CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ NĂM 2013 VÀ ĐỊNH HƯỚNG NĂM 2014

15/01/2014 09:00
Lượt xem: 366

Trong năm 2013, công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, kiên định với các mục tiêu lớn của nền kinh tế, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Trên cơ sở các nhiệm vụ, mục tiêu xác định, NHNN đã tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ trong công tác điều hành, đảm bảo các chính sách, diễn biến tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, đồng thời đề cao tính khoa học trong điều hành. Đây là năm thứ hai liên tiếp, nền kinh tế chứng kiến những nỗ lực mạnh mẽ của NHNN trong công tác điều hành CSTT hướng tới mục tiêu lớn như kiểm soát lạm phát, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), tháo gỡ khó khăn cho khu vực sản xuất, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Có thể thấy, CSTT ngày càng chứng tỏ được vai trò then chốt trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng trong việc tăng cường tính ổn định của nền kinh tế.

 

Những kết quả đạt được của năm 2013 

Một là, mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của NHNN là lạm phát đã được kiềm chế, diễn biến theo xu hướng giảm và khá ổn định. Nếu lạm phát của năm 2012 là 6,81% thì lạm phát của năm 2013 chỉ ở mức 6,04% - mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (xem Đồ thị 1). 

Hai là, chính sách lãi suất được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến của lạm phát. Tính chủ động của công cụ lãi suất trong việc truyền dẫn tín hiệu tới thị trường đã được cải thiện rõ nét. Trong năm 2013, các mức lãi suất điều hành của NHNN được điều chỉnh giảm hai lần. Hiện tại, lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh giảm từ mức 9%/năm xuống còn 7%/ năm; lãi suất tái chiết khấu từ 7%/năm xuống còn 5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 10%/năm xuống còn 8%/năm. Trên thị trường 1, NHNN đã thực hiện giảm 3% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VNĐ. Đồng thời từ tháng 6/2013, NHNN đã cho phép các TCTD tự ấn định lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Đây là bước đi cần thiết để NHNN hướng tới thực hiện tự do hóa lãi suất. Diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng theo sát với lãi suất chỉ đạo của NHNN và giảm mạnh. Lãi suất huy động giảm liên tục khoảng từ 2 - 4%, lãi suất cho vay giảm từ 3 - 5% so với mức lãi suất cuối năm 2012. Điều này không những phản ánh tính thanh khoản của các TCTD ngày càng ổn định, mà còn biểu hiện tính dẫn dắt thị trường của NHNN ngày càng tăng. 

Ba là, hoạt động trên thị trường tiền tệ nhìn chung diễn biến khá tích cực, phản ánh sự chủ động của NHNN trong công tác kiểm soát khối lượng tiền cung ứng. Trong năm 2013, khối lượng giao dịch (KLGD) trên thị trường liên ngân hàng diễn ra khá ổn định và đồng đều qua các quý so với năm 2012, đồng thời hoạt động bơm, hút tiền trên thị trường mở cũng rất nhịp nhàng, gần như là lượng cung tiền được dự báo phù hợp với nhu cầu và diễn biến của nền kinh tế và KLGD cũng giảm đáng kể so với năm 2012 (xem Đồ thị 2). 

Bốn là, chính sách điều hành của NHNN đã hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào hỗ trợ cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và các dự án hiệu quả. Tăng trưởng tín dụng tuy thấp hơn các năm trước đây nhưng hiệu quả và chất lượng tín dụng ngày càng được cải thiện. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến khá tích cực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm và sản xuất kinh doanh cũng có những tín hiệu khả quan hơn. 

Năm là, thị trường ngoại tệ và thị trường vàng diễn biến ổn định, phù hợp với diễn biến cung cầu ngoại tệ trên thị trường, niềm tin vào VNĐ ngày càng được củng cố, hỗ trợ kiềm chế lạm phát, góp phần giảm thiểu tình trạng đô la hóa, vàng hóa tại Việt Nam; tạo môi trường ổn định để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc lập và thực hiện kế hoạch kinh doanh (xem Đồ thị 3).  

Sáu là, hoạt động của hệ thống các TCTD dần đi vào ổn định, tình hình thanh khoản của hệ thống được cải thiện rõ nét qua từng năm, rủi ro đổ vỡ hệ thống đã bị đẩy lùi; các ngân hàng thương mại đáp ứng ngày càng tốt hơn các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động; tốc độ tăng nợ xấu đã chậm lại...

Những nỗ lực đáng chú ý trong công tác điều hành CSTT của NHNN trong năm 2013 Một là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo một môi trường vận hành CSTT một cách thuận lợi, nâng cao vai trò của các công cụ CSTT gián tiếp. Theo đó, nhiều chính sách đã được thực hiện và phối hợp một cách hiệu quả, tạo được hiệu ứng hỗ trợ mạnh mẽ, cụ thể như sau: 

+ Các giải pháp tiết giảm tình trạng đô la hóa và vàng hóa, ổn định thị trường ngoại hối được NHNN thực hiện nhịp nhàng cùng với các giải pháp điều hành chính sách tỷ giá chủ động, mang tính dẫn dắt thị trường; chính sách đấu thầu vàng đảm bảo sự ổn định của thị trường. Chính sách tỷ giá trong năm 2013 đã được NHNN điều hành linh hoạt hơn so với năm 2012 nhưng vẫn đảm bảo được xu hướng ổn định để góp phần kiểm soát lạm phát, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, tăng dự trữ ngoại hối; 

+ Các giải pháp giải phóng kênh tín dụng được NHNN thực hiện mạnh mẽ thông qua các chương trình tái cấu trúc, giải quyết nợ xấu tồn đọng, hoàn thiện cơ chế quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, thông qua các chương trình tọa đàm xúc tiến đầu tư theo vùng lãnh thổ, theo ngành nghề. Bên cạnh đó, NHNN cũng tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp trên cả nước để nắm bắt các nút thắt và chung tay tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 

+ Các giải pháp nhằm tăng cường vai trò của thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường liên ngân hàng trong việc truyền tải những thay đổi trong điều hành CSTT của NHNN tới các điều kiện tiền tệ (mức cung tiền và lãi suất thị trường) đối với nền kinh tế; cung cấp các chỉ báo về tình hình vốn khả dụng của hệ thống các TCTD; 

+ Các biện pháp điều hành lãi suất với những bước đi thích hợp, đảm bảo giảm nhanh chóng và hiệu quả mặt bằng lãi suất, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, từng bước hình thành đường cong lãi suất, hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối; 

+ Các giải pháp thiết lập kỷ luật thị trường tiền tệ được thực hiện nghiêm túc trên cơ sở điều hành CSTT gắn kết chặt chẽ với công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo thực thi nghiêm các chính sách của NHNN, qua đó giúp cơ chế truyền tải CSTT được vận hành tốt hơn. 

Hai là, phối hợp các công cụ điều hành một cách linh hoạt, hiệu quả, từng bước tạo lập các điều kiện cần thiết để chuyển sang cơ chế điều hành gián tiếp khi thuận lợi, cụ thể như sau: 

+ Phối hợp giữa điều hành lãi suất và tỷ giá hướng tới đảm bảo lợi ích nắm giữ đồng nội tệ, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu bán lại ngoại tệ cho các TCTD, ổn định kỳ vọng lạm phát và ổn định tỷ giá theo cam kết điều hành hàng năm; 

+ Tăng cường vai trò của công cụ thị trường mở, phối hợp nhịp nhàng với các kênh của thị trường tiền tệ để điều tiết lượng tiền cung ứng. Theo đó, Nghiệp vụ OMO được điều hành linh hoạt, thận trọng thông qua hoạt động mua các giấy tờ có giá và bán tín phiếu NHNN với kỳ hạn và lãi suất được điều chỉnh phù hợp với diễn biến của thị trường để hỗ trợ thanh khoản và điều hòa vốn khả dụng cho các TCTD; 

+ Phối hợp và điều chỉnh các mức lãi suất chỉ đạo một cách chủ động, truyền dẫn hiệu quả tín hiệu điều hành của NHNN để định hướng thị trường. Từ đầu năm 2012 đến nay, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mối quan hệ của lãi suất với cung tiền, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và diễn biến của thị trường tiền tệ. 

Định hướng điều hành CSTT năm 2014 Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt, song trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và khó lường; kinh tế trong nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, do đó, công tác điều hành CSTT năm 2014 vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức cần phải được xử lý trong thời gian tới. 

Trước tiên là những thách thức đến từ diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới: Trong năm 2014, mặc dù kinh tế thế giới dự báo đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt là sự hồi phục của các nền kinh tế đầu tàu. Tuy nhiên, những thách thức lớn của kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng chưa được giải quyết một cách bền vững, cụ thể như tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, chính sách nợ công tại một số quốc gia vẫn chưa được thống nhất, các gói nới lỏng định lượng vẫn tiếp tục được duy trì, rủi ro vẫn còn tiềm ẩn trên phần lớn các thị trường, bất ổn chính trị - xã hội và tình hình thiên tai diễn biến phức tạp... Điều đó có thể tác động bất lợi đến hoạt động thương mại trong nước, đến sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư... nên vẫn có thể tạo ra những áp lực đối với công tác quản lý ngoại hối, đặc biệt khi các nền kinh tế mới nổi tập trung phát triển với cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết các hiệp định hợp tác quốc tế song phương và đa phương mà trước mắt là Hiệp định đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể dẫn đến những thay đổi cần thiết trong quan điểm, nguyên tắc điều hành các chính sách quản lý kinh tế. 

Tiếp đến là những thách thức đến từ diễn biến kinh tế trong nước: Kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu tích cực, song chuyển biến còn chậm, chưa ổn định, vững chắc. Tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần, tăng trưởng kinh tế trong hai năm trở lại đây chủ yếu dựa vào xuất khẩu trong khi nhu cầu trong nước phục hồi chậm, sức mua còn yếu, lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại… Bên cạnh đó, dòng vốn tín dụng còn chưa thông suốt, nợ xấu còn ở mức cao (xem Đồ thị 4), khó khăn của thị trường bất động sản chưa thể giải quyết và đặc biệt là áp lực bội chi ngân sách ngày càng lớn,… đã trở thành những thách thức lớn cho công tác điều hành CSTT trong năm 2014 nói chung và đặc biệt là sẽ tạo ra áp lực trong công tác quản lý tín dụng của NHNN. Những thách thức này sẽ buộc NHNN phải theo đuổi cùng một lúc nhiều mục tiêu trong quá trình điều hành chính sách, đặc biệt là việc phải tập trung theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi khả năng hỗ trợ của chính sách tài khóa ngày càng yếu đã tạo ra nhiều khó khăn cho NHNN trong việc theo đuổi mục tiêu quan trọng nhất của CSTT là ổn định giá cả, thể hiện ở mức lạm phát thấp và ổn định trong trung và dài hạn (xem Đồ thị 4). 

Cuối cùng là những thách thức của quá trình tái cấu trúc: Trong hai năm vừa qua, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc thực hiện chương trình tái cấu trúc các TCTD giai đoạn 2011 - 2015, song đó mới chỉ là việc giải quyết những khó khăn trước mắt. Còn những vấn đề cốt lõi của chương trình tái cấu trúc như giải quyết triệt để nợ xấu, tăng cường năng lực quản trị điều hành sau tái cơ cấu, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là khắc phục vấn đề sở hữu chéo vẫn đang trong thời gian khởi động… chưa thật sự dẫn đễn những thay đổi về chất. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cho việc tái cơ cấu các TCTD chưa được hoàn thiện, đặc biệt là cơ chế mua bán nợ xấu, quy chế điều tiết thống nhất các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A),..; nguồn lực tài chính công còn hạn chế, nguồn lực tài chính bên ngoài chưa có cơ chế phù hợp để thu hút; quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước chưa có nhiều khởi sắc,… sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ và tính hiệu quả của chương trình tái cơ cấu hệ thống  các TCTD giai đoạn 2011 - 2015.

Những thách thức chính yếu trên đòi hỏi NHNN tiếp tục phải kiên định với mục tiêu điều hành, phải tăng cường phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn nữa với các Bộ, ngành, phải có những chiến lược mạnh mẽ và nỗ lực cao hơn để giải quyết thành công những thách thức. Trên cơ sở đó, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã được Quốc hội phê duyệt, với chỉ tiêu tăng trưởng đạt mức khoảng 5,8%; lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng - CPI) ở mức khoảng 7%. Do vậy, mục tiêu CSTT cần đạt được trong năm 2014 là: tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát không vượt quá mục tiêu Quốc hội phê chuẩn, ổn định tiền tệ và hệ thống các TCTD, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Để đạt được mục tiêu trên, việc điều hành CSTT phải đảm bảo tính linh hoạt, tiếp tục phát huy tính chủ động cao, định hướng thị trường theo mục tiêu đã đặt ra. Theo đó, việc điều hành các công cụ CSTT cần được điều hành linh hoạt, đồng bộ, đảm bảo kiểm soát khối lượng tiền cung ứng theo định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 12 - 14%; tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng khoảng 16 - 18%; điều hành chủ động các mức lãi suất chỉ đạo của NHNN để định hướng lãi suất thị trường, đảm bảo tính ổn định, không gây ra những biến động bất thường, nhằm tiếp tục tạo sự ổn định bền vững trên thị trường tiền tệ, kiềm chế lạm phát; theo dõi sát diễn biến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối, cung cầu ngoại tệ để điều hành tỷ giá phù hợp; Tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng, không để những biến động của thị trường vàng ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô; tiếp tục khắc phục tình trạng đô la hóa nền kinh tế bằng nhiều biện pháp, trong đó cần có sự phối chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá với lãi suất theo hướng khuyến khích giữ VNĐ, hạn chế dịch chuyển sang USD. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho hoạt động tiền tệ tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tái cơ cấu và phát triển mạnh mẽ; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu các TCTD để tăng cường tính hiệu quả của cơ chế tác động CSTT và tạo đà phát triển hệ thống các TCTD trong những năm tiếp theo; Tiếp tục tăng cường năng lực thanh tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi kinh doanh thiếu lành mạnh có thể gây bất ổn định hệ thống; Tăng cường công tác truyền thông, tăng cường trách nhiệm cần được đẩy mạnh để nâng cao hơn nữa lòng tin của xã hội, tránh những thông tin sai lệnh làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành.

 

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh
Tìm kiếm