Chất lượng tài sản các ngân hàng dần được cải thiện

14/01/2025 09:00
Tỷ lệ nợ cần chú ý, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng đang có xu hướng đi xuống cho thấy chất lượng tài sản sẽ dần được cải thiện trong thời gian tới.

Nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng hiện dao động quanh 2%.

 

Giảm bớt áp lực nợ xấu

Áp lực về chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại trong nước đã tăng mạnh vào năm 2023, sau sự kiện của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào cuối năm 2022. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN để giãn, hoãn nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Sang năm 2024, nợ xấu vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, buộc NHNN tiếp tục ban hành Thông tư số 06/2024/TT-NHNN để gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Anh – CFA, Chuyên gia phân tích ngành Ngân hàng của VinaCapital, nhờ các biện pháp gia hạn nợ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng chính thức toàn hệ thống (không tính các ngân hàng yếu kém) đã dao động quanh mức 2%. Đến nay, chất lượng tài sản của các ngân hàng có nhiều dấu hiệu tích cực, như tỷ lệ nợ nhóm 2 và tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Ngành khả năng cao sẽ bắt đầu giảm xuống.

Ngoài ra, một số ngân hàng đã bắt đầu ghi nhận thu nhập từ việc thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý, nguồn đóng góp vào khoảng 10% tổng lợi nhuận của Ngành trong năm 2024.

Các khoản thu từ nợ đã xử lý này được tính vào Thu nhập ngoài lãi, phần này chiếm khoảng 20% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng. Chuyên gia của VinaCapital kỳ vọng, Thu nhập ngoài lãi sẽ tăng hơn 10% trong năm nay, nhờ vào các khoản thu từ nợ đã xử lý và các nguồn khác như phí môi giới bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí tín dụng (được tính bằng chi phí dự phòng/tổng dư nợ) có thể sẽ chỉ giảm nhẹ từ 1,3% năm ngoái xuống còn 1,2% năm nay. Điều này là do tỷ lệ Dự phòng bao nợ xấu (LLR) bình quân của các ngân hàng đã giảm từ trên 150% khoảng hai năm trước xuống còn khoảng 100% hiện nay. Nếu xét mức trung vị của LLR thì mức này là khoảng 70% và một số ngân hàng có LLR thấp hơn nhiều so với mức 100%.

Trước đó, các ngân hàng đã trích lập khá nhiều dự phòng trước khi xảy ra sự kiện của SCB, sau đó đã giảm dần tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu trong các năm 2023-2024 để tiết chế chi phí dự phòng và duy trì lợi nhuận báo cáo không bị ảnh hưởng quá lớn trong bối cảnh khó khăn. Các ngân hàng sẽ cần bắt đầu bồi đắp LLR trở lại. Do đó, VinaCapital không kỳ vọng chi phí tín dụng giảm mạnh trong năm nay, mặc dù chất lượng tài sản dự kiến sẽ được cải thiện.

Cơ cấu cho vay dần thay đổi

Bà Nguyễn Thị Thúy Anh dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ duy trì ở mức khoảng 15% trong năm 2025. Trong đó, tăng trưởng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân vốn có biên lợi nhuận cao dự kiến sẽ tăng tốc từ khoảng 12% năm ngoái lên 15% năm nay.

Chuyên gia của VinaCapital cũng kỳ vọng, năm nay, các ngân hàng sẽ cho vay dài hạn nhiều hơn thông qua việc cho vay các dự án hạ tầng vốn có kỳ hạn dài. Việc mở rộng sang cho vay dài hạn này sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận (NIM), do ngân hàng thường thu được chênh lệch lãi suất từ việc huy động ngắn hạn và cho vay dài hạn với lãi suất cao hơn. Dù vậy, một số ngân hàng khi mở rộng cho vay dài hạn cũng sẽ cần tăng cường huy động dài hạn để đối ứng khiến ảnh hưởng đến chi phí huy động.

Theo đó, VinaCapital dự phóng, lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng 17% trong năm 2025, nhờ vào tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và NIM tăng nhẹ (tăng 6 điểm cơ bản so với năm ngoái lên 355 điểm cơ bản). Việc chất lượng tài sản tiếp tục phục hồi, cũng như những cải thiện trong cơ cấu cho vay cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của Ngành.

Cuối cùng, cho vay kinh doanh bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục dẫn dắt nhất là khi thị trường tiếp tục phục hồi, mặc dù một phần tăng trưởng này cũng chính là để tái tài trợ cho các khoản trái phiếu đến hạn mà trước đây các trái phiếu này đã được các công ty bất động sản phát hành cho các nhà đầu tư cá nhân và các nhà đầu tư khác ngoài ngân hàng.

(Nguồn: tapchitaichinh.vn)
Tìm kiếm