Xu hướng quản lý hoạt động huy động vốn qua nền tảng công nghệ số - Một số đề xuất cho Việt Nam

20/05/2024 13:34
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, các hình thái huy động vốn (HĐV) thay thế mang tính chất cộng đồng qua các nền tảng công nghệ số (các website, apps) ngày càng phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN- SMEs), doanh nghiệp khởi nghiệp (Startups).

Ảnh minh họa

 

Các kênh HĐV thay thế qua nền tảng công nghệ số -  Xu hướng của nhiều doanh nghiệp trên thế giới

Các kênh HĐV thay thế đặc biệt hữu dụng đối với các SMEs, startups là các đối tượng khó tiếp cận các nguồn vốn truyền thống.

Các hình thức HĐV thay thế đa dạng, được phân thành 05 hình thức chủ yếu: HĐV từ nền tảng cho vay ngang hàng  (P2P Lending - hình thức vay vốn từ số lượng lớn cá nhân, tổ chức để tài trợ cho dự án, khoản vay kinh doanh hoặc các nhu cầu khác thông qua một nền tảng trực tuyến mà không thông qua ngân hàng, tổ chức tín dụng - TCTD); HĐV cổ phần qua cộng đồng (Equity - based Crowdfunding (ECF) - cho phép nhà đầu tư (NĐT) tham gia chào bán cổ phần miễn trừ các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua nền tảng trực tuyến); Mã hóa tài sản (Asset tokenization –phát hành tài sản mã hóa để chuyển đổi tài sản thành các token2 có thể được giao dịch trên nền tảng blockchain), Kêu gọi ủng hộ, từ thiện (Donation crowdfunding - các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp thường vận động quyên góp giúp đỡ vùng thiên tai, người có hoàn cảnh đặc biệt…), HĐV dạng trả thưởng (Reward-based crowdfunding - HĐV để chủ dự án thực hiện những ý tưởng mới, đột phá, người tài trợ sẽ nhận được phần thưởng phi tài chính, thường là sản phẩm hoặc dịch vụ khi dự án thành công).

Sự phát triển của các nền tảng tài chính công nghệ là xu thế tất yếu trước sự bùng nổ của công nghệ số, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn so với kênh HĐV truyền thống.

Đối với hoạt động P2P Lending có tăng trưởng rất lớn trong thời gian qua. Tính chung toàn cầu, từ năn 2014 đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt xấp xỉ 120%. Năm 2012, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P trên toàn cầu đạt khoảng 1,2 tỷ USD; năm 2015 là 64 tỷ USD và dự báo có thể lên đến hơn 1.000 tỷ USD đến năm 2025.

Đối với hoạt động ECF. Kể từ khi nền tảng HĐV cổ phần trực tuyến đầu tiên thành lập ở Pháp vào năm 2008, ECF nhanh chóng có được chỗ đứng trên toàn thế giới như một cơ chế tài trợ vốn cho các dự án kinh doanh ban đầu; phát triển mạnh mẽ vào đầu những năm 2010 và chậm lại từ năm 2016 do thiếu khuôn khổ pháp lý tại một số khu vực.

Đối với mô hình mã hóa tài sản. Sự phát triển của thị trường tiền mã hóa giúp chủ dự án tiếp cận lượng lớn các NĐT mà không bị giới hạn về phạm vi địa lý. Theo Statista, số lượng người tham gia thị trường có thể lên tới 994,3 triệu người vào năm 2027. Theo Boston Consulting Group, đến năm 2030, tài sản mã hoá nằm ở dạng token sẽ chiếm 10% GDP toàn cầu, với quy mô tương đương 16.100 tỷ USD.

Đối với các mô hình HĐV mang tính chất tài trợ hay trả thưởng đã phát triển ở nhiều quốc gia. Trong năm 2022, các nền tảng quyên góp tiền trực tuyến ở Anh huy động được hơn 3 tỷ bảng Anh; ở Mỹ là hơn 30 tỷ USD, trong đó hơn 10 tỷ USD là cho các chiến dịch quyên góp; tại Trung Quốc là hơn 7 tỷ USD cho hình thức nhận thưởng.

Phản ứng của các cơ quan quản lý các quốc gia trên thế giới

Internet phát triển ngày càng là môi trường thuận lợi cho các hành vi gian lận, lừa đảo, phổ biến là các hình thức lừa đảo HĐV. Số lượng rất lớn các hành vi lừa đảo trong nước và xuyên biên giới đặt ra thách thức đối với cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và NĐT. Nhưng không vì thế mà các quốc gia đi theo hướng ngăn cản các hoạt động số hóa bởi chuyển đổi số là quá trình tất nhiên trong sự vận động của nền kinh tế số.

Về mục tiêu quản lý: Các quốc gia ban hành chính sách nhằm hài hòa bài toán về lợi ích, cơ hội của doanh nghiệp và nền kinh tế; đặt trong tương quan với các rủi ro mà các hoạt động HĐV thay thế mang lại cho NĐT, hệ thống tài chính.

Ở những nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, New Zealand, Úc... hay các nước láng giềng như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, các mô hình HĐV mang tính chất đầu tư được áp dụng triệt để nhằm giải quyết mục tiêu kép là hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; đồng thời mang lại cơ hội đầu tư cho NĐT cá nhân.

Về cách thức quản lý: Nhiều quốc gia đã áp dụng nguyên tắc nhất quán trong quản lý, đó là “cùng một nghiệp vụ, cùng một rủi ro, cùng một cách thức giám sát” (same business, same risks, same supervision). Điều này có nghĩa là trước hết phải xác định bản chất của các hình thức HĐV để có cách thức quản lý phù hợp.

Đối với các hình thức HĐV có bản chất chứng khoán (như ECF, phát hành chứng khoán mã hóa - STO, các hợp đồng hợp tác đầu tư có bản chất chứng khoán) phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật chứng khoán. Cơ sở để xem xét sản phẩm đầu tư là chứng khoán thường tham khảo định nghĩa chứng khoán tại bài kiểm tra Howey test của Hoa Kỳ.

Đối với các hình thức HĐV có bản chất như vay vốn từ các tổ chức tài chính (như P2P) thường được điều chỉnh bởi pháp luật ngân hàng.

Đối với các hình thức HĐV khác (như tài trợ, nhận thưởng, phát hành tài sản mã hóa, token tiện ích, sản phẩm đầu tư không phải là chứng khoán) được điều chỉnh theo pháp luật dân sự, pháp luật doanh nghiệp...

Về cách thức triển khai: Nhiều nước xây dựng cơ chế thử nghiệm (Sandbox) trước khi chính thức cho phép áp dụng các mô hình đổi mới tài chính như P2P, ECF hay phát hành tài sản mã hóa.

Sandbox lần đầu tiên được phát triển bởi FCA của Anh vào tháng 11/2015. Sau đó hơn 50 quốc gia, trong đó có nhiều nước châu Á như Singapore, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan… cũng đã xây dựng cơ chế này.

Xu hướng cơ quan quản lý TTCK chủ động ứng dụng công nghệ số vào hoạt động HĐV cho doanh nghiệp

Nhận thấy tiềm năng của công nghệ blockchain; nhiều ngân hàng toàn cầu đã phát hành trái phiếu thực hiện. Đánh dấu bằng thử nghiệm phát hành trái phiếu trên blockchain vào tháng 01/2017 của Tập đoàn Kho bạc Queensland (QTC), giúp việc đấu thầu trái phiếu, xem giá thầu của NĐT thực hiện trong thời gian thực, hoàn tất phân bổ đầu tư và thanh toán diễn ra ngay lập tức.

Để đổi mới thị trường tài chính, nhiều SGDCK, cơ quan quản lý TTCK đã tham gia vào quá trình phát triển các nền tảng để giúp doanh nghiệp phát hành chứng khoán số. Một số quốc gia đã có quy định cụ thể về phát hành chứng khoán số như Thụy Sĩ, Ukraine, Đức, Luxembourg... Tại Singapore, Philippines, Nhật Bản… đang trong giai đoạn thử nghiệm.

 

Ở các nước phát triển, các mô hình HĐV mang tính chất đầu tư được áp dụng triệt để nhằm giải quyết mục tiêu kép là hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; đồng thời mang lại cơ hội đầu tư cho NĐT cá nhân.

 

Huy động vốn qua nền tảng công nghệ số tại Việt Nam và một số đề xuất

Nhu cầu HĐV của DNVVN, startup là rất lớn và nhiều hình thức HĐV thay thế đã tồn tại

Các DNVVN là lực lượng quan trọng, đóng góp không nhỏ vào kinh tế đất nước nhưng lại là chủ thể gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các kênh HĐV truyền thống.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ của nhóm DNVVN chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng dư nợ của toàn ngành kinh tế. Theo khảo sát của WB, 21,8% doanh nghiệp Việt Nam cho biết rào cản lớn nhất là “tiếp cận tài chính”, cao hơn mức trung bình 11,5% của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Nhiều DNVVN, startups Việt Nam đã tìm đến các kênh HĐV thay thế (P2P, ECF, phát hành tài sản mã hóa) như là phương thức giúp các dự án, doanh nghiệp phát triển. Đối với lĩnh vực tiền mã hóa, tính đến tháng 5/2022, Việt Nam có khoảng 1.000 dự án game blockchain đang triển khai với nhiều cái tên có tiếng vang tầm thế giới. Theo báo cáo năm 2023 của Chainalysis, Việt Nam đứng thứ ba về việc chấp nhận tiền điện tử trên toàn cầu.

Tuy nhiên, thị trường HĐV thay thế mới ở giai đoạn sơ khai và Việt Nam chưa có khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động này.

Nhiều hình thức HĐV lừa đảo, biến tướng đã xuất hiện với các tên gọi như đầu tư tài chính, tiền điện tử, hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán, bất động sản… Các đối tượng thường lợi dụng sự cả tin, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dân để HĐV trái phép, sau đó chiếm đoạt tiền. Có trường hợp phát hành tài sản mã hóa qua các ứng dụng phi tập trung nhưng sau đó “biến mất”, rút “pool thanh khoản”, nhiều hình thức lừa đảo qua đầu tư tiền ảo nhưng thiếu cơ sở pháp lý để xử lý.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cảnh báo nhiều trang web, app cung cấp dịch vụ chứng khoán “trá hình” có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán khi chưa được UBCKNN cấp phép, khuyến cáo NĐT thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app này, chịu trách nhiệm về các rủi ro có thể phát sinh mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ.

Bộ Công an cũng nhiều lần cảnh báo thủ đoạn HĐV trái phép, lừa đảo như kinh doanh đa cấp; đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, tiền ảo, hợp tác đầu tư bất động sản trái phép… Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên gửi tin nhắn nhắc nhở người dân về các hình thức lừa đảo. Nhiều địa phương, UBND đã phát đi cảnh báo liên quan đến các “hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho NĐT.

Đối với lĩnh vực tiền ảo, NHNN đã ra các Thông cáo báo chí cảnh báo rủi ro của Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác tới các cá nhân, tổ chức và khẳng định đây không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành xử lý nghiêm minh nhiều vụ án lừa đảo liên quan đến HĐV, trong đó có nhiều hình thức tinh vi như lừa đảo góp vốn đầu tư, kinh doanh tài chính (đầu tư qua các sàn BO, tham gia các đợt ICO), xử lý các sai phạm đối với các nền tảng tín dụng đen…

Các mô hình HĐV thay thế đã vượt qua ranh giới của một công cụ HĐV, chính vì thế, cơ quan quản lý cần có đánh giá toàn diện, đưa ra các chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; đồng thời bảo vệ tốt hơn lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

Việt Nam có nhiều tiềm năng thích hợp cho sự phát triển của mô hình HĐV thay thế dựa trên sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, thiết bị di dộng…

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và tận dụng tiềm năng của công nghệ số, các hình thức HĐV thay thế cần thiết phải được quy định chính thức trong hệ thống pháp luật Việt Nam với tư cách là một phương thức hỗ trợ vốn cho các hoạt động đổi mới sáng tạo cho các DNVVN, Startup. Để làm được điều này, cần xác định vai trò của cơ quan chịu trách nhiệm chính; và có cơ chế thử nghiệm cho hoạt động HĐV cộng đồng nói chung, nhằm đảm bảo việc nghiên cứu một cách toàn diện và có sự chuẩn bị trước khi triển khai.

Phạm Thị Hằng Nga, Ngô Thu Trang - UBCKNN

Tạp chí Chứng khoán số 307
Tìm kiếm