Trong bối cảnh bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó khăn thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ và đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, tình hình nợ công năm 2024 và dự kiến năm 2025 vẫn được kiểm soát trong giới hạn an toàn.
Công tác quản lý nợ công tiếp tục được thực hiện chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Dự kiến nợ công khoảng 36-37%GDP
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) cho biết, trên cơ sở ước thực hiện vay, trả nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia năm 2024, dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2024 nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội quyết định.
Cụ thể, đến cuối năm 2024 dự kiến nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 32-33% GDP.
Trong năm nay, ước huy động vốn vay của Chính phủ đạt 671 nghìn tỷ đồng (99,2% kế hoạch vay, trả nợ được duyệt), trong đó, vay cho cân đối NSTW ước đạt 660 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại ước đạt 11 nghìn tỷ đồng.
Nguồn vay trong nước chủ yếu thông qua phương thức phát hành trái phiếu chính phủ. Nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chủ yếu từ các nhà tài trợ đa phương và song phương như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc, AFD (Pháp).
Việc trả nợ của Chính phủ năm 2024 được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trên thu NSNN khoảng 21-22%.
“Dư nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đến cuối năm 2024 dự kiến ở mức khoảng 32-33% GDP”, Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết.
Nợ nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh dự kiến chiếm khoảng 27,1% nợ nước ngoài quốc gia; còn lại là nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2024 (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) dự kiến ở mức khoảng 8-9%, trong giới hạn được Quốc hội cho phép (25%).
Các tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam
Công tác quản lý nợ công tiếp tục được thực hiện chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển. Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2024 tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực với cơ cấu chủ nợ ngày càng đa dạng. Dư nợ trong nước tăng lên; nợ nước ngoài giảm dần góp phần tăng tính bền vững nợ trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh trong khu vực và trên thế giới.
Kỳ hạn phát hành bình quân của danh mục nợ trái phiếu Chính phủ (TPCP) tiếp tục duy trì tương đối dài, đảm bảo mục tiêu 9-11 năm Quốc hội đề ra, góp phần giảm thiểu rủi ro vay đảo nợ. Lãi suất phát hành bình quân được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường tài chính-tiền tệ trong nước và hài hoà với chính sách tiền tệ.
Có thể nói, kết quả quản lý nợ công trong những năm qua là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khoá nói riêng và chính sách vĩ mô nói chung; được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức quốc tế đánh giá là bền vững và tạo dư địa để chúng ta thực hiện các chính sách tài khoá mở rộng, hợp lý khi cần thiết.
Trước đó, vào tháng 12/2023, tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tiếp tục được khẳng định trong năm 2024. Mới đây, vào tháng 8/2024, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Fitch, Moody’s tiếp tục giữ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, theo đó xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam do tổ chức S&P, Fitch đánh giá đều ở mức BB+, tổ chức Moody’s đánh giá ở mức Ba2, triển vọng “Ổn định”. Điều này thể hiện sự đánh giá hết sức tích cực của cộng đồng quốc tế về nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam thời gian qua nhằm ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế, củng cố nền tảng chính trị - xã hội; nỗ lực của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan trong việc cập nhật thường xuyên và định kỳ truyền tải thông tin về những thành tựu, kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và cộng đồng nhà đầu tư.
Năm 2025, trên cơ sở dự kiến mức vay, trả nợ Chính phủ, chính phủ bảo lãnh và chính quyền địa phương, dự báo dư nợ công đến cuối năm 2025 ở mức khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ ở mức khoảng 34-35% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức khoảng 33-34% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 24%; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) dự kiến ở mức khoảng 7-8%, đảm bảo trong mức trần, ngưỡng được Quốc hội cho phép.