Cần tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập

17/09/2024 11:01
Kiểm toán độc lập giữ vai trò quyết định để một báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp đảm bảo tính trung thực và có chất lượng. BCTC không trung thực sẽ làm phát sinh những hậu quả khôn lường. Trên thực tế, khung pháp lý hiện hành cho thấy mức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán còn thấp, chưa có tính răn đe cao. Phóng viên của Tạp chí Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Toàn cầu ATA về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh

 

PV: Thưa bà, hiện nay các chế tài xử lý vi phạm của kiểm toán viên (KTV) quy định mức xử phạt cao nhất là như thế nào? Liệu có đủ sức răn đe? 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh:  Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với các thành viên tham gia cuộc kiểm toán và công ty kiểm toán (CTKT), trong đó phần lớn là các hành vi vi phạm đạo đức hành nghề kiểm toán, có thể kể đến như:
+ Mua, bán trái phiếu hoặc tài sản khác của đơn vị được kiểm toán có ảnh hưởng đến tính độc lập theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;
+ Nhận hoặc đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ đơn vị được kiểm toán ngoài khoản phí dịch vụ và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng đã giao kết;
+ Thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch tài liệu kế toán, BCTC, hồ sơ kiểm toán và báo cáo sai lệch kết quả kiểm toán;
+ Giả mạo, khai man hồ sơ kiểm toán;
Theo đó, các CTKT và KTV khi thực hiện những hành vi bị nghiêm cấm sẽ bị xử phạt vi phạm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nghiêm trọng hoặc hậu quả của hành vi vi phạm.
Vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán được điều chỉnh bởi Nghị định số 41/2018/NĐ-CP với một số đặc điểm chính như sau:

+ Thời hiệu xử phạt vi phạm là 01 năm (trong khi theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán và các lĩnh vực kinh doanh, kinh tế khác như chứng khoán, xây dựng, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa đều là 2 năm);
+ Có 2 hình thức xử phạt chính là: cảnh cáo và phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức;
+ Các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trong thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng; và Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong thời gian từ 01 tháng đến 12 tháng;
+ Riêng đối với hành vi vi phạm về báo cáo kiểm toán, mức xử phạt tối đa đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không giải trình về các nội dung ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, của đại diện chủ sở hữu đơn vị được kiểm toán.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 84/2016/NĐ-CP, những tổ chức kiểm toán/KTV có các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề kiểm toán và đã bị xử lý vi phạm hành chính trong năm hoặc bị hủy bỏ tư cách được chấp thuận kiểm toán trong thời gian chưa quá 24 tháng kể từ ngày bị hủy bỏ đều không thuộc trường hợp được xem xét, chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng;
Hiện nay, pháp luật Hình sự không có quy định trực tiếp các tội phạm trong lĩnh vực kiểm toán. Theo đó, KTV khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật kiểm toán đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thường sẽ ở vai trò liên đới hoặc giúp sức đối với một số các hành vi tội phạm như: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174)…
Với những quy định nêu trên, tôi cho rằng các hình thức xử lý vi phạm của KTV, CTKT là chưa có tính răn đe cao, cụ thể: Đối với các vi phạm nghiêm trọng, mức phạt tiền tối đa 50 triệu đối với cá nhân KTV và 100 triệu đối với các CTKT là khá thấp, đặc biệt là đối với những CTKT lớn và những KTV làm việc tại các công ty lớn, nơi mức thu nhập và lợi ích tài chính có thể rất cao. 

 

PV: Vậy bà có thể chia sẻ về mức xử phạt, xử lý vi phạm của KTV theo thông lệ quốc tế được quy định như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh: Nhìn chung, mức xử phạt hiện tại ở Việt Nam có thể chưa đủ sức răn đe so với các quốc gia khác, đặc biệt là đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, cho nhiều đối tượng và được thực hiện nhiều lần. Mức xử phạt này so với các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, châu Âu và một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc thì đang có sự chênh lệch rất lớn.
Đơn cử như tại Mỹ, các cơ quan như SEC (Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch) có thể áp dụng các hình phạt tài chính lên tới hàng triệu USD đối với các vi phạm của KTV. Hay như tại Hàn Quốc, Luật Kiểm toán các công ty cổ phần quy định mức phạt dựa trên giá trị số tiền ghi nhận tại BCTC bị chênh lệch so với thực tế gây ra bởi hành vi vi phạm chuẩn mực kế toán do cố ý hoặc sơ suất nghiêm trọng của KTV. Theo đó, các CTKT có thể sẽ bị phạt tiền đến 20% tổng giá trị chênh lệch do vi phạm nêu trên và KTV trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm có thể sẽ bị phạt đến 100% tổng giá trị thù lao nhận được cho cuộc kiểm toán liên quan.
Trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi, vụ việc vi phạm, KTV hoặc CTKT có thể bị đình chỉ trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm hoặc cấm hành nghề vĩnh viễn. Trong khi Việt Nam chỉ bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề trong thời hạn tối đa 6 tháng hoặc bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong thời hạn từ 01-12 tháng
Theo thông lệ quốc tế, việc quyết định mức phạt, hình thức xử phạt bổ sung sẽ căn cứ vào các yếu tố sau: 

+ Công ty có niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán hay không? Mức phạt, hình thức phạt đối với công ty niêm yết sẽ nặng hơn công ty cổ phần thông thường. 
+ Chi tiết và mức độ nghiêm trọng của các vi phạm. Giá trị vi phạm, hành vi vi phạm càng nghiêm trọng thì mức phạt, hình thức phạt càng nặng; 
+ Thời gian và tần suất vi phạm. Những CTKT, KTV vi phạm nhiều lần sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn; 
+ Quy mô lợi ích thu được từ các vi phạm. Thông thường, giá trị lợi ích thu được từ vi phạm càng lớn thì được xác định là mức độ nghiêm trọng càng cao. Theo đó, CTKT, KTV không chỉ phải hoàn trả những khoản lợi thu được mà còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp từ những BCTC sai lệch do hành vi vi phạm của CTKT/KTV gây nên. 
Một trong những biện pháp có tính “răn đe” cao và có thể khiến cho các CTKT, KTV, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân đã có danh tiếng, uy tín trên thị trường phải vô cùng thận trọng trước và trong quá trình thực hiện công việc và phát hành báo cáo kiểm toán chính là việc những tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt hoặc bị hủy bỏ tư cách thì sẽ không được xem xét, chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng. Tuy nhiên, thời hạn để không được xem xét đối với các đối tượng này chỉ là chưa đầy 12 tháng (cho trường hợp vi phạm bị xử phạt) hoặc tối đa là 24 tháng (cho trường hợp vi phạm bị hủy bỏ tư cách). Thời hạn này theo tôi đánh giá là ngắn và không đủ sức răn đe. Vẫn có những đối tượng sẵn sàng thực hiện “phi vụ lớn”, chấp thuận đánh đổi trong khoảng 1-2 năm rồi sau đó lại tiếp tục quay trở lại hoạt động. Những đối tượng này có thể không có khả năng thu hút những công ty niêm yết lớn, có uy tín lâu năm nhưng vẫn có thể làm “đối tác” cho những công ty quy mô nhỏ, chưa đạt hoặc “không mong muốn” đạt những chuẩn mực về công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động.
Một điều cũng cần lưu ý, đó là thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán hiện nay chỉ là 01 năm, trong khi đối với lĩnh vực kế toán và các lĩnh vực kinh doanh, kinh tế khác lại là 2 năm. Xét về bản chất, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán có thể gây ra những ảnh hưởng rất lớn, trong một thời gian dài và cho rất nhiều đối tượng. Chưa kể những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán đều phức tạp và cần có nhiều thời gian để điều tra, xem xét, phát hiện. Do vậy, việc để thời hiệu xử phạt chỉ là 01 năm càng khiến cho nhiều hành vi vi phạm bị bỏ qua và/hoặc không thể xác định để áp dụng biện pháp xử phạt phù hợp.

 

PV: Trước thực trạng đó, bà có đề xuất giải pháp gì có thể áp dụng được với Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh: Với thực tiễn quy định nêu trên, tôi có một vài đề xuất về việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán như sau:
+ Đối với mức xử phạt: cần xem xét điều chỉnh lại các mức phạt vi phạm để tăng tính răn đe. Bên cạnh việc điều chỉnh tăng giá trị phạt thì cần xác định giá trị phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm trong kiểm toán BCTC tại công ty đại chúng/ công ty niêm yết; các hành vi vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng; việc vi phạm được thực hiện nhiều lần và giá trị vi phạm lớn.
+ Cần điều chỉnh thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán thành 02 năm như các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế khác.
+ Cần kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung cho các CTKT và KTV vi phạm. Thậm chí, với những hành vi nghiêm trọng có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề /chứng chỉ hoạt động kinh doanh vĩnh viễn hoặc cấm tham gia góp vốn/ điều hành hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực kiểm toán và các lĩnh vực kinh doanh khác.
+ Kéo dài thời hạn để các CTKT/KTV vi phạm được xem xét lại tư cách kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng.
Bổ sung thêm trách nhiệm liên quan đến khắc phục thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Theo đó, ngoài việc nộp lại số lợi bất chính thu được thì CTKT, KTV còn cần chịu trách nhiệm một phần trong việc bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan hoặc chịu toàn bộ các chi phí để triển khai các công việc khắc phục hành vi vi phạm do mình gây ra, như chi phí cho việc chỉ định đơn vị khác tiến hành kiểm toán lại BCTC bị sai lệch…

 

PV: Xin cảm ơn những thông tin của bà!

Nguyễn Anh Đức
(Tạp chí Chứng khoán số 311)
Tìm kiếm