Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc, Ngân hàng nhà nước Việt Nam nhận định, có thể nói, về mặt không gian pháp lý đối với ngân hàng số, ngành Ngân hàng hiện nay rất mở cửa, là bộ ngành đầu tiên cho phép mở tài khoản bằng eKYC từ năm 2021. Và mới đây nhất, từ ngày 1/10/2024, Ngân hàng cho phép mở tài khoản bằng căn cước công dân có gắn chip, triển khai bảo lãnh cũng như cho vay trực tuyến hoàn toàn…“Hành lang pháp lý của ngành Ngân hàng đã và đang mở đường cho việc áp dụng công nghệ”.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc, Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát biểu khai mạc sự kiện.
Theo Phó Thống đốc, ngành ngân hàng còn mang vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế như kết nối và tích hợp với dữ liệu của Bộ Công an, ngành viễn thông… Mặc dù vậy, việc tích hợp với nhiều đơn vị cũng mang đến nhiều nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành. “Sau khi đã phủ sóng sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, chúng ta phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ đó”.
Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hiện nay có những rủi ro, thách thức mới về an ninh, an toàn thông tin đe doạ sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng như các cuộc tấn công mạng có chủ đích hướng (tấn công APT) vào hệ thống ngân hàng Việt Nam của các nhóm tội phạm có tổ chức, sự tiếp tục gia tăng các thủ đoạn lừa đảo khách hàng để chiếm đoạt tiền bất hợp pháp...
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phát biểu tại hội thảo.
Như vậy, trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh những mặt thuận lợi mà công nghệ mới đem lại, ngành ngân hàng cũng luôn phải đối mặt với những thách thức nhằm đáp ứng đồng thời các yêu cầu như phát triển hệ sinh thái mới, mô hình kinh doanh mới, dịch vụ ngân hàng mở và nâng cao trải nghiệm khách hàng; nhưng vẫn bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong quá trình cung cấp dịch vụ.
“Vì vậy, đẩy nhanh công tác chuyển đổi số nhưng vẫn bảo đảm an toàn hoạt động, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng là một nhiệm vụ trọng tâm hết sức quan trọng đối với ngành ngân hàng Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi sự phát triển của công nghệ đi kèm với tội phạm mạng đang trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) trả lời báo chí bên lề hội thảo.
Còn theo các ngân hàng, việc duy trì đảm bảo an toàn an ninh dữ liệu hết sức quan trọng, họ phải xây dựng hạ tầng công nghệ để đảm bảo cho vận hành liên tục và ít bị gián đoạn, là thách thức lớn đối với toàn ngành ngân hàng. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng, khi mà ngân hàng chỉ tập trung vào bảo vệ chính mình thì tội phạm lại tấn công khách hàng. Thế nên các quy trình phải rút gọn, số hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí, mang lại lợi ích cho khách hàng. Khi thiết kế sản phẩm, ứng dụng phải hướng đến khách hàng và hướng dẫn, cảnh báo cụ thể. Hiện nay, khách hàng chỉ còn một vài người phải qua quầy trực tiếp, còn hầu hết là tự thực hiện giao dịch ở trên phần mềm và điện thoại di động, thì khách hàng cũng phải cẩn thận và không tiết lộ thông tin cho bất kỳ đơn vị nào đó để dẫn đến bị hack thông tin hay tài khoản, ngân hàng cũng phải liên tục cảnh báo và hướng dẫn khách hàng. Sắp tới nếu như ứng dụng sinh trắc học và xác thực so khớp với căn cước công dân gắn chip thì mức độ an toàn sẽ tốt hơn.