Tại cuộc họp gần đây nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 0,25% đồng thời phát đi tín hiệu mới về năm 2025, cho thấy Fed đã hành động đúng như thị trường kỳ vọng.
Nhìn lại toàn cảnh biểu đồ của Fed Fund Rates (lãi suất chuẩn của Fed), vào giai đoạn COVID-19, lãi suất gần như về vùng 0-0,25%. Sau đó với ảnh hưởng của lạm phát do các ngân hàng trung ương phải bơm tiền ra, để kích thích nền kinh tế khi chịu ảnh hưởng bởi đứt quãng chuỗi cung ứng toàn cầu; Tới cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu vào tháng 3/2022, Fed liên tục tăng lãi suất cho đến đầu năm 2024 và được neo cao ở mức 5,25-5,5%. Mức lãi suất cao này đã duy trì trong một thời gian dài khiến các tài sản giá trị đều gặp khó khăn bao gồm cả bất động sản.
Từ tháng 9/2024 đến nay, Fed đã có 3 đợt liên tiếp giảm lãi suất với tổng mức giảm là 1%. Tuy nhiên, sau khi Fed công bố lãi suất ngày 19/12 vừa qua, chỉ số Dow Jones đã giảm về mức 42.000 điểm, giảm 2,58%, chỉ số Nasdaq giảm 3,56% và chỉ số S&P giảm 2,95%. Đặc biệt, chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) lại tăng vọt lên mức 108,2 điểm, là mức rất lâu lâu rồi chúng ta mới nhìn thấy. Điều này gây ra sức ép về tỷ giá đối với VND sẽ rất lớn.
Có thể thấy, khi nói đến thị trường tài chính, đa phần chúng ta đều nói đến sự kỳ vọng, nhưng kỳ vọng của mọi người có sự khác biệt với kỳ vọng của Fed. Trong khi Fed phải cân đối giữa một bên là lạm phát và một bên là thị trường lao động, thì thị trường chỉ quan tâm đến lãi suất cao hay thấp và dựa trên mức lãi suất đó để chọn một kịch bản cho hoạt động đầu tư của mình.
Đối với câu chuyện lạm phát, gần đây đa phần mọi người cho rằng khi tổng thống mới Donald Trump lên nắm quyền, các biện pháp về thuế quan hay những kế hoạch của ông có thể sẽ đẩy lạm phát lên cao. Vị Tổng thống sắp bước vào Nhà Trắng cũng nói khi áp mức thuế cao thì những người xuất khẩu sẽ phải trả tiền thuế này. Nhưng thực tế những nhà xuất khẩu sẽ phải đẩy một phần tiền thuế đó vào giá cả hàng hoá và người tiêu dùng Mỹ sẽ gánh chịu phần giá tăng.
Như đã đề cập, Fed đang phải cân bằng giữa lạm phát và thị trường lao động nhưng đồng thời không biết các biến số từ chính quyền của tổng thống Trump sẽ như thế nào. Vì vậy Bloomberg đã có bình luận “khi nào không chắc chắn thì nên đi chậm lại” để nói về hành động của Fed. Chúng tôi cho rằng hành động này là rất chuẩn mực của những người quản lý chính sách hiện tại.
Nhìn sang năm 2025 trong một thời kỳ biến động quá nhanh như vậy, chúng ta sẽ không thể chắc chắn theo các dự báo ngay từ đầu năm, mà nhà đầu tư phải đi theo sự biến động của những yếu tố về GDP, về lạm phát và về chính sách,...
Riêng với Việt Nam hiện nay, lãi suất đang là một biến số lớn để chúng ta xây dựng kế hoạch đầu tư năm 2025, trong đó lãi suất chịu tác động bởi nhiều yếu tố từ quốc tế ảnh hưởng qua tỷ giá. Ngoài ra còn có yếu tố nội tại như số dư huy động vốn, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng và các lợi suất dài hạn như trái phiếu Chính phủ đều tăng.
Hiện chúng ta đang bước vào giai đoạn tập trung tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Nhất là thời điểm cuối tháng 12, nếu chưa đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành đề ra của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm là 15%, thì các ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh hoạt động này. Như vậy họ sẽ phải đặc biệt quan tâm đến câu chuyện thanh khoản, nhưng muốn có đầu ra thì phải có đầu vào và từ đó gây sức ép đến lãi suất huy động.
Chỉ còn khoảng gần 2 tuần nữa là kết thúc năm 2024. Được biết, chúng ta đang phải giữ “mặt trận” tỷ giá nên đã có hoạt động bán ra ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cho các thành viên tham gia thị trường để bình ổn lại tỷ giá. Tác động của vấn đề này là nếu giữ được tỷ giá, thì lượng VND hút về sẽ tiếp tục tạo sức ép lên lãi suất, dẫn đến tác động lên thị trường chứng khoán. Đó cũng là lý do nhà đầu tư chưa thấy có sự tăng trưởng bật trở lại đối với chỉ số chứng khoán sau những sự phục hồi mà lại còn chịu thêm sức ép từ bên ngoài.