Năm nay, 12 đội đến từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã đại diện cho Việt Nam tham gia Cuộc thi CTF cùng với 72 đội đến từ các trường đại học trong khu vực. Các đội đều là sinh viên các trường đại học công nghệ hàng đầu như Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Đại học RMIT, Đại học FPT, Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV),...
Cuộc thi có tất cả 7 thử thách hacking, bao gồm: Xác thực danh tính, Trí tuệ nhân tạo, Điện toán đám mây, Tấn công và phòng thủ, Tri thức mối đe dọa và Xử lý sự cố, Web và Kỹ thuật dịch ngược nhị phân. Sinh viên có cơ hội thể hiện kỹ năng của mình bằng cách nghiên cứu, xác định và thực hiện các cuộc tấn công chiến lược để chiếm được nhiều cờ (flag) nhất có thể.
Quán quân cuộc thi năm nay là đội “cipis042402k” đến từ trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM, trong khi đội “404_Not_Found” đến từ Học viện Kỹ thuật mật mã có điểm số tốt nhất tại Hà Nội. Đội “cipis042402k”, cùng với đội “blackpinker” đến từ Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM nằm trong Top 10 tổng số 72 đội trong khu vực. Các đội thành tích tốt sẽ có cơ hội thực tập tại PwC kèm theo một số phần quà tặng hấp dẫn từ công ty, thể hiện cam kết của PwC trong việc nuôi dưỡng tài năng trẻ, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghệ thông tin và an ninh mạng tại Việt Nam.
Song song với Cuộc thi CTF, PwC Việt Nam cũng đã tổ chức Hội thảo An ninh mạng trong khuôn khổ sự kiện Hack A Day 2024, với sự đóng góp của các hãng công nghệ phổ biến như Fortinet, Alibaba Cloud International, Proofpoint, Cloud Ace-Google Cloud và Netpoleon-Recorded Future. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia về an ninh mạng, công nghệ thông tin và điện toán đám mây, với mục đích tăng cường nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc bảo mật danh tính số cũng như cập nhật các công nghệ và giải pháp mới trong việc đối phó với các rủi ro an ninh mạng ngày càng phức tạp.
Hội thảo đã mang đến những chia sẻ thực tiễn và nhiều giải pháp ứng dụng cao từ các chuyên gia hàng đầu, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh mạng hiện nay, từ việc xây dựng mô hình Zero-Trust tin cậy, quản trị danh tính số đến phát hiện và phòng chống rủi ro gian lận danh tính và các cuộc tấn công mạng tinh vi.
Ông Phó Đức Giang, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ An toàn bảo mật thông tin, PwC Việt Nam cho biết: “Trong thế giới số hóa ngày nay, việc bảo mật danh tính trở nên vô cùng quan trọng để giảm thiểu các rủi ro và lỗ hổng bảo mật tiềm ẩn. Thông qua sự kiện Hack A Day, chúng tôi không những thể hiện cam kết hỗ trợ các tổ chức tại Việt Nam giải quyết các thách thức an ninh mạng cấp bách mà còn thúc đẩy sự đổi mới và xây dựng một hệ sinh thái hợp tác để đẩy mạnh sự tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ nói chung và an ninh mạng tại Việt Nam nói riêng.
Hơn nữa, chúng tôi tin rằng việc tạo dựng sân chơi bổ ích cho các tài năng trẻ có dịp thực hành các kiến thức đã học là vô cùng cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Bằng cách tham gia cuộc thi, sinh viên sẽ có được những trải nghiệm quý báu, củng cố nền tảng vững chắc cho các bạn để phát triển sự nghiệp công nghệ thông tin và an ninh mạng trong tương lai".
Sự kiện Hack A Day
Hack A Day là sự kiện an ninh mạng thường niên hàng đầu của PwC Hồng Kông cùng phối hợp với các thành viên PwC trong mạng lưới tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương bao gồm Việt Nam. Sự kiện bao gồm Hội thảo An ninh mạng và Cuộc thi Capture-the-Flag giúp sinh viên hiểu rõ hơn về hệ sinh thái an ninh mạng. Chủ đề năm nay, “Bảo mật Danh tính”, tập trung vào tầm quan trọng của việc bảo mật danh tính cá nhân và số trong thế giới kết nối ngày nay.
Trong suốt 8 năm liên tiếp, Hack A Day tiếp tục là diễn đàn để nâng cao năng lực của những tài năng tương lai, củng cố nền tảng để các bạn đạt được sự nghiệp thành công trong lĩnh vực an ninh mạng. Năm nay, cuộc thi CTF mang đến cho sinh viên Việt Nam cơ hội độc đáo để tương tác với các mô hình AI và công nghệ bảo mật danh tính, thể hiện kỹ năng an ninh mạng, và cạnh tranh với trường đại học trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Song song với cuộc thi, Hội thảo An ninh mạng được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các vấn đề an ninh mạng cấp bách như xây dựng mô hình Zero-Trust tin cậy, quản trị danh tính số cũng như phát hiện và phòng chống rủi ro gian lận danh tính và các cuộc tấn công mạng tinh vi.
|