Cơ cấu nợ Chính phủ cải thiện đáng kể
Ngày 24/12, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, trong năm 2024, các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn mà Quốc hội phê chuẩn. Đến cuối năm, dư nợ công ước tính ở mức 36-37% GDP, dư nợ Chính phủ chiếm khoảng 33-34% GDP, và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm khoảng 21-22% thu ngân sách nhà nước. Cơ cấu nợ Chính phủ tiếp tục cải thiện đáng kể, với tỷ lệ nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 76% tổng dư nợ, trong khi nợ nước ngoài giảm dần, chỉ còn 24%. Các khoản nợ nước ngoài chủ yếu bao gồm các khoản vay ODA và vay ưu đãi với kỳ hạn dài và lãi suất thấp. Tỷ trọng nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm từ 3,8% GDP năm 2021 xuống mức 2-3% GDP năm 2024, được quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Trong năm 2024, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã tham mưu để Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các công cụ quản lý nợ chủ động, bao gồm Kế hoạch vay trả nợ công năm 2024 và Chương trình quản lý nợ công giai đoạn 2024-2026. Cục cũng phối hợp với các đơn vị liên quan để điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, phân bổ nguồn dự phòng và đánh giá tác động nợ công từ các đề xuất vay ODA, đặc biệt là các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Về công tác huy động vốn, năm 2024, Cục đã tham mưu triển khai nhiều hình thức huy động mới như: Chương trình ODA thế hệ mới từ Nhật Bản, các hiệp định khung với Hàn Quốc, Chương trình vay vốn cho các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Tính đến ngày 15/12/2024, Cục đã hoàn tất đàm phán và ký kết 11 hiệp định vay nước ngoài với tổng giá trị 1.165 triệu USD, trong đó 6 hiệp định đã được ký kết với giá trị 664 triệu USD.
Theo bà Nguyễn Xuân Thảo, công tác trả nợ nước ngoài được thực hiện đầy đủ và kịp thời trong phạm vi dự toán được duyệt. Công tác thu nợ và xử lý rủi ro các dự án cho vay lại có nợ quá hạn cũng được tiếp tục chú trọng tăng cường. Năm 2024, Cục đã thu hồi khoảng 17,52 tỷ đồng từ các dự án có nợ quá hạn. Đồng thời, Cục cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh lãi suất tham chiếu từ Libor sang Sofr đối với các khoản vay lại.
Đáng chú ý, năm 2024, công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia tiếp tục đạt kết quả tích cực. Các tổ chức S&P, Fitch và Moody's đều duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở BB+ và Ba2 với triển vọng ổn định, đánh giá cao sự tăng trưởng kinh tế và triển vọng trung, dài hạn của đất nước.
Hoàn thiện công tác tổ chức, chính sách
Theo bà Nguyễn Xuân Thảo, năm 2025, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm kiện toàn tổ chức và tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ công, tài chính đối ngoại. Theo đó, Cục sẽ tập trung hoàn thiện quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy; rà soát các quy định pháp luật liên quan đến quản lý nợ công và viện trợ, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp. Dự kiến, các nội dung sửa đổi sẽ tập trung vào Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, đảm bảo khung pháp lý đồng bộ và hiệu quả.
Cục sẽ chủ trì việc xây dựng dự toán năm 2025 đối với nguồn vốn vay nợ và viện trợ, đồng thời báo cáo chi tiết tình hình nợ công năm 2024, dự kiến năm 2025. Các nhiệm vụ bao gồm xác định hạn mức bảo lãnh Chính phủ, hạn mức cho vay lại, và lập Kế hoạch vay trả nợ công năm 2025 cùng Chương trình quản lý nợ công giai đoạn 2025-2027. Đặc biệt, công tác xây dựng Kế hoạch vay trả nợ công giai đoạn 2026-2030 sẽ được khởi động để đảm bảo trình chung với Kế hoạch tài chính ngân sách quốc gia.
Bên cạnh đó, Cục tiếp tục thực hiện các hoạt động trong Khung cải cách quản lý nợ công; đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội.
Công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức các buổi làm việc cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô với tổ chức Fitch Ratings và các đối tác liên quan. Đồng thời, các hội thảo về xếp hạng tín nhiệm và quan hệ nhà đầu tư sẽ được tổ chức nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và nhà tài trợ quốc tế để triển khai chủ trương của Chính phủ trong huy động vốn ODA cho các công trình trọng điểm quốc gia. Các dự án như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, hệ thống đường sắt kết nối quốc tế, hạ tầng năng lượng, chống biến đổi khí hậu và hạ tầng số sẽ được ưu tiên. Ngoài ra, Cục tiếp tục thực hiện đàm phán, ký kết và gia hạn các hiệp định, thỏa thuận vay phù hợp với định hướng phát triển.
Để cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn ODA, Cục Quản lý nợ và Tài chính sẽ triển khai các biện pháp đôn đốc và xử lý vướng mắc kịp thời, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng cho Hội nghị giải ngân năm 2025. Đối với các dự án đang có nợ quá hạn, Cục sẽ tiếp tục giám sát và xử lý theo đúng quy định.
Đặc biệt, Cục tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về quản lý nợ công với các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB và GIZ. Đồng thời, các công việc liên quan đến quản lý viện trợ, hỗ trợ tái cấu trúc các doanh nghiệp quan trọng như SBIC, VEC và VIDIFI cũng sẽ được đẩy mạnh.
Tại Hội nghị, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, trong năm 2024, Cục đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các đơn vị trực thuộc Bộ trong triển khai nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, Cục đã hoàn thành chương trình công tác năm bám sát các mục tiêu, định hướng lớn.
Cục trưởng Trương Hùng Long đề nghị toàn thể cán bộ công chức, người lao động của Cục tiếp tục đồng sức, đồng lòng trong thời gian tới để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.