Chứng khoán SHS: Năm 2025, GDP Việt Nam năm 2025 hướng tới mục tiêu 6,5%

16/01/2025 13:18
GDP Việt Nam năm 2024 tăng 7,09%, bình quân đầu người đạt 4.700 USD. Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng xuất siêu giảm 14,43%. SHS dự báo, GDP năm 2025 sẽ tăng 6,5% trong bối cảnh thách thức từ tỷ giá USD/VND và lạm phát.

Việt Nam đạt GDP bình quân đầu người 4.700 USD năm 2024

Báo cáo mới nhất từ Công ty Chứng khoán SHS đã phác họa bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 với những tín hiệu hồi phục đáng khích lệ, song vẫn tồn tại nhiều thách thức. Trong đó, GDP Việt Nam năm 2024 tăng 7,09% so với 2023, trong đó quý IV tăng ấn tượng 7,55%. Các lĩnh vực đều có sự phục hồi tích cực: nông, lâm, thủy sản tăng 3,27%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%; dịch vụ tăng 7,38%. GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm trước, năng suất lao động đạt 9.182 USD/người, tăng 726 USD.

 

Nguồn: GSO, FiinProX, VBMA, SHS tổng hợp

 

Một điểm sáng là số doanh nghiệp gia nhập thị trường gấp 1,18 lần số doanh nghiệp rút lui. Đặc biệt, 76.200 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 30,4% so với 2023. PMI năm 2024 khởi sắc hơn 2023, với phần lớn thời gian duy trì trên ngưỡng 50, phản ánh điều kiện kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, tháng 12/2024, chỉ số này giảm nhẹ còn 49,8 điểm, do ảnh hưởng từ suy giảm toàn cầu, đặc biệt từ Mỹ (PMI 49,4).

CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63%, nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra (<4%). Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND mất giá khoảng 5%, buộc Việt Nam bán ra khoảng 9,35 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối, gây áp lực lên cung tiền và hệ thống ngân hàng.

 

 

Nguồn: GSO, FiinProX, VBMA, SHS tổng hợp

 

Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, chỉ đạt 77,9% kế hoạch, phần nào chịu ảnh hưởng từ sự kém ổn định của tỷ giá. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,36%, với sự tham gia của các “đại bàng” lớn như Nvidia, Intel, Synopsys, Qualcomm.

Xuất khẩu tiếp tục ghi nhận kỷ lục, với kim ngạch từ doanh nghiệp nội địa tăng 19,8% và FDI tăng 12,3%. Nhiều mặt hàng chủ lực đạt mốc lịch sử như gạo (9 triệu tấn), cà phê (5 tỷ USD), trái cây (7,14 tỷ USD). Tuy nhiên, tổng xuất siêu giảm còn 24,3 tỷ USD, giảm 14,43% so với 2023.

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chủ yếu để xử lý thanh khoản, đáng chú ý là các ngân hàng như TCB và ACB đã tăng cung tiền M3 đáng kể. Tuy nhiên, áp lực vẫn lớn khi năm 2025 dự kiến có 334.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn, trong đó bất động sản chiếm tỷ lệ lớn, gấp 2,25 lần so với 2024.

 

Kinh tế Việt Nam 2025 đối mặt áp lực lạm phát và tỷ giá

Chứng khoán SHS đã đưa ra nhận định về bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2025 với những điểm sáng tiềm năng và thách thức cần vượt qua. SHS cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP +6,5% mà Quốc hội đề ra là khả thi trong kịch bản cơ sở. Tuy nhiên, năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến áp lực trong điều hành tỷ giá, đặc biệt khi chênh lệch lãi suất USD/VND (SWAP) duy trì trạng thái âm như những năm gần đây.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến chỉ cắt giảm lãi suất thêm 2 lần trong nửa đầu năm 2025 và dừng ở mức 4%, đường cong lãi suất SOFR cũng đã có sự điều chỉnh. Từ kỳ vọng lãi suất cuối năm 2025 ở mức 2,97% hồi tháng 9/2024, thị trường đã điều chỉnh lên mức 3,92% vào cuối năm, phản ánh áp lực lạm phát dai dẳng tại Mỹ.

Việt Nam, với chính sách giữ chênh lệch SWAP USD/VND âm nhẹ, dự kiến sẽ điều hành lãi suất liên ngân hàng về quanh mức 3,8% để hỗ trợ nền kinh tế.

Năm 2024, CPI Việt Nam đạt 3,63%, vẫn dưới mục tiêu 4,5% Quốc hội giao. Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm 2025 dự kiến gia tăng do:

Tỷ giá tăng có độ trễ: Tác động của tỷ giá thường ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu đầu vào sau khoảng một năm.

Cầu tiêu dùng yếu: Tổng mức bán lẻ chưa phục hồi mạnh dù đã có chính sách giảm VAT 2%.

Những yếu tố này có thể khiến áp lực chi phí gia tăng trong năm 2025, đặc biệt khi các ngành sản xuất đối mặt với biến động chi phí đầu vào.

Kênh TPCP năm 2025 dự kiến gặp áp lực lớn với tổng nhu cầu vay của Chính phủ lên tới 500.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Trong đó, riêng Bộ Nội vụ cần 130.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách cải cách hành chính. Lượng cung TPCP tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu mua chưa có nhiều điểm sáng có thể đẩy lợi tức trái phiếu (yield) tăng nhẹ, đặc biệt ở các kỳ hạn dài như 10 và 15 năm.

 

(Nguồn: SHS)
Tìm kiếm