Những thành công
Thị trường TPDN tại Malaysia
Cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, thị trường TPDN hầu như chưa hình thành ở Malaysia. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990 đến nay, nhờ nỗ lực của Chính phủ cũng như những thành phần tham gia thị trường cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thị trường TPDN Malaysia đã có những bước tiến đáng kể. Thanh khoản dồi dào, lãi suất phù hợp là những yếu tố kích thích thị trường trái phiếu (TTTP) phát triển, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận được những nguồn vốn từ các quỹ với chi phí cạnh tranh. Từ năm 2000 trở lại đây, giá trị phát hành TPDN đã vượt qua cả giá trị phát hành của trái phiếu chính phủ (TPCP) của nước này. So với một số quốc gia châu Á khác, tỷ lệ giá trị phát hành TPDN của Malaysia ở mức khá cao. Cụ thể, tính đến hết quý I/2015, giá trị phát hành TPDN của Malaysia chiếm tới 57% tổng giá trị phát hành trái phiếu (TPCP chiếm 43% còn lại), đứng thứ 3 sau Hồng Kông (80%) và Hàn Quốc (69%).
Thị trường TPDN Trung Quốc
Trung Quốc bắt đầu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp địa phương vào năm 1982 và trái phiếu ngắn hạn của các doanh nghiệp nhà nước vào năm 1986. Đến năm 1996, TPDN Trung Quốc được đánh giá là có tính thanh khoản thấp, số lượng TPDN niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) Thượng Hải và Thẩm Quyến còn ít và không được giao dịch thường xuyên. Bằng nhiều biện pháp, Trung Quốc đã tiến hành những cải cách nhằm vực dậy thị trường TPDN như: định giá TPDN căn cứ vào TPCP, nâng cao tính thanh khoản của trái phiếu, xây dựng các tổ chức định mức tín nhiệm, quy định các doanh nghiệp muốn niêm yết trái phiếu trên SGDCK phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định (như doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 1 tỷ Nhân dân tệ (NDT) trở lên thì phải có định mức tín nhiệm AAA). Nhờ vậy số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường tăng đáng kể, chất lượng trái phiếu cũng được nâng cao, TPDN phát hành không chỉ niêm yết tại SGDCK mà còn được giao dịch trên cả thị trường phi tập trung (OTC). Hiện nay, tỷ lệ dư nợ TPDN Trung Quốc chiếm 35% thị trường, tương đương 19% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong quý III/2015, TPDN đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 4,7% so với quý trước và 14,9% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 12,9 nghìn tỷ NDT. Các loại TPDN có sự tăng trưởng mạnh mẽ là các trái phiếu được phát hành từ các ngân hàng và công ty bảo hiểm (6,4%) và thương phiếu1 (13%).
Thị trường TPDN Nhật Bản
Vào những giai đoạn trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản coi việc phát hành trái phiếu chuyển đổi ra nước ngoài là một kênh huy động vốn hấp dẫn, tuy nhiên sau đó do việc nới lỏng các quy định về phát hành trái phiếu chuyển đổi cùng với xu thế giảm lãi suất trên thị trường trong nước, các doanh nghiệp Nhật Bản lại chuyển sang phát hành trái phiếu chuyển đổi trên thị trường nội địa. Những năm 90 của thế kỷ trước, lãi suất ngân hàng ở Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp khiến cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức rút vốn khỏi ngân hàng và đầu tư vào TTTP. Hầu hết các đợt phát hành TPDN đều có lãi suất cố định với thời hạn 3 - 5 năm, hoặc một số doanh nghiệp lớn kéo dài thời hạn trái phiếu lên đến 10 - 20 năm. Tổng giá trị TPDN đã phát hành trên TTTP Nhật Bản đạt 6,95 nghìn tỷ Yên vào năm 1995 và tăng lên 10 nghìn tỷ Yên vào năm 1996. Khối lượng TPDN lưu hành trên thị trường Nhật Bản tăng lên đáng kể ở mức 773,97 tỷ đô la Mỹ (USD) vào năm 2007.
Thị trường TPDN
Mỹ Thị trường TPDN là thị trường chiếm vị trí lớn nhất trên TTTP tại Mỹ về cả số lượng và giá trị trái phiếu phát hành. Đây cũng là một trong những thị trường TPDN lớn nhất thế giới. Đa số các doanh nghiệp tại Mỹ đều dùng hình thức phát hành TPDN để huy động vốn, chủ yếu là các trái phiếu có thời gian đáo hạn từ 2 đến 50 năm. Thị trường TPDN Mỹ có một khu vực đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nước ngoài phát hành và giao dịch trái phiếu tại Mỹ bằng đồng USD gọi là TTTP Yankee2. Trái phiếu Yankee có các đặc điểm tương tự như TPDN trong nước và chỉ khác về tổ chức phát hành và thuế. Trái phiếu Yankee có thể mang lại lợi ích cho cả nhà phát hành và nhà đầu tư, đó là:
Thứ nhất, khả năng huy động được nguồn tài chính với chi phí rẻ do lãi suất trái phiếu ở Mỹ thấp hơn so với ở nước khác.
Thứ hai, quy mô TTTP Mỹ và sự năng động của các nhà đầu tư tại đây là những lợi thế cho doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là cho những đợt chào bán TPDN với số lượng lớn. Mặc dù các quy định của Mỹ ban đầu có thể gây khó khăn các nhà phát hành nước ngoài trong quy trình xem xét, chứng nhận cho đợt phát hành trái phiếu, nhưng các điều kiện cho vay có vẻ “dễ” hơn, cho phép các tổ chức phát hành linh hoạt hơn trong các điều khoản chào bán.
Thứ ba, các nhà đầu tư Mỹ luôn luôn được thỏa mãn nhu cầu với một số lượng trái phiếu dồi dào trên thị trường.
Thứ tư, làm đa dạng hóa danh mục đầu tư có quy mô quốc tế, giảm bớt rủi ro liên quan đến tỷ giá.
Hoàn thiện khung pháp lý nhằm phát triển thị trường TPDN
Malaysia: xây dựng khung chính sách phù hợp và hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, cùng với tầm nhìn chiến lược, tình hình chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định là những nền tảng vững chắc để Malaysia phát triển TTTP. Ban đầu, Malaysia đã tập trung xây dựng các Luật và hệ thống các văn bản hướng dẫn dưới Luật về TTTP. Khung khổ pháp lý theo kịp với sự phát triển của thị trường, thể hiện ở việc ban hành các hướng dẫn về chào bán chứng khoán nợ có tài sản đảm bảo (offering of asset-backed debt securities), về chào bán chứng khoán Hồi giáo (offering of Islamic Securities)… đã tạo điều kiện trong việc đăng ký, phát hành cũng như tạo ra những sản phẩm tài sản mới cho thị trường.
Trung Quốc: Kể từ khi Quy chế tạm thời về việc phát hành TPDN được ban hành năm 1987, việc phát hành TPDN được quản lý thống nhất, do vậy số lượng trái phiếu phát hành ngày càng tăng. Việc phát hành TPDN ở Trung Quốc được kiểm soát chặt chẽ hơn sau khi nước này ban hành “Các quy định hành chính đối với TPDN” vào năm 1993.
Hàn Quốc: Chính phủ nước này nhận thấy nhu cầu phải phát triển thị trường TPDN bởi thị trường này đóng vai trò lớn trong việc huy động vốn trong nước. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật khuyến khích thị trường vốn năm 1968 nhằm hỗ trợ phát triển TTTP cũng như áp dụng nhiều biện pháp để tạo môi trường thuận lợi cho việc phát hành TPDN. Đáng chú ý nhất là hệ thống đảm bảo cho TPDN và một số cải cách về hệ thống thuế. Cùng với việc thành lập Hệ thống tín thác đầu tư chứng khoán và hệ thống bảo lãnh phát hành, thị trường TPDN Hàn Quốc bắt đầu được hình thành.
Chú trọng xếp hạng tín nhiệm
Malaysia: Có 2 tổ chức về đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp được thành lập vào các năm 1990 và 1995 để độc lập đưa ra những ý kiến về những rủi ro của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đồng thời phổ biến thông tin cho các nhà đầu tư và những người quan tâm tới TPDN trong thời gian ngắn nhất. Một Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp công nghiệp được thành lập để làm việc, trao đổi với các cơ quan quản lý nhằm thúc thẩy thị trường phát triển. Trước năm 2000, các TPDN được phát hành ở Malaysia đều phải được xếp hạng ít nhất là BBB, một mặt làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư và cũng là cơ hội gián tiếp để các công ty xếp hạng tín nhiệm của nước này phát triển. Mặc dù, quy định này sau đó được gơ bỏ, nhưng hồ sơ tín dụng của các doanh nghiệp đa số vẫn đạt mức tín nhiệm A trở lên và chỉ khoảng 5% xếp hạng từ BBB trở xuống. Do các nhà đầu tư có nhu cầu lớn, doanh nghiệp có mức xếp hạng tín nhiệm cao luôn có chỗ đứng trong thị trường TPDN với lợi thế cạnh tranh thấy rõ. Kinh nghiệm cho thấy việc xếp hạng tín nhiệm làm các nhà đầu tư dễ chấp nhận TPDN hơn, đặc biệt là đối với các khoản đầu tư có lợi nhuận đảm bảo, cho phép cả nhà đầu tư và nhà phát hành đều có lợi.
Hàn Quốc: Hệ thống định mức tín nhiệm được hình thành theo quy chuẩn và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển thị trường TPDN Hàn Quốc. Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC3) đưa ra những kế hoạch để cải thiện năng lực cạnh tranh của các tổ chức đầu tư tài chính, cải thiện chức năng tài chính doanh nghiệp của các công ty môi giới, mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán và giảm thiểu các quy định nghiêm ngặt để đa dạng hóa một số dịch vụ tài chính. Một trong những kế hoạch đó là việc FSC cho phép doanh nghiệp với tổng tài sản có giá trị dưới 2 nghìn tỷ Won có thể phát hành chứng khoán riêng lẻ và sửa đổi các quy định cho phép các công ty chứng khoán tham gia vào các hoạt động môi giới như mua bán trái phiếu ngắn hạn.
Nhật Bản: Hệ thống định mức tín nhiệm TPDN ở Nhật Bản chính thức ra đời vào năm 1977, ngoài những tổ chức định mức tín nhiệm lớn của nước ngoài thì nhiều tổ chức định mức tín nhiệm lớn ở Nhật Bản đã được thành lập nhưng chỉ có một số ít là tổ chức định mức tín nhiệm độc lập.
Đơn giản hóa quy trình và đa dạng hóa sản phẩm
Malaysia: Để đơn giản hóa quá trình phát hành TPDN, Ủy ban Chứng khoán Malaysia đã ban hành bản Hướng dẫn chào bán chứng khoán nợ của doanh nghiệp, áp dụng từ tháng 7/2000 và điều này đã góp phần quan trọng làm tăng hiệu quả của quá trình phát hành. Trước đó, vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, thủ tục xin phát hành TPDN mất khoảng 9 - 12 tháng, làm lãng phí thời gian và mất đi cơ hội của doanh nghiệp tham gia vào TTTP. Sau khi bản Hướng dẫn ra đời, thời gian xử lý hồ sơ rút ngắn xuống còn 14 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ. Bên cạnh đó, Chương trình về thời gian sử dụng đăng ký phát hành được áp dụng cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể linh hoạt về thời điểm phát hành. Chương trình này cho phép doanh nghiệp phát hành nhiều đợt trái phiếu trong vòng 2 năm chỉ với 1 lần chấp nhận hồ sơ, với những tiêu chí nhất định. Sự tự do hóa trong quy trình phát hành đã thu hút nhiều doanh nghiệp và các quỹ đầu tư tham gia vào thị trường TPDN của nước này.
Trung Quốc: Các hướng dẫn mới giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc nộp hồ sơ vay bằng ngoại tệ và phát hành trái phiếu bằng đồng NDT. Trước đó, quá trình này đòi hỏi phải có sự chấp thuận của các cơ quan cấp trên, trong khi quy định mới chỉ yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Áp dụng công nghệ hiện đại thúc đẩy minh bạch thông tin, tăng cường hợp tác
Malaysia: Áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin rất sớm nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của TTTP như sử dụng hệ thống đấu thầu tự động, cập nhật thông tin về trái phiếu để tạo điều kiện cho giao dịch nhanh chóng và góp phần thúc đẩy minh bạch thông tin. Malaysia còn chú trọng hợp tác trong khu vực, đặc biệt là ở Đông Á, đã mang lại nhiều nguồn lợi cho TTTP nước này. Các nước trong khu vực hợp tác với nhau trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chuyên môn để có thể phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng. Các diễn đàn trong khu vực đi đầu trong phát triển tài chính của khu vực là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cộng 3 (ASEAN+3) và Hội nghị cấp cao Đông Á - Thái Bình Dương (EMEAP), đã tập trung vào các khía cạnh khác nhau để rút ra kinh nghiệm phát triển TTTP ở mỗi quốc gia.
Hàn Quốc: Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ năm 1997, Chính phủ Hàn Quốc đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát triển TTTP và đề ra những giải pháp tích cực để vực dậy TTTP nói chung và thị trường TPDN nói riêng như: (i) Quy trình phát hành trái phiếu cũng được thay đổi theo hướng tăng tính minh bạch cho toàn thị trường; (ii) Cơ chế phát hành theo tỷ giá định trước được thay bằng xác định giá theo cung cầu thị trường, hệ thống đấu giá điện tử được thiết lập nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho TTTP. Với những giải pháp tích cực và mang tính đột phá như trên, thị trường TPDN Hàn Quốc đã có nhiều chuyển biến rất rõ nét và TPDN trở thành một trong những công cụ huy động vốn trung, dài hạn quan trọng và hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Thị trường TPDN phát triển có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường vốn, đồng thời làm giảm sức ép vốn đối với hệ thống ngân hàng. Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong năm 2015, có 42.769 tỷ đồng TPDN được phát hành, giảm 11% so với năm trước. Tổng giá trị TPDN theo giá trị thị trường đến cuối năm 2015 đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 9,38% so với cuối năm 2014. Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, giá trị TPDN chỉ có mức tăng không đáng kể từ 3,25% GDP năm 2014 lên 3,39% GDP năm 2015 và 3,5% GDP tính đến tháng 6/2016. Giá trị giao dịch TPDN tại SGDCK trong giai đoạn 2010 - 2015 chỉ tăng khoảng 54,6% từ 3.137 tỷ đồng lên 4.850 tỷ đồng. Về cơ bản, thị trường TPDN ở Việt Nam hiện nay còn khá sơ khai, trái phiếu khó giao dịch mua bán cũng như chưa có cơ sở xác định lãi suất khi phát hành. Ngoài ra, độ an toàn của TPDN khó xác định do thiếu tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, còn tiềm ẩn những rủi ro về thanh khoản, về giảm giá trị hay doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn. Qua nghiên cứu kinh nghiệm phát triển thị trường TPDN ở một số nước, có thể rút ra một số bài học cho thị trường Việt Nam như sau:
Một là, xác định rõ tầm quan trọng của thị trường TPDN sẽ giúp tránh được những rủi ro về kỳ hạn, giảm chi phí sử dụng vốn, giúp thị trường vốn cân đối với thị trường tiền tệ, giảm chi phí giao dịch… và gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Hai là, hoàn thiện khung pháp lý để giảm bớt thủ tục pháp lý đối với doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư, phát triển các đơn vị xếp hạng tín nhiệm để đánh giá chính xác, khách quan những rủi ro của TPDN nhằm xác định các mức lãi suất hợp lý tương ứng với mức độ rủi ro của TPDN.
Ba là, nghiên cứu cơ sở, tiêu chí xác định lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường TPDN, do vậy cần để lãi suất phản ảnh đúng quy luật thị trường, hạn chế những quy định hành chính áp đặt mà thông qua quan hệ cung cầu, đấu giá công khai.
Bốn là, minh bạch hóa hệ thống thông tin và công bố thông tin để tạo sự đảm bảo cho doanh nghiệp, tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư đối với TPDN.
Năm là, nghiên cứu phát triển các sản phẩm trái phiếu để tạo nguồn sản phẩm đa dạng cho thị trường, thu hút các nhà phát hành cũng như các nhà đầu tư.