THUẾ TRÊN TTCK VIỆT NAM

15/03/2014 08:38
Tìm hiểu các văn bản pháp luật quy định về thuế trên TTCK

     Với hơn 13 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phát huy vai trò là kênh dẫn vốn có hiệu quả của nền kinh tế. Đến cuối năm 2013, tổng số vốn huy động trên TTCK khoảng 964.000 tỷ đồng (tương đương 31% GDP), tăng 199.000 tỷ đồng so với năm 2012. Mặc dù đã có những bước phát triển cả về lượng và về chất, TTCK Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài những tác động do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, mất niềm tin của nhà đầu tư, những yếu tố vĩ mô như cung tiền, lãi suất, lạm phát và các chính sách vĩ mô khác, trong đó có chính sách thuế, cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến TTCK.  

     Đối tượng nộp thuế Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN, có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế TNCN và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP.

     Đối với doanh nghiệp, đối tượng nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bao gồm:

- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và quy định tại các văn bản pháp luật khác dưới các hình thức: Công ty cổ phần (CtyCP); công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH); công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân; các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; các bên trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, xí nghiệp liên doanh dầu khí; công ty điều hành chung;

- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; - Các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế;

- Các tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật hợp tác xã; - Các tổ chức khác ngoài các tổ chức nêu trên có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập chịu thuế.

     Thu nhập chịu thuế

     Thu nhập chịu thuế trong lĩnh vực chứng khoán gồm thu nhập từ đầu tư vốn và thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

     Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:

     Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

     Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần.

     Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào công ty TNHH (bao gồm cả Công ty TNHH một thành viên), công ty hợp danh, hợp tác xã, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các hình thức kinh doanh khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã; lợi tức nhận được do tham gia góp vốn thành lập TCTD theo quy định của Luật các TCTD; góp vốn vào Quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

     Phần tăng thêm của giá trị vốn góp nhận được khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn.

     Thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác do các tổ chức trong nước phát hành, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và lãi trái phiếu chính phủ.

     Các khoản thu nhập nhận được từ  đầu tư vốn dưới các hình thức khác kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, bằng danh tiếng, bằng quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế.

     Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn.

     Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH (bao gồm cả công ty TNHH một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.

     Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong CtyCP theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

     Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.

     Căn cứ tính thuế

     Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn

     Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thu nhập tính thuế và thuế suất.

     Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn là thu nhập chịu thuế mà cá nhân nhận được theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013.

     Thuế suất đối với thu nhập từ đầu tư vốn áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%.

     Thời điểm xác định thu nhập tính thuế: Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.

     Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn

     Thu nhập từ chuyển nhượng vốn: là thu nhập có được từ chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn của doanh nghiệp đã đầu tư cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác (bao gồm cả trường hợp bán toàn bộ doanh nghiệp).

     Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán: là thu nhập có được từ chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số chứng khoán của doanh nghiệp đã tham gia đầu tư chứng khoán cho một hoặc nhiều tổ chức cá nhân khác.

     Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán bao gồm: chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định.

     Đối với nhà đầu tư cá nhân

     Đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp: Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuế và thuế suất.

     Thu nhập tính thuế: thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

     Giá chuyển nhượng: Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.

     Giá mua: Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn.

     Trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng bao gồm: trị giá phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, trị giá phần vốn của các lần góp bổ sung, trị giá phần vốn do mua lại, trị giá phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn.

     Các chi phí liên quan được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng vốn là những chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn, có hoá đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định.

     Thời điểm xác định thu nhập tính thuế Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. Riêng đối với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

     Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán: Căn cứ tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán là thu nhập tính thuế và thuế suất.

     Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán chứng khoán trừ giá mua và các chi phí hợp lý liên quan đến việc chuyển nhượng.

     Giá bán chứng khoán được xác định như sau:

     * Đối với chứng khoán của công ty đại chúng (CtyĐC) giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), giá bán chứng khoán là giá thực hiện tại SGDCK. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại SGDCK.

     * Đối với chứng khoán của CtyĐC không thực hiện giao dịch trên SGDCK mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (TTLKCK), giá bán là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán.

     * Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp nêu trên, giá bán là giá thực tế chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm gần nhất trước thời điểm chuyển nhượng.

     Giá mua chứng khoán được xác định như sau:

     * Đối với chứng khoán của CtyĐC giao dịch trên SGDCK, giá mua chứng khoán là giá thực hiện tại SGDCK. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại SGDCK.

     * Đối với chứng khoán của CtyĐC không thực hiện giao dịch trên SGDCK mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của TTLKCK, giá mua là giá ghi trên hợp đồng nhận chuyển nhượng chứng khoán.

     * Đối với chứng khoán mua thông qua đấu giá thì giá mua chứng khoán là mức giá ghi trên thông báo kết quả trúng đấu giá cổ phần của tổ chức thực hiện đấu giá cổ phần và giấy nộp tiền.

     * Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp nêu trên, giá mua là giá thực tế mua ghi trên hợp đồng nhận chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm gần nhất trước thời điểm mua.

     Các chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán là các khoản chi phí thực tế phát sinh của hoạt động chuyển nhượng chứng khoán có hóa đơn, chứng từ theo chế độ quy định.

     Đối với doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động đầu tư chứng khoán

     Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp được xác định bằng tổng số tiền thu theo hợp đồng chuyển nhượng trừ (-) giá mua phần vốn được chuyển nhượng, trừ (-) chi phí liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng.

     Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng vốn không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (như: cổ phiếu, chứng chỉ quỹ) có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế TNDN;

     Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán trừ (-) giá mua của chứng khoán được chuyển nhượng, trừ (-) các chi phí liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng chứng khoán.

     Trường hợp doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu thì phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá không tính thuế TNDN.

     Trường hợp doanh nghiệp tiến hành chia tách, hợp nhất, sáp nhập mà thực hiện hoán đổi cổ phiếu tại thời điểm chia tách, hợp nhất, sáp nhập nếu phát sinh thu nhập thì phần thu nhập này phải chịu thuế TNDN.

     Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng chứng khoán không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (như: cổ phiếu, chứng chỉ quỹ) có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế TNDN;

     Thuế suất

     Đối với nhà đầu tư cá nhân

     Theo Luật Thuế TNCN, thu nhập từ đầu tư vốn được áp dụng mức thuế suất 5% tính trên số tiền lãi.

     Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp là 20% trên thu nhập tính thuế của mỗi lần chuyển nhượng.

     Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là 20% trên thu nhập tính thuế cả năm áp dụng đối với trường hợp đối tượng nộp thuế, có chứng từ, xác định được thu nhập tính thuế. Đối với các trường hợp khác ngoài trường hợp trên, áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

     Đối với doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động đầu tư chứng khoán

     Các hoạt động kinh doanh chứng khoán thuộc diện điều chỉnh của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và hiện nay đang được miễn trừ nghĩa vụ nộp thuế GTGT theo quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT và Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT.

     Doanh nghiệp sẽ kê khai nộp thuế TNDN từ năm 2014 là 22% và từ năm 2016 là 20% theo quy định của Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 và Luật số 32/2013/ QH13 ngày 19/6/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN. Trường hợp hoạt động kinh doanh chứng khoán có phát sinh lỗ thì được tổng hợp chung, bù trừ với các hoạt động kinh doanh khác hoặc chuyển lỗ sang các năm sau.

 

Đỗ Thị Hương Lan
Tìm kiếm