Phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số

02/01/2025 09:29
Ngay trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2025 phấn đấu ở mức hai con số và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả để thực hiện thành công mục tiêu này.

Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh TRÀ NGÂN)

Từ kết quả tăng trưởng GDP năm 2024 ước đạt 7%, mục tiêu tăng trưởng hai con số năm 2025 không chỉ thể hiện quyết tâm của Chính phủ vượt qua thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Khai thác tối đa thời cơ, cơ hội

Ðể cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Ðảng về kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 20 năm tới, Việt Nam phải tăng trưởng cao, phấn đấu ở mức 10% trở lên. Ngay từ bây giờ, từng ngành, lĩnh vực, địa phương phải xác định mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới; chủ động, linh hoạt hóa giải khó khăn, thách thức, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội cho phát triển. Hai cực tăng trưởng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng động lực quan trọng như Ðồng bằng sông Hồng, Ðông Nam Bộ cũng phải tăng trưởng hai con số để khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt của cả nước.

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư cũng cho rằng, dư địa nguồn lực trong nền kinh tế còn nhiều, nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, nhất là nguồn lực tư nhân. Vì vậy, phải tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thật sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực; phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn; kịp thời tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc của các dự án để giải phóng ngay nguồn lực bị tồn đọng, ách tắc, lãng phí, từ đó đóng góp đáng kể cho tăng trưởng, sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm…

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, năm 2025 có bốn biến số chính tác động đến kinh tế Việt Nam, gồm: tỷ giá, ngoại thương, căng thẳng địa chính trị và các vấn đề nội tại của nền kinh tế. Cụ thể, tỷ giá và hoạt động ngoại thương có thể sẽ chịu những tác động bất lợi từ sự biến động của đồng USD cũng như các chính sách kinh tế và đối ngoại của Hoa Kỳ trước khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ và áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào thị trường nước này. Về địa chính trị, căng thẳng Nga-Ukraine, Trung Ðông sẽ tiếp tục tạo ra những biến động khó lường. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, là mắt xích trong biến động toàn cầu, do đó các chính sách buộc phải xoay quanh những thay đổi nhằm phát huy các lợi thế hội nhập và hạn chế rủi ro. Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng để bước vào một giai đoạn phát triển mới, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó giảm số lượng doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao nếu quyết liệt cải cách, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số. Bên cạnh đó, việc kiểm soát lạm phát; ổn định tỷ giá; lãi suất cho vay giảm; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đang được đẩy mạnh từ Trung ương đến địa phương theo nhiệm vụ triển khai Ðề án 06 của Chính phủ là những yếu tố quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư công dẫn dắt

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, triển vọng kinh tế năm 2025 là tích cực, nhiều tổ chức quốc tế đều điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cuối năm ngoái đã điều chỉnh tăng trưởng GDP của Việt Nam lên mức 6,6% so với mức 6,2% dự báo trước đó, là mức tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực Ðông Nam Á.

Ngân hàng Standard Chartered mới đây cũng cập nhật dự báo triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2025 là tích cực với mức tăng trưởng 6,7%. Trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo quy mô GDP của Việt Nam sẽ đạt 506 tỷ USD vào năm 2025.

Tại Công điện số 140/CÐ-TTg ngày 27/12/2024 về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả ba đột phá chiến lược, sáu nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu đã đề ra. Trong đó, tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống, bao gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Ðáng lưu ý, Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, phấn đấu vượt mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025 và 5.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2030.

Theo TS Nguyễn Ðức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, trong mục tiêu tổng quát của năm 2025, Quốc hội, Chính phủ xác định ưu tiên hàng đầu cho tăng trưởng cùng với giữ ổn định kinh tế vĩ mô là cách nhìn mới. Ðây là năm thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng được đặt lên trước nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đi kèm với đó là các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu ưu tiên tăng trưởng. "Nếu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng ngay trong năm 2025, khả năng tăng trưởng GDP cao trong ba năm liên tiếp hoàn toàn có thể đạt được", TS Nguyễn Ðức Kiên nhận định.

GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh dự kiến sẽ có nhiều thuận lợi hơn nhờ hiệu ứng từ công cuộc đổi mới thể chế đang tích cực triển khai từ cuối năm 2024. Kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao đem lại nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp. Do đó, việc tinh giản bộ máy, cải cách thể chế hướng đến tháo bỏ những rào cản, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển cần được triển khai thông suốt, bảo đảm không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến sự vận hành liên tục của các hoạt động kinh tế-xã hội.

Năm 2025 là năm cuối "về đích" kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và cũng là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2026-2030. Những chuyển động mới trong sự điều hành quyết liệt của Chính phủ đang tạo đà, tạo khí thế mới để cả nước phấn đấu tăng trưởng bứt phá, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng cao và hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2025

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%.

- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD.

- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%.

- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3-5,4%.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25-26%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29-29,5%.

- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 0,8-1%.

- Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 15 bác sĩ.

- Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34,5 giường bệnh.

- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15%.

- Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80,5-81,5%.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Nguồn: Nghị quyết 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

(Nguồn: nhandan.vn)
Tìm kiếm