UBCKNN nỗ lực thúc đẩy các hoạt động nhằm xây dựng một môi trường đầu tư an toàn và lành mạnh

22/10/2024 17:32
Ngày 22/10/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức Hội thảo đào tạo về Lừa đảo Đầu tư. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Chương trình Xây dựng Năng lực giữa UBCKNN và Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia (ASIC).

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự hội thảo về phía UBCKNN có ông Nguyễn Hoàng An, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, ông Vũ Hải Sơn, Phó Chánh thanh tra UBCKNN, đại diện các đơn vị UBCKNN, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán.

Bà Arabella Bennett, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Úc phát biểu tại Hội thảo.

 

Về phía Đại sứ quán Australia có bà Arabella Bennett, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Australia; ông Alexander Winn, Chuyên gia cao cấp về Lừa đảo, Phụ trách bộ phận Thực thi và Tuân thủ, ASIC; bà Aletta Newman, Quản lý cấp cao, chuyên gia Nhận định & Đánh giá Quy định, Bộ phận Thông tin tình báo & Hợp tác Quốc tế, ASIC; bà Eti Abdulioglu, Giám đốc bộ phận Báo cáo và Quan hệ đối tác, Trung tâm Chống Lừa đảo Quốc gia, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC).

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hoàng An cho biết trong bối cảnh nền kinh tế số hóa đang phát triển mạnh mẽ, thị trường chứng khoán (TTCK) cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của các hình thức đầu tư và giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, đi cùng với đó là nguy cơ xuất hiện của các hoạt động lừa đảo ngày càng tinh vi và phức tạp. Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến niềm tin và làm suy giảm tính minh bạch, an toàn của hệ thống tài chính quốc gia.

Ông Nguyễn Hoàng An, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế phát biểu tại Hội thảo

 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, UBCKNN luôn nỗ lực thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực giám sát và quản lý, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài nước nhằm xây dựng một môi trường đầu tư an toàn và lành mạnh. Hội thảo này là minh chứng cho cam kết đó. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ ASIC và các cơ quan quản lý của Australia, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về cách thức nhận diện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa đảo, các biện pháp phòng chống lừa đảo hiệu quả cũng như các xu hướng mới nhất trong việc bảo vệ nhà đầu tư trên TTCK. "Điều này sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực của các cán bộ quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường tài chính Việt Nam”, ông Nguyễn Hoàng An cho biết.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Arabella Bennett, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Australia cho rằng chủ đề của buổi hội thảo này rất quan trọng đối với cả Việt Nam và Australia bởi các vụ lừa đảo ngày càng gia tăng, với mức độ tinh vi do xu hướng và công nghệ mới. Để thị trường tài chính hoạt động một cách hiệu quả, việc hạn chế các sự việc lừa đảo đầu tư là rất quan trọng.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hải Sơn đã trình bày tổng quan về tình trạng lừa đảo đầu tư trên TTCK. Ông Sơn cho biết, TTCK Việt Nam xây dựng từ thị trường cổ phiếu rồi đến thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh. Ngay từ khi xây dựng thị trường, UBCKNN cũng đã quan tâm đưa ra các quy định và các chế tài xử lý các hành vi gian lận có tính chất nghiêm trọng. Trước đây có 5 hành vi bị nghiêm cấm, nay nâng lên 7 hành vi gian lận và bị nghiêm cấm trên TTCK. Năm 2009 có 3 hành vi được đưa vào Bộ Luật hình sự, đến năm 2015 khi sửa đổi Bộ Luật hình sự, UBCKNN đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục duy trì ba hành vi tội phạm này để đảm bảo có hình thức xử lý răn đe đối với các hành vi gian lận này và bổ sung thêm 1 hành vi nữa là hành vi làm giả hồ sơ tài liệu để niêm yết cổ phiếu trên TTCK.

Ông Vũ Hải Sơn, Phó Chánh thanh tra UBCKNN phát biểu tại Hội thảo.

 

Ông Sơn cũng cho biết, qua thống kê của UBCKNN từ năm 2009 đến nay, từ khi đưa ra các quy định các hành vi được coi là tội phạm thì có 10 vụ việc bị khởi tố điều tra là các hành vi tội phạm về chứng khoán, trong đó có 9 vụ việc có hành vi thao túng thị trường. Trong 9 vụ việc này có 2 vụ việc vừa có hành vi lừa đảo vừa có hành vi thao túng thị trường để thu lợi bất chính…

Cũng tại Hội thảo, các diễn giả đến từ ASIC và ACCC đã chia sẻ những kinh nghiệm về các hoạt động chống lừa đảo của Australia. ACCC là cơ quan quản lý cạnh tranh và người tiêu dùng của Australia, có nhiệm vụ thúc đẩy cạnh tranh và thương mại công bằng trên thị trường để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cộng đồng. Ngoài ra, với vai trò bảo vệ người tiêu dùng, ACCC điều hành Trung tâm chống lừa đảo quốc gia và Scamwatch (Đơn vị theo dõi lừa đảo) nhằm hỗ trợ việc phối hợp các nỗ lực chống lừa đảo từ khu vực công và tư nhân.

ASIC là cơ quan quản lý tín dụng tiêu dùng, đồng thời quản lý dịch vụ tài chính, thị trường và doanh nghiệp của Australia. Công tác chống lừa đảo của ASIC tập trung vào: Giảm thiểu tình trạng lừa đảo trong hoạt động đầu tư và tác động của chúng đối với người dùng Australia; Tăng cường hệ thống tài chính Australia chống lại những kẻ lừa đảo; Bảo vệ chống lại việc những kẻ lừa đảo sử dụng sai mục đích tài sản.

Công việc của ASIC về hoạt động chống lừa đảo gồm: Dự án gỡ bỏ các trang web lừa đảo đầu tư; Công bố những cảnh báo về Danh sách cảnh báo nhà đầu tư; Đánh giá các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và ứng phó của các tổ chức tài chính đối với các vụ lừa đảo nhắm vào khách hàng của họ; Giáo dục người dùng; Hành động thực thi có mục tiêu, nếu có, để buộc những kẻ lừa đảo phải chịu trách nhiệm; Hợp tác và tham gia với các đối tác trong nước và quốc tế về lừa đảo…

Tại Hội thảo, các diễn giả của ASIC đề xuất Khuôn khổ phòng chống lừa đảo, gồm: thiết lập vai trò và trách nhiệm cho khu vực tư nhân và các cơ quan quản lý trong việc giải quyết các vụ lừa đảo. Ban đầu sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp chính trong hệ sinh thái lừa đảo như các ngân hàng; các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông; các nền tảng kỹ thuật số (ví dụ: dịch vụ truyền thông xã hội, dịch vụ nhắn tin trực tiếp và dịch vụ quảng cáo tìm kiếm trả phí). Tiếp đó là nghĩa vụ của các tổ chức trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với các vụ lừa đảo, cũng như quản lý và chia sẻ dữ liệu về các vụ lừa đảo. Sau cùng là mở rộng sang các lĩnh vực khác theo thời gian.

Ngoài ra, theo các chuyên gia của Australia, việc xây dựng công nghệ trong tương lai có thể giúp việc tiếp nhận báo cáo về lừa đảo từ tổ chức hoặc cá nhân nhằm xây dựng thông tin tình báo toàn diện về hoạt động lừa đảo tại Australia.

Bài và ảnh: Phạm Hương
(Tạp chí Chứng khoán)
Tìm kiếm