vai trò trung tâm trong việc duy trì ổn định, hòa bình, đối thoại ở khu vực cũng như trên toàn thế giới. Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia dẫn đầu trong khu vực, có quan điểm, chủ trương mạnh mẽ về vấn đề chủ quyền, độc lập và pháp quyền, sẽ tiếp tục phát triển các quan hệ hợp tác toàn diện; tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN, cũng như của hai nước Australia và New Zealand..., nhất là đối với những quan điểm rất tương đồng về nhu cầu tự cường trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, hướng tới một khu vực tự do, rộng mở...
                                                           

TS. Nguyễn Minh Phong (Hà Nội)
(Nguồn: tapchinganhang.gov.vn)
Tìm kiếm