CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ ĐỂ THÚC ĐẨY THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

15/09/2016 09:00
Bên cạnh sự phát triển ổn định và mạnh mẽ của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng đang dần được các cơ quan quản lý và thành viên thị trường quan tâm và tạo mọi điều kiện để phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường TPDN càng cần được quan tâm nuôi dưỡng và thúc đẩy phát triển sớm để giúp doanh nghiệp huy động vốn tốt hơn. Tạp chí Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng và Tổ chức Tài chính, Bộ Tài chính xung quanh chủ đề trên.

Thưa bà, xin bà cho biết một số đánh giá khái quát về thị trường TPDN ở Việt Nam hiện nay?

Thị trường TPDN ở Việt Nam được hình thành từ năm 1994 với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 120/CP1 ngày 17/9/1994 và một số đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đến năm 2006, thị trường TPDN Việt Nam bắt đầu có sự phát triển sau khi khuôn khổ pháp lý được ban hành đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn của doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu theo 02 hình thức là phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đối với phát hành riêng lẻ thực hiện theo quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP (Nghị định 90) ngày 14/10/2011 của Chính phủ về phát hành TPDN; việc phát hành trái phiếu ra công chúng thực hiện theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn. Trên thực tế, các doanh nghiệp chủ yếu phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ, chỉ có rất ít doanh nghiệp áp dụng hình thức phát hành trái phiếu ra công chúng.

Việc hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường TPDN đã tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường và nâng cao tính chủ động cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Đặc biệt giai đoạn từ năm 2011 đến nay, thị trường TPDN đã có sự tăng trưởng so với các năm trước cả về quy mô thị trường và số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn. Cụ thể:

- Về kết quả phát hành, theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kể từ khi Nghị định 90 có hiệu lực thi hành cho đến tháng 6/2016 đã có 347 đợt đăng ký phát hành TPDN theo hình thức riêng lẻ tại thị trường trong nước với khối lượng đăng ký phát hành đạt 276.792 tỷ đồng, trong đó có 252 đợt phát hành với khối lượng phát hành thực tế đạt 185.543 tỷ đồng. Dư nợ TPDN phát hành trong nước đến thời điểm hiện tại là 144.472 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân khoảng 4,85 năm. Các nhà đầu tư mua TPDN chủ yếu nắm giữ đến ngày đáo hạn và rất ít giao dịch trên thị trường thứ cấp.

- Về đối tượng phát hành trái phiếu: Đối tượng phát hành TPDN ngày càng đa dạng gồm công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, các tổ chức tín dụng.

- Các doanh nghiệp đã ngày càng quan tâm và lựa chọn phát hành TPDN là phương thức huy động vốn bên cạnh việc vay vốn ngân hàng thương mại (NHTM). Việc huy động vốn thông qua phát hành TPDN cũng chuyên nghiệp hơn, doanh nghiệp thường phát hành trái phiếu thông qua một tổ chức tài chính trung gian, vì thế các đợt phát hành trái phiếu về cơ bản đều đạt 100% kế hoạch đề ra.

- Thị trường TPDN thu hút chủ yếu các nhà đầu tư có tổ chức và có sự tham gia của các tổ chức đầu tư nước ngoài.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song nhìn về tổng thể, quy mô của thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn nhỏ so với tiềm năng của nền kinh tế và so với quy mô thị trường của các nước trong khu vực. Tính đến thời điểm tháng 6/2016, dư nợ của thị trường TPDN tương đương 3,5% GDP (thấp hơn nhiều so với mức bình quân gần 22% GDP của các nước trong khu vực), trong đó 99% TPDN phát hành theo hình thức riêng lẻ. Tính thanh khoản của thị trường còn hạn chế, nhà đầu tư chủ yếu là NHTM nên thị trường TPDN còn phụ thuộc vào cầu đầu tư của các NHTM. Trong thời gian tới, để phát triển và hoàn thiện thị trường TPDN nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: (i) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; (ii) Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu; (iii) Phát triển và mở rộng cơ sở nhà đầu tư trên thị trường; (iv) Nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Và bước đi đầu tiên là tiếp tục cải tiến và hoàn thiện khung khổ pháp lý, hiện tại Bộ Tài chính đang trong quá trình xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 90 trên cơ sở đánh giá quá trình triển khai thực hiện Nghị định này trong 5 năm qua.

Để triển khai các giải pháp phát triển thị trường TPDN, thời gian qua, Bộ Tài chính đã có những cơ chế, chính sách gì trong việc khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng như việc thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhằm tăng tính minh bạch và sức hấp dẫn cho thị trường này, thưa bà?

Để hỗ trợ thị trường TPDN phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, phát triển các định chế tài chính trung gian như tổ chức xếp hạng tín nhiệm là một trong các giải pháp để thúc đẩy cầu đầu tư trên thị trường TPDN. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm và có tâm lý e ngại khi huy động vốn trên thị trường trái phiếu; trong khi đó nhà đầu tư cũng không muốn tham gia đầu tư vào trái phiếu vì chưa có thông tin và khả năng đánh giá rủi ro. Như vậy, cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu đều mong muốn có tổ chức trung gian đánh giá khách quan, trung thực về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Vì vậy, việc hình thành tổ chức xếp hạng tín nhiệm hoạt động trên thị trường vốn, thị trường trái phiếu là yêu cầu cần thiết khi thị trường TPDN bắt đầu bước sang giai đoạn phát triển ở cấp độ cao hơn. Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP (Nghị định 88) ngày 26/9/2014 quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là điều kiện tiền đề cho việc hình thành tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Theo đó, Nghị định 88 đã quy định rõ quy trình, điều kiện để cấp phép hoạt động xếp hạng tín nhiệm, mô hình của công ty xếp hạng tín nhiệm, quy trình xếp hạng tín nhiệm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xếp hạng tín nhiệm theo thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, trong năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 17/4/2015 về quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Như vậy, khuôn khổ pháp lý quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đã được ban hành một cách đầy đủ.

Bà có thể cho biết việc xây dựng một Nghị định thay thế Nghị định 90 về phát hành TPDN với nhiều điểm mới dự kiến sẽ đem lại những kỳ vọng gì cho thị trường TPDN?

Hiện tại, Bộ Tài chính đang trong quá trình đánh giá thực hiện Nghị định 90 để trình Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 90. Mục tiêu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 90 là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu để phát triển sản xuất kinh doanh. Mục tiêu này phù hợp với chủ trương của Chính phủ nêu tại Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trên cơ sở đánh giá cụ thể quá trình triển khai Nghị định số 90 về phát hành TPDN, tại Nghị định thay thế Nghị định 90 sẽ kế thừa những quy định còn phù hợp, đồng thời bổ sung các quy định mới nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi để doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo hướng nâng cao tính công khai, minh bạch của doanh nghiệp trong quá trình huy động vốn. Theo đó, để thúc đẩy doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, điều kiện phát hành dự kiến được xem xét cho phù hợp với thực tế phát hành và đầu tư TPDN; cơ chế báo cáo, công bố thông tin (CBTT) và đăng ký, lưu ký TPDN cũng được hoàn thiện nhằm tăng cường tính công khai minh bạch của việc phát hành trái phiếu, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng như tăng thanh khoản của thị trường TPDN.

Để hạn chế các rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển hơn nữa trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần có những giải pháp gì, thưa bà?

TPDN được phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Do đó, các nhà đầu tư cần đánh giá mức độ rủi ro để quyết định đầu tư vào TPDN. Để các nhà đầu tư có đầy đủ thông tin trong việc đánh giá mức độ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 90 dự kiến sẽ quy định về cơ chế thông tin, báo cáo của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, gồm: (i) CBTT trước phát hành; (ii) CBTT sau phát hành; và (iii) CBTT định kỳ cho đến khi trái phiếu đáo hạn và vấn đề đăng ký, lưu ký TPDN. Chúng tôi hy vọng rằng các quy định mới về phát hành TPDN nêu trên sẽ được các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các nhà đầu tư cũng như các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường quan tâm, đóng góp ý kiến để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện nội dung của dự thảo Nghị định theo quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ ban hành.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thu Hương
Tìm kiếm