CẦN CÓ CƠ CHẾ ƯU ĐÃI VỀ THUẾ ĐỐI VỚI QUỸ ĐẦU TƯ

15/03/2014 09:43

     C ó thể nói đầu tư thông qua quỹ đầu tư chứng khoán hoàn toàn khác với đầu tư vào doanh nghiệp dịch vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), thể hiện ở 3 khía cạnh chính sau: i) Quỹ đầu tư không phải là pháp nhân như doanh nghiệp SXKD; ii) Đầu tư vào Quỹ là sự ủy thác để rồi sau đó công ty quản lý quỹ (CtyQLQ) đầu tư vốn vào các doanh nghiệp; iii) Chính sách thuế đối với Quỹ đầu tư hoàn toàn khác với doanh nghiệp SXKD. 

     Trong vòng gần 10 năm qua kể từ khi Quỹ đầu tư đầu tiên được cấp phép thành lập (tháng 5/2004), Việt Nam đã có 19 Quỹ đầu tư, nhưng chủ yếu là các quỹ đầu tư nước ngoài, trong khi đó việc huy động được vốn để thành lập quỹ đầu tư trong nước đối với các CtyQLQ là khá khó khăn. Trên thế giới, Quỹ đầu tư trong nước của các quốc gia tiên tiến thường chiếm 30% - 50% giá trị giao dịch thị trường và với tỷ lệ tương ứng trong việc nắm giữ cổ phần của các công ty đại chúng và công ty niêm yết. Ở các quốc gia này, ngành quản lý quỹ đóng vai trò then chốt trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế và cho cả hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, chỉ có vài quỹ đầu tư trong nước đang hoạt động, chưa kể là thời hạn hoạt động của nhiều CtyQLQ và Quỹ đầu tư sắp kết thúc. 

     Mặc dù trong năm 2013, cơ quan quản lý đã cấp phép thành lập cho 9 Quỹ mở sau khi khung pháp lý về Quỹ mở (Thông tư 183/2011/TT-BTC) bắt đầu có hiệu lực năm 2012, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thực sự tạo được nền tảng cho sự phát triển của ngành quản lý quỹ, trong đó có các Quỹ đầu tư. Một trong những nguyên nhân quan trọng là chính sách thuế đối với nhà đầu tư thông qua Quỹ đầu tư cao hơn rất nhiều so với các hình thức đầu tư chứng khoán trực tiếp trên TTCK. Trong giai đoạn từ năm 2013 trở về trước, các CtyQLQ và Quỹ đầu tư phải nộp thuế suất tổng cộng là 30%, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với mức thuế suất là 25% và khấu trừ tiếp 5% thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả lợi tức cho nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào Quỹ. Trong khi đó, nếu nhà đầu tư trực tiếp đầu tư trên TTCK  thì họ chỉ phải nộp mức thuế suất là 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng chứng khoán hoặc 20% trên lợi nhuận. Mặc dù mức thuế TNDN đã giảm xuống còn 22% kể từ ngày 01/01/2014 đối với các CtyQLQ, nhưng mức này vẫn còn khá cao so với quy định ở nhiều nước đang phát triển. Thông lệ quốc tế cho thấy, hầu hết các nước thường ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia đầu tư vào Quỹ hơn so với hình thức đầu tư trực tiếp vào chứng khoán vì có như vậy mới tạo điều kiện thu hút nhiều vốn để thành lập nhiều quỹ đầu tư và khuyến khích các Quỹ đầu tư phát triển. Thông lệ này hiện khá phổ biến ở các nước đang phát triển. 

    Từ thực tiễn ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi có một số đề xuất cụ thể về chính sách thuế cho Quỹ đầu tư như sau: 

     * Về trung hạn, cần có chính sách ưu đãi về thuế cho Quỹ đầu tư, đặc biệt là Quỹ đầu tư trong nước nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của ngành quản lý quỹ. Các cơ quan quản lý cần căn cứ vào đặc thù hoạt động của Quỹ đầu tư và Luật Quản lý thuế cũng như cơ cấu nguồn vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng cơ chế chính sách phù hợp. Cơ chế ưu đãi này cần phải được sửa đổi, bổ sung khi tiến hành việc sửa đổi, bổ sung các Luật hiện hành. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế ưu đãi cũng như văn bản hướng dẫn cụ thể về thuế, phí theo hướng khuyến khích đối với các loại hình quỹ mới như quỹ mở, ETF, quỹ đầu tư bất động sản…

     * Về dài hạn, cần đưa chứng khoán vào nhóm ngành nhận được ưu đãi về thuế, phí, đào tạo nguồn nhân lực… như các ngành công nghiệp mũi nhọn. 

     * Về phương pháp tính thuế đối với Quỹ đầu tư: Trước đây, có ý kiến cho rằng nên áp dụng phương pháp tính thuế cho Quỹ đầu tư là: 

     + Không chịu thuế chuyển nhượng 0,1%;

     + Không chịu thuế lợi tức;

     + Nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong nước, nước ngoài chịu 25% thuế cổ tức;

     + Nhà đầu tư cá nhân trong nước và nước ngoài phải chịu thêm 5% thuế cổ tức với lý do là tính cho thuế thu nhập cá nhân. 

     Tuy nhiên, nếu tính theo phương pháp này thì không hợp lý vì nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư qua Quỹ phải chịu nghĩa vụ thuế cao hơn rất nhiều so với việc họ trực tiếp đầu tư vào chứng khoán, CtyQLQ sẽ không có điều kiện huy động được vốn đầu tư. Do đó, chúng tôi đề xuất cần áp dụng phương pháp thuế khoán cho Quỹ đầu tư như sau:

     - Thuế chuyển nhượng 0,1% tính cho từng giao dịch chuyển nhượng chứng khoán cho dù hoạt động đầu tư thua lỗ;

     - Thuế lợi tức trái phiếu, lợi tức tiền gửi: 5%.

     Phương pháp tính thuế này thể hiện sự bình đẳng tương đối về nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư cá nhân trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi đầu tư vào Quỹ đầu tư (đầu tư ủy thác) so với hình thức họ trực tiếp đầu tư chứng khoán. Còn với đối tượng là nhà đầu tư tổ chức trong nước (nhóm thiểu số) sẽ áp dụng thuế khoán khi đầu tư vào Quỹ và khi họ nhận được cổ tức thì khoản này không phải chịu thuế thu nhập lần thứ hai.

Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI)
Tìm kiếm