Dư nợ tín dụng bất động sản tăng, doanh nghiệp vẫn “khát vốn”

23/12/2024 14:55
Dư nợ tín dụng bất động sản tăng trưởng đều qua các năm, chiếm khoảng 21% tổng tín dụng. Song, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang thiếu vốn “trầm trọng”.

Theo số liệu thống kê từ các ngân hàng thương mại cho đến hết tháng 9/2024, cho vay bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9% so với đầu năm. Con số này chiếm khoảng 21% tổng tín dụng nền kinh tế, có sự phân hóa rõ rệt giữa tín dụng đầu tư và tín dụng tiêu dùng lĩnh vực bất động sản.

Nguồn: SHS

Mảng bất động sản tiêu dùng (còn gọi là cá nhân vay mua nhà, sửa nhà), trong 9 tháng năm 2024 ghi nhận 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,6% so với đầu năm 2024. Mảng cho vay chủ đầu tư liên tục tăng tỷ trọng trong 2 năm gần đây, đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 28,2% so với đầu cùng kỳ năm trước và tăng 16% so với đầu năm 2024. 

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), các ngân hàng có tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng cao trên 20% bao gồm: Ngân hàng Quốc Dân NCB (41%), Techcombank (36%), SHB (33%), VPBank (31%), VietBank (27%), HDBank (25%), KienlongBank (24%) và Ngân hàng Bản Việt (22%).

Thanh khoản thị trường bất động sản nhà ở 9 tháng năm 2024 tăng ở cả phân khúc đất nền và căn hộ chung cư. Nguồn cung sôi động hơn nhờ sự xuất hiện một số dự án mới. Các ngân hàng cũng liên tục có các chính sách hỗ trợ lãi suất. Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm để thu hút khách hàng trong bối cảnh tín dụng yếu.

Nguồn: VCBS

VCBS dự báo tín dụng bất động sản và xây dựng tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm 2025, nhờ thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục sau khi 3 luật liên quan có hiệu lực. Các khó khăn về pháp lý dần được tháo gỡ, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội, trong điều kiện tiếp tục được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp.

Theo đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng chảy tín dụng vào kênh kinh doanh bất động sản để gia tăng nguồn cung bất động sản trong tương lai, từ đó thúc đẩy cầu vay mua nhà để ở/đầu tư.

Tuy nhiên, một phần tín dụng được giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính với mục đích tái cấu trúc nợ khi lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào 2025-2026, đây sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới.

Ở góc độ là chuyên gia về tài chính, TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết, thông qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ của các doanh nghiệp niêm yết, có thể thấy, dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản và xây dựng liên tục giảm, thậm chí là tăng trưởng âm.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ có 2 dòng tiền chính cần lưu ý. Đó là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và từ tài chính. Tuy nhiên, hiện tại, dòng tài chính, cụ thể là các vòng vốn liên quan đến ngân hàng, đang gặp khó khăn khi không có các khoản vay mới được giải ngân. Điều này dẫn đến tình trạng dòng lưu chuyển tài chính bị âm, qua đó phản ánh thực tế rằng các công ty đang thiếu vốn một cách nghiêm trọng, đồng thời cho thấy sự không nhất quán trong phối hợp giữa các công ty và ngân hàng.

“Nếu có thể giải quyết được vấn đề này một cách đồng bộ và hiệu quả, nó sẽ giúp tạo ra sự chuyển biến tích cực”, TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ.

(Nguồn: tapchitaichinh.vn)
Tìm kiếm