Cùng tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính, đồng chí Vũ Thị Chân Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBCKNN và Ban lãnh đạo UBCKNN, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc UBCKNN, lãnh đạo các Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam...
Năm 2024 kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, Thị trường Chứng khoán (TTCK) duy trì đà tăng trưởng bền vững
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết trong năm 2024, mặc dù tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự chủ động tích cực phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành trong triển khai nhiệm vụ, kinh tế xã hội của nước ta có nhiều điểm sáng... Tình hình kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định, thể chế tiếp tục được hoàn thiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nền kinh tế trong nước đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, dự kiến đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội của cả năm 2024; Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%); Lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, uy tín và vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng với sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô trong nước cùng với các chính sách linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ, nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ đã góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam thời gian qua.
Trong năm 2024, TTCK tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, khẳng định là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Tính đến ngày 16/12/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.263,79 điểm, tăng 11,8% so với cuối năm trước. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 227,04 điểm, giảm 1,7% so với cuối năm trước. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và quy mô niêm yết duy trì đà tăng trưởng. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 16/12/2024 đạt 7.085 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cuối năm trước, tương đương 69,3% GDP ước tính năm 2023.
TTCK phái sinh tiếp tục phát huy vai trò phân bổ vốn và phòng ngừa rủi ro. Thị trường trái phiếu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 11.542 tỷ đồng, tăng 77,1% so với bình quân năm trước. Quy mô niêm yết tiếp tục đà tăng trưởng với 466 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 2.304 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2023, tương đương 22,5% GDP ước tính năm 2023.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực thực thi pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, phát triển bền vững, phù hợp với thực tiễn và tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế, trong năm 2024, UBCKNN đã chủ động, tích cực trong việc xây dựng chiến lược, các văn bản quy phạm pháp luật. Điển hình là ngày 29/11/2024, Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 8, khóa XV; Thông tư số 68/2024/TT-BTC được Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành ngày 18/9/2024.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, năm 2024 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với Việt Nam, nhưng chúng ta đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, TTCK đã ghi nhận những kết quả ấn tượng như: Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, giá trị giao dịch trung bình đạt hơn 21 tỷ đồng/phiên, tăng 7,6% so với bình quân năm 2023; Tổng mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm trước, tương đương 69% GDP; Tổng mức huy động vốn thông qua TTCK đạt khoảng 14,5% giá trị vốn đầu tư toàn xã hội; Số lượng tài khoản nhà đầu tư tiếp tục gia tăng, đến hết tháng 11/2024, đạt hơn 9,1 triệu tài khoản, tương ứng khoảng 9% dân số, đạt mục tiêu 9 triệu tài khoản trước thời hạn 2025 và đang hướng đến con số 11 triệu tài khoản vào năm 2030 được đề ra tại Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt; Công tác giám sát và xử lý vi phạm đã được tăng cường mạnh mẽ, góp phần củng cố kỷ cương, kỷ luật thị trường, nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với TTCK Việt Nam; Các công tác khác được chú trọng triển khai và đạt được kết quả tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao nỗ lực không ngừng của UBCKNN trong việc áp dụng các biện pháp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, bảo vệ nhà đầu tư, tạo thuận lợi để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tám nhiệm vụ trọng tâm phát triển TTCK trong thời gian tới
Để tiếp tục phát triển TTCK trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế và trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu trong hệ thống tài chính quốc gia, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã đề nghị UBCKNN tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ chính sau:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành sửa đổi, bổ sung Luật chứng khoán trong Luật số 56/2024/QH15; triển khai đồng bộ các giải pháp được đề ra tại Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, quyết liệt khẩn trương sắp xếp tinh gọn bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính ... Bộ máy mới đi vào hoạt động ngay. Không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK. Quá trình triển khai đặc biệt phải chú trọng tới công tác quán triệt nâng cao nhận thức và công tác tư tưởng với đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, ủng hộ, chia sẻ, chấp hành chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp tinh gọn, nhằm nâng cao hệu quả của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức vận hành TTCK hoạt động ổn định, thông suốt, đảm bảo an ninh, an toàn; đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường giao dịch chứng khoán; sớm triển khai các dự án công nghệ thông tin khác nhằm hiện đại hóa hoạt động quản lý, giám sát TTCK.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng, phát triển TTCK theo hướng hiệu quả, hiện đại, ngày càng tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế cao nhất. Theo đó, trong thời gian tới: (i) Tập trung xây dựng các chỉ số mới, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư đầu tư vào chỉ số; (ii) Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới như trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, trái phiếu cơ sở hạ tầng; (iii) Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư thông qua việc phát triển các định chế quỹ, từng bước tăng quy mô, tiềm lực tài chính cho các công ty quản lý quỹ nhằm khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức vào TTCK.
Thứ năm, sắp xếp lại khu vực thị trường, phân bảng doanh nghiệp niêm yết phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường; nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ các-bon thứ cấp, thị trường giao dịch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ sáu, tập trung triển khai tốt công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa nghiệp vụ chứng khoán. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và thị trường hoạt động, trong đó tập trung triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, nghiên cứu xây dựng kho dữ liệu số làm chủ phần mềm, tạo đồng bộ để phục vụ điều hành hoạt động của TTTCK Việt Nam đảm bảo an toàn, thông suốt.
Thứ bảy, tăng cường công tác hợp tác quốc tế, nâng cao hình ảnh vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hướng tới nâng hạng thị trường trong năm 2025; tổ chức thành công Hội nghị Tiểu ban Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APRC) - IOSCO; tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác quốc tế như Hội đồng phân loại tài chính bền vững ASEAN, Diễn đàn các thị trường vốn ASEAN.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về đầu tư minh bạch, tuân thủ pháp luật và phòng tránh các rủi ro, hiện tượng lừa đảo trên thị trường, khuyến khích các nhà đầu tư hướng đến đầu tư dài hạn, góp phần ổn định và phát triển TTCK bền vững.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đã thay mặt UBCKNN tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đối với ngành chứng khoán. Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương tin tưởng với tinh thần đoàn kết và nỗ lực hết mình, UBCKNN quyết tâm vượt qua thách thức và cam kết hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, duy trì sự phát triển ổn định, bền vững của TTCK, góp phần cùng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong năm 2025./.
Khánh Hạ.