Đầu tư tư nhân ở Việt Nam đang ở mức thấp
Ngày 31/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo TS. Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam, thời gian gần đây, mỗi năm cả nước có khoảng 120.000-130.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể chiếm đến khoảng 60% so với số doanh nghiệp mới. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, mỗi năm Việt Nam phải có thêm ít nhất 400.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp.
“Đây là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Hiện nay, để nhà đầu tư bỏ vốn thành lập doanh nghiệp không khó nhưng để doanh nghiệp đó sống được và phát triển lâu dài là vấn đề còn rất nhiều việc phải làm”, TS. Lê Duy Bình cho biết.
Bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới cho rằng, trong nội tại nền kinh tế Việt Nam, đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp. Cùng với đó là xu hướng chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng. Đây là những yếu tố cần thời gian để phục hồi. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có nhiều chính sách để hỗ trợ các lĩnh vực này.
“Tôi cho rằng, Việt Nam cần thay đổi để phục hồi kinh tế tư nhân, cùng với đó dần phục hồi chi tiêu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, bên cạnh giao thương quốc tế, thương mại nội địa cũng phải được thúc đẩy”, bà Dorsati Madani nhận định.
Ngân hàng Thế giới nhận định, tăng trưởng kinh tế sẽ có sự phục hồi từ từ và dần dần về mức trước đại dịch. Nhưng để đạt được điều này thì cần phải có chính sách điều hành khôn ngoan. Trong đó, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam cần được chú trọng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Còn nhiều rào cản về chính sách, cơ chế
Chia sẻ tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay, các cơ chế, chính sách đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân còn rất nhiều rào cản, chính sách chưa đưa vào thực tiễn.
Theo ông Hiển, việc thúc đẩy các cơ chế, chính sách nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế là vô cùng quan trọng. Đặc điểm của tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và xuất khẩu đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Trong Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2022 của Ban Kinh tế Trung ương khoá XIII đã đưa ra định hướng dài hạn trong phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nghị quyết đặt ra nhiều chương trình, nhiệm vụ như xây dựng, tăng cường năng lực sản xuất, thiết kế, chế tạo Việt Nam (Make in Vietnam).
“Cần phải nhìn nhận lại các cơ chế, chính sách này đã làm được những gì, làm đến đâu. Chúng ta cũng đặt ra các mục tiêu về các cơ chế, chính sách thúc đẩy 6 ngành công nghiệp nền tảng. Một trong những ngành có nhiều thuận lợi khi chúng ta đặt quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ là công nghiệp công nghệ số, trong đó có công nghiệp bán dẫn, vậy chính sách là gì, triển khai cơ chế chính sách ra sao?”, ông Hiển chia sẻ.
Phân tích về thúc đẩy đầu tư tư nhân, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cần có chính sách kích cầu đầu tư thực sự mà đặc biệt đầu tư tư nhân, cần nhìn nhận thẳng thắn chính sách cho đầu tư tư nhân và cả khu vực nhà nước.
"Doanh nghiệp nhà nước trừ những dự án dầu khi có sự quyết liệt của Chính phủ, còn lại các doanh nghiệp nhà nước không có đầu tư mới, họ bế tắc về chính sách cho thúc đẩy đầu tư của chính mình”, ông Hiển cho biết.