NĂNG LỰC TIẾP CẬN VỐN CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRÊN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU QUỐC TẾ

15/09/2016 09:00
Để các doanh nghiệp lớn của Việt Nam có đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay thông qua trái phiếu quốc tế là cả một quá trình lâu dài ở tầm vĩ mô và vi mô.

Huy động vốn qua phát hành trái phiếu quốc tế - thuận lợi và khó khăn

Thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) quốc tế là thị trường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu quốc tế và có thể hoạt động trong và ngoài nước. Trái phiếu nói chung và trái phiếu dài hạn nói riêng có thể được coi là “thước đo” thái độ người tiêu dùng đối với doanh nghiệp phát hành. Số liệu thống kê cho thấy năm 2013, tổng TPDN kỳ hạn siêu dài (100 năm) trên thế giới đạt 56,5 tỷ USD. Đến năm 2014, khối lượng trái phiếu đáo hạn toàn cầu trong 50 năm qua là 33,5 tỷ USD. Các công ty toàn cầu như Coca Cola, Walt Disney đã phát hành TPDN kỳ hạn 100 năm trong giai đoạn 1990 - 2000 với lãi suất 7 - 8%/năm cho các nhà đầu tư tổ chức lớn (như công ty bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí). Các loại trái phiếu này thường có điều khoản cho phép tổ chức phát hành hoàn trả một phần hay toàn bộ trước khi đáo hạn.

Ngay từ những năm 2009 - 2010, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại Việt Nam đã tiếp cận các tổ chức xếp hạng tín dụng để từng bước gia nhập thị trường trái phiếu (TTTP) quốc tế và đáp ứng nhu cầu huy động vốn từ phát hành trái phiếu trong nước. Trong giai đoạn 2009 - 2014, một số doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế, trong đó có 5 doanh nghiệp nổi bật như Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Công ty cổ phần (CTCP) Hoàng Anh Gia Lai; Tập đoàn Masan. Trong đó, có thể kể đến thành công của Vietinbank khi huy động thành công 250 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu quốc tế với hình thức là trái phiếu không chuyển đổi. Việc Vietinbank phát hành thành công trái phiếu quốc tế cho thấy các NHTM Việt Nam có thể tiếp cận được tới một kênh huy động vốn mới thông qua vay vốn quốc tế và cũng là một tín hiệu đáng mừng về sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với khối doanh nghiệp, ngân hàng trong nước.

Trong giai đoạn tới, khả năng phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam vừa có những thuận lợi nhưng cũng còn khó khăn. Những khó khăn có thể kể đến đối với việc huy động vốn quốc tế như vay thương mại tăng lên khi Việt Nam thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình, phát hành trái phiếu có chi phí lớn; quy mô các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ… Bên cạnh đó còn có nhiều rào cản khác như: doanh nghiệp nhà nước (DNNN) “ngại” phát hành trái phiếu vì ngại minh bạch thông tin; Thiếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức bảo lãnh phát hành; Nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lo ngại về chuẩn mực kế toán - kiểm toán và báo cáo tài chính hạn chế... Đối với vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) thì rào cản là tham nhũng, hài hòa các thủ tục giải ngân, khả năng hấp thụ vốn thấp. Ngoài ra, chính sách về kiều hối có nhiều ưu đãi như không chịu thuế thu nhập cá nhân, không hạn chế số tiền gửi về nước, cho phép người nước ngoài mua nhà… cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến việc phát hành trái phiếu quốc tế gặp khó khăn.

Cùng với những khó khăn nêu trên, việc huy động vốn quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức, cụ thể như sau:

- Tư duy chậm đổi mới - đây có lẽ là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi vẫn còn không ít DNNN tư duy theo kiểu “bám” vào cơ chế xin - cho, trong khi đối với doanh nghiệp tư nhân là tư duy ngắn hạn, thiếu chiến lược, thiếu hợp tác, đó là chưa kể sự thiếu hiểu biết, cập nhật về các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP);

- Thanh khoản trên TTTP chính phủ chưa cao, thấp hơn các nước mới nổi ở châu Á;

- Thanh khoản kém do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư hiện đại, thiếu các yếu tố cần thiết để thị trường TPDN phát triển như hệ thống nhà tạo lập thị trường chuyên nghiệp, hệ thống thông tin tín dụng vững mạnh, hệ thống cơ sở nhà đầu tư đa dạng;

- Thiếu hệ thống mua bán, phân phối, thanh toán bù trừ riêng biệt cho giao dịch TPDN;

- Việc mua và nắm giữ trái phiếu, cả TPCP và TPDN chủ yếu là các NHTM trong nước, việc mở rộng sang khu vực phi ngân hàng và bán lẻ là rất ít;

- Hạn chế của thị trường repo1 trái phiếu;

- Thiếu các công ty xếp hạng tín nhiệm dù Việt Nam đã xây dựng Trung tâm Thông tin tín dụng (Private Credit Bureau);

- Thiếu khả năng thực hiện và tự chịu trách nhiệm; Việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán chưa thực sự đầy đủ…;

- Hàng năm chỉ có một hạn mức vay nợ nước ngoài nhất định dành cho khối doanh nghiệp. NHNN sẽ căn cứ vào đó để cân đối với nhu cầu vay thực tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải chứng minh được rằng họ có dự án khả thi, có tình hình tài chính lành mạnh, được nhiều công ty kiểm toán quốc tế độc lập, các công ty luật nước ngoài nghiên cứu kỹ càng từ quản trị doanh nghiệp, tổ chức công ty, tuân thủ pháp luật… Trong đó, điểm khó nhất là tài sản thế chấp. Theo quy định hiện hành, việc dùng quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp sẽ không có ý nghĩa nếu dự án có vấn đề, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán khoản nợ, vì chủ nợ nước ngoài không thể siết nợ bằng cách tịch biên và phát mãi tài sản. Do đó, đa số các loại trái phiếu quốc tế không có tài sản đảm bảo và các doanh nghiệp thường phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn và không ít những thách thức kể trên, nhưng việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội, đó là:

- Nhiều văn bản, đạo luật, thể chế, môi trường đầu tư có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2015 như thuế bảo vệ môi trường; 8 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các đối tác kinh tế lớn như Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga – Belarus - Kazakhstan, Việt Nam - Hàn Quốc…;

- Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập từ năm 2015, là 1 thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, lưu chuyển tự do hàng hóa - dịch vụ, đầu tư;

- Năm 2014, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đưa Việt Nam từ B2 lên B1, Fitch nâng từ B+ lên BB-. Điều này đã góp phần giảm chi phí phát hành trái phiếu quốc tế;

- Tăng trưởng kinh tế ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát;

- Thanh khoản trên TTTP dồi dào;

- Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc hơn so với những năm trước đây;

- Năm 2014, Việt Nam xếp thứ 68/144 quốc gia về năng lực cạnh tranh (về công nghệ thông tin: xếp thứ 99; sáng tạo: xếp thứ 98; độ tinh tế trong kinh doanh xếp thứ 106/144 quốc gia).

Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam dần nhận thức được vai trò quan trọng và sự cần thiết của TTTP quốc tế, biết tham khảo, học hỏi và tận dụng kinh nghiệm của một số doanh nghiệp hàng đầu khi phát hành trái phiếu quốc tế. Đặc biệt, sự quan tâm và chỉ đạo của các cơ quan nhà nước hữu quan ngày càng gia tăng, cùng với đó là hệ thống khung pháp lý ngày càng thoáng và sát với thông lệ quốc tế hơn.

Gợi ý một số giải pháp đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế

Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế

Việc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế là cả một quá trình khó khăn và phức tạp. Nếu thực hiện thành công thì uy tín của doanh nghiệp sẽ được nâng lên rất cao, do đó có thể tiếp tục vay nợ trong các đợt vay sau nếu có dự án khả thi. Hàng năm, cả nước chỉ có một hạn mức vay nợ nước ngoài nhất định dành cho khối doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ căn cứ vào đó để cân đối với nhu cầu vay thực tế. Vì vậy, để thành công trong hoạt động này, các doanh nghiệp cần chú ý hơn vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tổ chức phát hành phải là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu đủ lớn, điều quan trọng là tính trung thực của ban điều hành và thực hiện quản trị công ty tốt. Đây chính là vấn đề mà các nhà ĐTNN rất quan tâm chứ không phải là tài sản đảm bảo tiền vay.

Thứ hai, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực lập và thẩm định dự án đầu tư và kế hoạch kinh doanh để đem lại kết quả kinh doanh khả quan, từ đó đạt độ xếp hạng tín nhiệm cao. Việc hợp tác với các công ty thẩm định giá, công ty kiểm toán, công ty luật, NHTM, công ty chứng khoán… là cần thiết trong các dự án vay vốn nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp cần có sự lựa chọn các đối tác phù hợp và có uy tín quốc tế, trong đó có các tổ chức nước ngoài để có thể xây dựng được các dự án đầu tư tốt.

Thứ ba, cần nâng cao năng lực quản trị tài chính trong toàn hệ thống của doanh nghiệp thông qua quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp thành công, qua đó quản trị được dòng tiền vay theo dự án. Cần áp dụng các tiêu chuẩn ISO, hệ thống thông tin quản lý (MIS), các chỉ số KPI2 trong nghiệp vụ… Nhà ĐTNN tham gia đầu tư vào trái phiếu đa số là các nhà đầu tư có tổ chức như các quỹ đầu tư, ngân hàng đầu tư… và họ chủ yếu đầu tư dài hạn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung cải thiện tình hình quản trị nói chung và quản trị tài chính nói riêng theo thông lệ quốc tế. Để làm được điều này, cần có sự tư vấn của các tổ chức có uy tín, kể cả tổ chức nước ngoài để có thể đạt được các tiêu chuẩn chung.

Thứ tư, cần phối hợp với các nhà bảo lãnh tiếp cận thị trường vốn quốc tế thông qua tổ chức các buổi “roadshow” theo kế hoạch, khảo sát, gặp gơ các nhà đầu tư quốc tế tại thị trường vốn châu Âu, châu Á, châu Mỹ; chuẩn bị tốt các báo cáo về tình hình và triển vọng Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Do đó, các doanh nghiệp cần liên hệ và lựa chọn các tổ chức bảo lãnh để họ đảm nhiệm các hoạt động nghiệp vụ ở thị trường nước ngoài.

Thứ năm, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin cho đối tác nước ngoài nhằm giúp họ hiểu biết hơn về nền kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Cần đầu tư lập các bản cáo bạch thị trường thật chi tiết, cụ thể, đầy đủ theo quy định của các quy chế quốc tế ở từng loại thị trường vốn quốc tế, ví dụ quy chế 144A ở thị trường Mỹ. Kinh nghiệm của Vietinbank cho thấy, họ đã lập bản cáo bạch thị trường bằng cả hai thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Anh dài gần 300 trang. Ngoài ra, các tổ chức lớn còn soạn thảo bản cáo bạch với độ dài lên đến 1.000 trang tiếng Anh. Vì vậy, thường là các doanh nghiệp lớn mới có thể sử dụng công cụ huy động vốn này.

Thứ sáu, doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn kinh phí tương đối lớn để thực hiện chào bán trái phiếu. Khoản tiền này được sử dụng để thuê các công ty xếp hạng tín nhiệm (CRA), công ty kiểm toán, công ty kế toán, các đại lý thanh toán - bảo lãnh…; các chi phí in ấn, tổ chức “roadshow” quốc tế ở các thị trường có uy tín trên thế giới.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước

Thứ nhất, cơ quan quản lý cần hỗ trợ tư pháp, hướng dẫn các thủ tục đăng ký đầu tư ở từng thị trường nước ngoài. Khung pháp lý đầy đủ là điều kiện tiên quyết, theo đó, các văn bản hướng dẫn cụ thể là rất cần thiết, bao gồm cả các cẩm nang/ hướng dẫn quy trình/văn bản/tài liệu liên quan nhằm giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng nghiên cứu và tiếp cận cách thức phát hành trái phiếu quốc tế. Công việc này có thể giao cho các Hiệp hội đảm nhiệm.

Thứ hai, nhiều nước cho phép nhà ĐTNN được sở hữu cổ phần trên quy định nhưng phần vượt quá không được hưởng quyền biểu quyết (ví dụ như Malaysia, Thái Lan, Brazil…đã thực hiện). Các loại trái phiếu quốc tế đa số là trái phiếu không đảm bảo và trái phiếu chuyển đổi, vì vậy thực hiện chuyển đổi trái phiếu về lâu dài có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sở hữu trong doanh nghiệp. Kinh nghiệm của các quốc gia trên là rất đáng nghiên cứu để áp dụng.

Thứ ba, sớm xây dựng hệ thống các công ty xếp hạng tín nhiệm. Hiện nay Việt Nam đã có Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Hiện có CTCP Đầu tư PCB được thành lập vào tháng 7/2010, đây là công ty tư nhân đầu tiên cung cấp dịch vụ xếp hạng (rating) với sự đóng góp của hơn 20 ngân hàng cung cấp thông tin, 11 ngân hàng Việt Nam góp vốn là 50 tỷ đồng, hướng tới cung cấp thông tin tín dụng tư nhân tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Trung tâm Khoa học Thẩm định Tín nhiệm Doanh nghiệp (CRC) hiện cũng đang hoạt động ở Việt Nam. Công ty Xếp hạng và Cung cấp thông tin tín nhiệm Việt Nam (C&R) là nhà cung cấp thông tin tín nhiệm thông qua việc cung cấp các báo cáo về doanh nghiệp, chưa hoạt động theo chức năng của một tổ chức đánh giá tín nhiệm thực sự.

Các tổ chức trên hiện nay vẫn gặp một số những khó khăn như: Chưa đạt được tính hợp pháp của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; Chưa đạt được tính công bằng do chưa giảm quyền sở hữu cá nhân của các tổ chức này; Chưa đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; Chưa có thời gian để xây dựng uy tín và duy trì vị thế…Hiện nay, việc xây dựng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm được giao cho Bộ Tài chính và đây là điều kiện cần để xây dựng TTTP nói chung, thị trường TPDN và TPDN quốc tế nói riêng cho Việt Nam trong thời gian tới. 

Thứ tư, cần phát triển các sản phẩm mới: cần triển khai thực hiện chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), giống như cổ phiếu thường song không có quyền biểu quyết hay tham gia các quyết định của công ty. Ngoài ra, việc soạn thảo và ban hành khung repo chuẩn trên thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán giúp cho lưu chuyển vốn linh hoạt hơn.

Thứ năm, cần quan tâm xây dựng bộ quy tắc ứng xử thị trường, có thể do Hiệp hội TTTP xây dựng mang tính chuẩn mực để hướng dẫn các doanh nghiệp thực thi. TTTP quốc tế rất chuẩn mực, phức tạp, khắt khe, đòi hỏi những kiến thức, nhận thức thích hợp để có thể ứng xử phù hợp với từng thị trường. Ngoài ra, việc xây dựng và ban hành một bộ tài liệu giới thiệu về đặc điểm/tính pháp lý/hồ sơ cần thiết của từng loại thị trường quốc tế cho cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam cũng là điều cần thiết trong giai đoạn này.

PGS.TS. LÊ HOÀNG NGA, THS. NGUYỄN HUY QUANG
Tìm kiếm