Mới có khoảng 10% doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện NDC
Cùng với các quy định pháp lý tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Phát biểu tại Hội thảo Net Zero-môi trường và năng lượng hướng tới thành phố không phát thải 2050 diễn ra mới đây, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, đây là một thách thức rất lớn với Việt Nam.
Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong số các nước đang phát triển phát thải lớn. Hiện nay, quy mô thương mại toàn cầu đạt khoảng 800 tỷ USD và mục tiêu đang hướng tới 1.000 tỷ USD, quy mô Top 20 thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nằm trong Top 20 thế giới về phát thải và chiếm 1% phát thải toàn cầu.
Với cam kết này, Việt Nam đã đi trước các đối thủ cạnh tranh với các mặt hàng trực tiếp. Các nước như Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Nga đều chưa thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.
Ông Nguyễn Đình Thọ phân tích, mục tiêu Net Zero của Việt Nam sẽ đạt được nếu như chúng ta đạt trung hòa carbon. Điều này có nghĩa, đảm bảo trồng rừng, cải tạo rừng và sử dụng các biện pháp hấp thụ để có thể đạt được phát thải bằng trung hòa.
Giải pháp Net Zero cao hơn trung hòa carbon bởi ngoài việc thực hiện hấp thụ sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, tìm các giải pháp giảm carbon thông qua hấp thụ hoặc lưu trữ, chôn lấp carbon.
Tại thỏa thuận hợp tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), với các nước phát triển đã hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỷ USD.
Theo tính toán của World Bank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt mục tiêu giảm phát thải Net Zero. Điều này cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn để có thể đạt được giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Theo ông Nguyễn Đình Thọ: “Tại JETP, Việt Nam đã cam kết sẽ đạt đỉnh phát thải vào năm 2035. Trong khi đó, theo tính toán của McKinsey, chúng ta muốn đạt mức giảm phát thải về 0 vào năm 2050 thì đạt đỉnh phát thải vào năm 2030. Đây là thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới”.
Thông tin thêm, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ cho biết, hiện tại, mặc dù 2.166 doanh nghiệp đã được yêu cầu phải thực hiện việc báo cáo phát thải khí nhà kính nhưng mới chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp đã sẵn sàng, đó là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thép, xi măng, nhiệt điện. Đây cũng là những lĩnh vực Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đôn đốc để thực hiện kịp tiến độ báo cáo vào tháng 3/2025.
Thực hiện cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đã có nhiều bước tiến bộ trong thời gian qua và sắp tới sẽ có NDC lần thứ 3. Theo thỏa thuận Paris, Việt Nam sẽ phải đạt được NDC sau tốt hơn NDC trước.
Tại NDC lần thứ 2, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải 15,85 nếu không có sự hỗ trợ quốc tế và sẽ đạt 43,5% nếu có sự hỗ trợ quốc tế.
“Chính vì vậy, năm 2025, khi đưa ra cam kết giảm phát thải sắp tới sẽ là thách thức rất lớn với Việt Nam”, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ nói. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải thường xuyên rà soát, cập nhật NDC.
Còn nhiều thách thức
Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nhằm góp phần đạt mục tiêu Net Zero vào năm 20250.
Theo đó, năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như năng lượng tái tạo, thu giữ và lưu trữ các bon (CCS), xử lý chất thải.
Việc làm chủ các công nghệ lõi và phát triển công nghệ mới phù hợp với điều kiện thực tiễn trong nước vẫn là một bài toán khó giải. Thêm vào đó, sự tham gia của khu vực tư nhân vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo vẫn hạn chế.
Một thách thức lớn nữa đó là Việt Nam cũng đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nghiên cứu và phát triển công nghệ còn thiếu đồng bộ và chưa hiện đại, khiến cho việc tiếp nhận và làm chủ các công nghệ chuyển giao gặp nhiều khó khăn...
Để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường; trong đó có Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, giai đoạn 2024 - 2030”.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Sĩ Đăng, mục tiêu của Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, giai đoạn 2024 - 2030” là cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước liên quan đến mục tiêu Net Zero.
Cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất các mô hình và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội xanh, tuần hoàn, các bon thấp, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; nghiên cứu, ứng dụng, giải mã, đổi mới và chuyển giao công nghệ, các giải pháp quản lý và kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, góp phần quản lý, kiểm kê phục vụ giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó là phát triển công nghệ xanh, sạch, tuần hoàn; giảm tiêu thụ, chuyển dịch và chuyển đổi năng lượng; nghiên cứu phát triển và ứng dụng vật liệu mới, năng lượng mới, xanh, tái tạo... theo hướng giảm phát thải; thu hồi, tận dụng và lưu trữ các bon...
Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, giai đoạn 2024 - 2030” đề xuất 8 nội dung nghiên cứu, khi được chính thức ban hành sẽ là căn cứ cho các tổ chức, cá nhân tham khảo, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ phục vụ cho mục tiêu Net Zero.
Hiện thực hóa mục tiêu Net Zero sẽ đóng góp vào việc thực hiện cam kết quốc gia, cũng là một phần trong nỗ lực hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và đối phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.