Xuân mới bàn chiến lược đầu tư mới

22/01/2025 15:13
Bước sang năm mới 2025, các yếu tố vĩ mô dự báo sẽ tiếp tục có tác động lớn đến với thị trường tài chính và chiến lược đầu tư. Tăng trưởng GDP toàn cầu, lạm phát và lãi suất vẫn là những yếu tố then chốt. Các loại tài sản đầu tư năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều biến động đáng kể. Vậy đâu sẽ là cách tiếp cận phù hợp để cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận, đồng thời tận dụng hiệu quả các cơ hội giữa những thách thức đang hiện hữu? Việc xác định chiến lược của các nhà đầu tư ở năm tới là gì? Tạp chí Chứng khoán xin chia sẻ câu chuyện đầu tư của giới đầu tư chứng khoán trước thềm năm mới.

 

Nhà đầu tư Đỗ Thu Hà.

 

Phấn đấu đạt biên lợi nhuận 20 - 25%/năm

Đỗ Thu Hà đã đồng hành cùng TTCK Việt Nam từ năm 2015 và chính thức làm tư vấn đầu tư từ năm 2019 nên cũng đã nếm mật nằm gai và hiểu “tính cách” của VN-Index, đặc biệt là những lúc thị trường chịu ảnh hưởng bởi câu chuyện của vĩ mô.

Theo tổng kết của nhà đầu tư này, năm 2024, hai yếu tố lớn ảnh hưởng đến thị trường là tỷ giá và sự phục hồi của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt 7,09%, vượt mục tiêu đề ra là 6,5%. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, bán lẻ và khu vực xuất nhập khẩu đều có sự khởi sắc. Đây chính là yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng của TTCK trong năm 2024.

Tuy nhiên, không thể không kể đến những "sóng gió" đến từ tỷ giá. Vào đầu tháng 4, tỷ giá USD/VND đã chạm trần, khiến Ngân hàng Nhà nước phải nâng trần tỷ giá lên 25.450 đồng/USD và thực hiện bán USD để ổn định thị trường. Điều này dẫn đến một đợt điều chỉnh mạnh của TTCK gần 10% từ đỉnh. Càng về cuối năm, khi tỷ giá có dấu hiệu tăng trở lại và gần chạm trần một lần nữa vào tháng 10, thị trường lại phải trải qua một đợt điều chỉnh hơn 7%.

Có thể nói, với những biến động về tỷ giá, TTCK Việt Nam đã trải qua những nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng chính vẫn được duy trì nhờ nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Chính vì nắm bắt được câu chuyện này, nên Thu Hà đã tận dụng cơ hội trong các nhịp điều chỉnh. "Biên lợi nhuận năm qua duy trì 20 -25%/năm và hi vọng sẽ còn tiếp tục duy trì được con số này trong cả cuộc đời đầu tư", nhà đầu tư này chia sẻ.

Trong quá trình đầu tư, mỗi tháng Hà đọc báo cáo của Tổng cục Thống kê về “sức khỏe” nền kinh tế là một lần đánh giá lại xu hướng của thị trường chung để đưa ra phương án đầu tư phù hợp. Quan điểm đầu tư của Hà là phải tập trung và hiểu thật rõ doanh nghiệp mới có thể mang lại kết quả tốt trong đầu tư lâu dài nên cả năm qua cũng chỉ tập trung với nhóm cổ phiếu như: FPT, MWG, và trading với nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, bất động sản.

Nhìn về năm 2025, nhà đầu tư Thu Hà cho rằng, các yếu tố tác động chủ yếu đến xu hướng thị trường vẫn là tăng trưởng kinh tế và các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, tín dụng, lãi suất. Đây sẽ tiếp tục là những biến số quan trọng tạo ra những đợt dao động cho TTCK Việt Nam trong năm tới. Chiến lược đầu tư năm 2025 của Hà có phần khác biệt so với các năm trước. Nửa đầu năm sẽ ở trạng thái phòng thủ chờ đợi cơ hội điều chỉnh từ thị trường nếu có thay đổi về chính sách tiền tệ. Nửa cuối năm sẽ tăng cường tấn công và duy trì nắm giữ cổ phiếu cho sóng tăng mới trong giai đoạn 2026 - 2028. Nhà đầu tư này sẽ quan tâm nhiều hơn đến các nhóm ngành như: Bán lẻ, Thép, Chứng khoán.

 

Nhà đầu tư cần theo dõi biến số chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và trong nước

Ở góc nhìn vĩ mô về vấn đề tỷ giá, ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, tỷ giá VND trong những năm trước đây chủ yếu phụ thuộc vào thâm hụt thương mại và chênh lệch lãi suất thế giới với trong nước. Những năm qua, Việt Nam giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại, thặng dư mang về khá tốt. Tuy nhiên, năm vừa qua chênh lệch lãi suất là vấn đề gây ra bất ổn về tỷ giá. Chênh lệch lãi suất thường kéo theo việc rút ròng vốn ngoại. Thời gian tới có thêm ẩn số nữa là chính sách thuế quan của ông Donald Trump. Nhà đầu tư kỳ vọng khi áp dụng chính sách thuế quan sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, giảm cung đồng USD trên thị trường ngoại hối, từ đó làm USD tăng giá. Ngoài ra, khi áp dụng thuế quan ít nhiều sẽ chuyển thuế vào giá tiêu dùng, điều này sẽ khiến lạm phát của Mỹ kéo dài lâu hơn và lãi suất khó giảm nhanh. Đồng thời, ngân hàng trung ương (NHTW) của các đối tác thương mại của Mỹ cũng phải chậm giảm lãi suất hơn vì họ không muốn đồng tiền của họ mất giá quá nhiều. NHTW Nhật hay Trung Quốc sẽ phải can thiệp. Đó là những lý do khiến vấn đề tỷ giá có thể căng thẳng trở lại và là ẩn số mà chúng ta cần theo dõi, ông Thế Anh nhấn mạnh.

 

Ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS).

 

Chính vì thế, các nhà đầu tư cần theo dõi chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và trong nước, lạm phát tại Mỹ sau khi áp dụng thuế quan, hiện nay lạm phát Mỹ xấp xỉ 3% thì lãi suất còn dư địa giảm, nhưng họ sẽ giảm từng bước một và thận trọng. Tiếp đó là mức độ áp dụng thuế quan của ông Trump đối với hàng hóa của Trung Quốc, Mexico và Canada. Tỷ giá sẽ biến động theo 2 yếu tố này là chính. Và điều này sẽ tác động đến dòng vốn ngoại tại các TTCK trong đó có Việt Nam.

 

TTCK Việt Nam đang trong sóng lớn thứ 3, có thể xem xét giải ngân nửa cuối năm 2025

 

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS.

 

Trải qua nhiều con sóng của TTCK Việt Nam, theo quan điểm của ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS, Việt Nam vẫn đang nằm trong giai đoạn phản ứng. “Chúng ta sẽ có thể tiếp tục gặp những mức rung lắc của thị trường và diễn biến chỉ số VN-Index trong năm 2024 có thể sẽ tiếp diễn trong giai đoạn đầu năm 2025. Nếu nhìn chỉ số kể từ năm 2000 cho đến nay thì giai đoạn này là một trong những giai đoạn tích lũy mang tính lịch sử, bởi vì có ít nhất là 3 giai đoạn tương tự như thế này. Chúng ta có lẽ đang ở con sóng lớn thứ 3 và chúng tôi kỳ vọng con sóng tiếp theo chính là nâng hạng thị trường trong giai đoạn nửa cuối của năm 2025”, ông Sơn nhận định.

Theo phân tích của ông Sơn, có 8 ngành tiềm năng trong năm 2025 gồm: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản công nghiệp, thép, bán lẻ, dầu khí, cảng biển và dệt may. Dù mỗi ngành có cơ hội lớn, như bất động sản công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng từ nguồn cung, nhưng cũng đối mặt thách thức, hay như ngân hàng chịu áp lực chi phí vốn và biên lãi ròng. Bước sang năm 2025, TTCK được dự báo sẽ duy trì xu hướng dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm. “1.200 đến 1.300 điểm vẫn là biên dao động chính của chỉ số VN-Index, nhưng những nhà đầu tư trung và dài hạn có thể xem xét giải ngân trong vùng trũng dự kiến vào tháng 5/2025”.

Huyền Trang
(Tạp chí Chứng khoán số 315 + 316)
Tìm kiếm