Ông Ngô Khải Hoàn – Chủ tịch HĐQT phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Khải Hoàn - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty VEAM cho biết, năm 2024, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như xung đột quân sự, bất ổn chính trị gia tăng khiến tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, dịch vụ vận tải… biến động mạnh, rất khó dự báo về khả năng và thời điểm phục hồi; thiên tai, bão, lụt gây thiệt hại cho nền kinh tế cả nước, nhiều doanh nghiệp của VEAM bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, Tổng công ty đã nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư có hiệu quả bền vững, từng bước giải quyết các vấn đề và vướng mắc còn tồn tại và đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, lợi nhuận vượt kế hoạch 16%; Sản lượng sản xuất và tiêu thụ ô tô tăng nhẹ; Thị trường và sản phẩm có dấu hiệu phục hồi; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng; Hợp tác nội bộ có nhiều giao dịch.
Đáng chú ý, trong năm 2024, đơn vị trực thuộc VEAM là Nhà máy Đúc đã có sự tăng trưởng khá cao. Đặc biệt, việc tăng sản lượng trong khi giá nguyên liệu đầu vào giảm đã giúp Nhà máy tăng mạnh lợi nhuận, vượt 32% mục tiêu đề ra. Một đơn vị trực thuộc khác là Nhà máy Ô tô VEAM cũng đã có những tín hiệu tích cực khi sản lượng xe sản xuất và tiêu thụ tăng nhẹ so với năm 2023. Nhà máy sắp ra mắt một số dòng xe tải VEAM mới trong đầu năm 2025, đồng thời đang tiếp tục phát triển các mẫu xe tải mang thương hiệu Foton. Tính chung cả năm 2024, tổng doanh thu thương mại, dịch vụ tại Văn phòng Công ty mẹ đạt khoảng 13,5 tỷ đồng. Doanh thu tài chính ước đạt 6.511,9 tỷ đồng. Với các công ty con, lợi nhuận tính chung của các công ty con năm 2024 ước đạt 439,7 tỷ đồng, bằng 79% so với năm 2023 nhưng vẫn vượt 26% kế hoạch năm. Việc lợi nhuận chung giảm song vẫn vượt kế hoạch chủ yếu đến từ lợi nhuận của đơn vị 100% vốn DISOCO, bao gồm cả lợi nhuận sản xuất và lợi nhuận được chia từ FORD Việt Nam.
Nhóm 4 công ty DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO tiếp tục là những công ty có doanh thu lớn, đóng góp khoảng 81% doanh thu sản xuất công nghiệp của VEAM.
Đối với hoạt động xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của đạt 44,6 triệu USD, tăng 9% so với năm 2023 cũng như kế hoạch năm, trong đó mảng sản phẩm phụ trợ đã có dấu hiệu phục hồi. Ngoại trừ thị trường Mỹ sụt giảm, các thị trường xuất khẩu phụ trợ chính như Trung Quốc, Đài Loan, Italia, Nhật Bản... vẫn duy trì được sự ổn định trong khi xuất khẩu vào các khu chế xuất đã tăng trở lại. Thị trường Brazil bước đầu đã có sản lượng ổn định, mang lại doanh thu khoảng 30 tỷ đồng trong năm 2024. Các đơn vị đóng góp nhiều cho giá trị xuất khẩu như FOMECO (19,9 triệu USD), SVEAM (8,5 triệu USD), DISOCO (7,4 triệu USD), FUTU1 (4,3 triệu USD), VF (2,6 triệu USD), Cơ khí Trần Hưng Đạo (1,1 triệu USD), Cơ khí Cổ Loa (0,8 triệu USD). Những kết quả này có được nhờ nhiều sản phẩm máy nông nghiệp có tín hiệu tích cực sau quãng thời gian liên tiếp sụt giảm. Sản phẩm như động cơ (tăng 6%), máy phát điện (tăng 33%), ru lô cao su (tăng 4%), máy cắt lúa (tăng 34%). Tuy nhiên, một số sản phẩm có doanh số khá thấp như hộp số, máy thổi khí, bơm nước, máy xay xát.
Mảng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tính chung đã có dấu hiệu phục hồi, trong đó phụ tùng ô tô bắt đầu có đơn hàng trở lại trong nửa cuối năm 2024. Phụ tùng xe máy (chiếm tỷ trọng 83% toàn bộ doanh thu mảng phụ trợ) và phụ tùng máy động lực cũng đều tăng so với năm 2023, trong đó phụ tùng xe máy vượt 5% mục tiêu năm 2024. Sản phẩm ô tô VEAM mặc dù đã có một số tín hiệu tích cực, tiêu thụ tăng 9% so với năm 2023 tuy nhiên chỉ đạt 22% kế hoạch.
Chủ tịch HĐQT Ngô Khải Hoàn và Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Giang cùng chủ trì phần thảo luận của Hội nghị.
Tại phần thảo luận, đại diện ba nhóm doanh nghiệp trụ cột là máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và ô tô của VEAM đã chia sẻ những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024, đồng thời đề xuất các giải pháp để khắc phục khó khăn, tồn tại trong năm 2025.
Ông Trần Đức Hưng - Giám đốc FUTU1 phát biểu tại Hội nghị.
Đại diện nhóm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Trần Đức Hưng - Giám đốc FUTU1, đơn vị hơn 20 năm là nhà cung cấp linh kiện cho Honda Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp hiện nay chịu rất nhiều sức ép từ thị trường, đối với FUTU1 sản phẩm muốn cạnh tranh thì phải cạnh tranh về giá và chất lượng, do vậy phải cải tiến đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí, bộ máy tinh gọn hiệu lực hiệu quả. Cùng với đó là yêu cầu giảm chỉ số lượng phát thải carbon trên từng sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu và tham gia chuỗi cung cứng… nhất là đối với FUTU1 với khoảng 80% sản phẩm phục vụ sản xuất xe máy,…
Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM (VM) chia sẻ tại Hội nghị.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM (VM) cho biết, năm 2024, VM gặp rất nhiều khó khăn cả trong việc sản xuất mới lẫn tiêu thụ xe tồn kho. Trong năm 2025, công tác tiêu thụ xe tồn chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn. VM phải khẩn trương nghiên cứu đề xuất các phương án khả thi để tiêu thụ toàn bộ lô xe tồn kho. Về sản xuất sản phẩm mới, VM sẽ tập trung nguồn lực phát triển các dòng xe mới bám sát kế hoạch đưa xe ra thị trường, đảm bảo tiến độ và hiệu quả về doanh thu - lợi nhuận...
Ông Lê Việt Hùng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM) phát biểu tại Hội nghị.
Đại diện khối sản xuất máy nông nghiệp, ông Lê Việt Hùng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM) cho hay, năm 2024, Công ty đã thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh đồng bộ để cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Trong đó xác định cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Ông Phạm Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Toyota phát biểu tại Hội nghị.
Đại diện khối liên doanh, ông Phạm Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Toyota cho biết năm 2025 hướng tới dấu mốc 01 triệu khách hàng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên sự cạnh tranh trên thị trường ô tô Việt Nam hiện nay rất gay gắt. Năm 2025 là năm rất thách thức với Toyota, tuy nhiên ở sản phẩm cao cấp Toyota vẫn dẫn đầu. Toyota sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường để sản xuất sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, hiện nay dòng xe điện rất được ưa chuộng, chiếm lĩnh thị phần của xe xăng. Hiện Toyota đang dẫn đầu dòng xe hybrid và đang được VEAM cũng như lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất ưu đãi cho dòng xe này.
Năm 2025, Tổng Công ty VEAM xác định nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp là mục tiêu hàng đầu. Giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu bán hàng dự kiến tăng mạnh khi Công ty mẹ xác định các mục tiêu sản xuất - tiêu thụ, kinh doanh thương mại đều ở mức cao.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đặt mục tiêu 3.758,3 tỷ đồng, bằng 112% so với năm 2024. Doanh thu đặt mục tiêu 4.735,2 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2024, trong đó sản xuất công nghiệp đạt 4.242,1 tỷ đồng, bằng 109% so với năm 2024.
Nhiệm vụ trọng tâm của VEAM là tiến hành triển khai chuyển đổi số, tăng cường tính chuyên nghiệp trong công tác quản trị. Thực hiện hiệu quả các công tác tài chính, thu hồi công nợ, đầu tư, tổ chức, nhân sự, tiền lương và hoạt động hợp tác sản xuất nội bộ.
Xây dựng phương án tổng thể để sớm giải quyết dứt điểm tiêu thụ xe tồn kho Nhà máy ô tô VEAM, xe Changan cũng như máy kéo ISEKI.
Đối với Nhà máy ô tô VEAM, tiếp tục tìm kiếm đối tác có thương hiệu để xây dựng sản phẩm chiến lược. Tập trung nguồn lực phát triển các dòng xe mới, đặc biệt là các dòng xe có tiêu chuẩn khí thải Euro 5, hướng đến sản xuất dòng xe tải điện. Đối với mảng công nghiệp hỗ trợ, tăng qui mô sản xuất hướng tới tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nghiên cứu chuyên sâu hướng tới đầu tư chuyển giao công nghệ, chuẩn bị nguồn lực tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp đường sắt.
Hoàn thiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty với mục tiêu tập trung nguồn lực phát triển ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển của VEAM. Đồng thời, xây dựng kế hoạch 5 năm giai đoạn 2026 - 2030 gắn liền với đề án tái cơ cấu VEAM để phát triển ổn định.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty VEAM trong bối cảnh khó khăn. Năm 2025, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị VEAM cần thực hiện những giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh toàn diện các mặt hoạt động và công tác theo định hướng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 mà Tổng Công ty VEAM đã xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bà Phan Thị Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Thứ hai, triển khai các giải pháp tháo gỡ, giải quyết tồn tại, vướng mắc từ những năm trước, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ các quy định của pháp luật. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại, sai sót của VEAM từ những giai đoạn trước để lại...
Thứ ba, hoàn thiện đề án tái cơ cấu Tổng Công ty VEAM với mục tiêu thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp của VEAM nhưng đang hoạt động không hiệu quả và có ngành nghề hoạt động không tập trung vào định hướng phát triển của VEAM trong tương lai, khắc phục sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp VEAM, tập trung nguồn lực vào các công ty có ngành nghề kinh doanh phù hợp với VEAM.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện công tác quyết toán cổ phần hóa của Tổng Công ty VEAM.
Thứ năm, chuẩn bị xây dựng kế hoạch 5 năm giai đoạn 2026 - 2030 gắn liền với đề án tái cơ cấu Tổng Công ty VEAM.
Thứ sáu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chủ động, tích cực thực hiện công tác nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đẩy mạnh hợp tác với các đối tác có uy tín trong và ngoài nước trên cơ sở định hướng phát triển của các đơn vị thành viên, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm mới để mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng cũng lưu ý, năm 2025 và những năm tiếp theo, với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao và phát triển các ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng nội địa hóa trong các sản phẩm, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng nhiều chủ trương, Nghị quyết của Trung ương… do đó VEAM cần nghiên cứu khả năng và năng lực sản xuất để tham gia vào các dự án, chuỗi cung ứng, thực hiện các chủ trương, Nghị quyết nêu trên… Qua đó, từng bước đưa Tổng Công ty trở lại “cánh chim đầu đàn” trong sản xuất công nghiệp cơ khí.
Phát biểu tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Phan Thị Thắng, ông Ngô Khải Hoàn khẳng định: “Ban Lãnh đạo VEAM sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, các ý kiến từ các đơn vị thành viên và ngay sau hội nghị sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất ngay những ngày đầu của năm mới nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội cổ đông, Bộ Công Thương giao”.
Ông Nguyễn Hoàng Giang – Tổng Giám đốc VEAM phát biểu tại Hội nghị.
Kết thúc Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng Giám đốc VEAM nhấn mạnh, Ban điều hành VEAM xác định nỗ lực khắc phục tồn tại hạn chế, tập thể CBCNV của VEAM sẽ nỗ lực, bứt phá để vươn lên thực hiện mục tiêu nhiệm vụ năm 2025. Ông Nguyễn Hoàng Giang cũng đề nghị các đơn vị thực hiện triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Đồng thời, VEAM mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo từ Bộ Công Thương, các Bộ ban ngành liên quan để giúp Tổng Công ty đạt được những mục tiêu đặt ra.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và kế hoạch năm 2025 của VEAM.