Công nghệ mới tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho nhà băng

09/12/2024 10:45
Tại Tọa đàm “Nâng cao năng lực về Fintech và chuyển đổi số”, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (NHNN) cho biết, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với sự chuyển đổi mạnh mẽ của ngành tài chính - ngân hàng, đặc biệt là dưới tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ đột phá như Blockchain, Cloud Computing, IoT và Big Data. Sự phát triển từ AI truyền thống sang AI tạo sinh (Generative AI) đang mở ra những cơ hội chưa từng có trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tương tác với khách hàng.

Chuyển đổi số ngân hàng tăng tốc

Những công nghệ mới này đang tạo ra chuyển biến sâu sắc trong hoạt động của ngành Ngân hàng. Đơn cử như tăng cường an ninh quản trị rủi ro nhờ hệ thống phát hiện gian lận theo thời gian thực; đánh giá rủi ro tín dụng tự động với Machine Learning; bảo mật đa lớp với công nghệ sinh trắc học hay công nghệ Blockchain hỗ trợ giao dịch an toàn và minh bạch… Đồng thời, gia tăng trải nghiệm khách hàng thông qua cung cấp Dịch vụ 24/7 với chatbot AI thông minh; tư vấn tài chính cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu; định danh điện tử (e-KYC) với công nghệ nhận diện khuôn mặt… Ngoài ra, công nghệ mới cũng giúp nâng cao vận hành và quản trị thông qua tự động hóa quy trình nghiệp vụ với RPA; phân tích dữ liệu lớn để tối ưu hoạt động...

Với sự đầu tư mạnh mẽ của ngành Ngân hàng, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong hành trình chuyển đổi số, thể hiện qua những con số và thành quả ấn tượng. Thông tin cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, hiện số người trưởng thành có tài khoản thanh toán là 87,08% trong khi đó mục tiêu đặt ra đến năm 2025 của ngành Ngân hàng là 80%. Hiện 80% hồ sơ đã được xử lý trên kênh số, cao hơn mục tiêu 70% vào năm 2025; nghiệp vụ ngân hàng trên kênh số hiện đạt 55%, tỷ lệ sử dụng thanh toán điện tử là 49%...

Việc xây dựng và phát triển hạ tầng chuyển đổi số cũng được ngành Ngân hàng chú trọng. Theo số liệu thống kê mới nhất đến hết tháng 10/2024, có trên 678 nghìn máy POS, 85 ngân hàng đang triển khai Internet banking và 52 ngân hàng triển khai Mobile banking; 51 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép; 3 doanh nghiệp viễn thông thí điểm cung ứng dịch vụ mobile money. Theo bà Thu, trong thời gian qua, NHNN cũng chú trọng tới việc hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số của các ngân hàng. Nhờ đó, các TCTD mạnh dạn trong việc ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao tiện ích và gia tăng trải nghiệm cho người dùng.

Đơn cử như tại TPBank, ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm ngân hàng số cho biết, ngân hàng đã đặt mục tiêu xây dựng và phát triển ứng dụng ngân hàng trở thành một super app, không chỉ mở rộng tiện ích mà còn tạo nên sự kết nối chặt chẽ hơn giữa khách hàng và ngân hàng, mang đến trải nghiệm toàn diện, tối ưu trong từng tương tác. Trong đó, Open Banking là chìa khoá cho việc mở rộng hệ sinh thái. Hiện TPBank đã thực hiện liên kết với 12 ví điện tử, 5 ví trả sau, chuyển tiền/thanh toán với trên 20 đối tác, thực hiện thu hộ/chi hộ với trên 20 đối tác, thực hiện nhiều dịch vụ kết hợp khác trong lĩnh vực chứng khoán, QR code, e-KYC…

Nhờ đó, chỉ trong giai đoạn 2019 – 2024, số lượng khách hàng TPBank thu hút đã gấp 4 lần tổng số khách hàng từ năm 2008 đến 2019. Số lượng giao dịch và dịch vụ trên Openbanking tăng gấp 2-3 lần mỗi năm, giúp nguồn thu của ngân hàng được mở rộng.

Các chuyên gia trao đổi tại Toạ đàm

Vẫn còn nhiều thách thức

Tuy công nghệ mới đem lại nhiều cơ hội thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu, hiện chúng ta cũng phải đối diện với một số thách thức hiện hữu. Đó là các công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi các ngân hàng phải đầu tư, cập nhật, thay đổi trong mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ. Chưa kể, xu hướng tội phạm mạng ứng dụng công nghệ cao gia tăng khiến công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống ngày càng trở nên khó khăn, đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực. Việc xuất hiện nhiều công nghệ mới cũng đặt ra yêu cầu khuôn khổ pháp lý cần tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một cách đồng bộ để thích ứng, phù hợp với những thay đổi sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Cơ sở hạ tầng cũng cần đồng bộ, tập trung, có các chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung và đặc biệt là đảm bảo an ninh, bảo mật.

Về vấn đề này, ông Đỗ Thành Nam, Giám đốc FPT Pay cho biết, hiện trên thế giới, các đối tượng lợi dụng các cuộc gọi, tin nhắn và các nền tảng như WhatsApp, Instagram và gmail để thực hiện các hành vi lừa đảo ngày càng tăng, lừa đảo qua SMS đang phổ biến ở một số nước như Philippines, Hàn Quốc và Brazil. Tại Việt Nan, trong 9 tháng năm 2024, Cục An toàn thông tin nhận hơn 22.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến qua cổng cảnh báo an toàn thông tin. Hơn 80% vụ việc liên quan đến chiếm đoạt tài sản qua giả mạo ngân hàng, tổ chức tài chính, ví điện tử và đầu tư, 70% các trường hợp xuất phát từ mạng xã hội như Zalo, Facebook. Trong lĩnh vực thanh toán, ông Nam chỉ ra một số rủi ro như gian lận và lừa đảo trong giao dịch trực tuyến; rủi ro vận hành; rủi ro từ công nghệ mới…

Trước thực tế trên, ông Nam gợi ý một số biện pháp giảm thiểu rủi ro đó là nâng cao nhận thức, đào tạo người dùng về an ninh mạng và cách nhận diện các mối đe doạ. Ngoài ra, cần tăng cường áp dụng công nghệ bảo mật, triển khai các giải pháp như xác thực đa yếu tố, mã hoá và giám sát giao dịch theo thời gian thực. Bên cạnh đó, các ngân hàng, fintech và cơ quan quản lý nên chia sẻ thông tin về các mối đe dọa để ứng phó kịp thời. Cuối cùng theo ông Nam, TCTD cần nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật tăng cường an toàn, bảo mật trong lĩnh vực ngân hàng để bảo vệ mình cũng như khách hàng.

Về phía cơ quan quản lý, đại diện Vụ Thanh toán cho biết, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuôn khổ pháp lý. Sắp tới đây, NHNN sẽ ban hành và triển khai Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox); triển khai, rà soát, sửa đổi bổ sung các thông tư hướng dẫn Luật Các TCTD (nếu cần).

(Nguồn: thoibaonganhang.vn)
Tìm kiếm