Xây dựng đa dạng điểm chấp nhận mã QR
Theo CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), trong năm 2024, đơn vị này đã mở rộng kết nối triển khai cung cấp dịch vụ QR giữa Việt Nam và Thái Lan cho hai tổ chức thành viên và triển khai thí điểm dịch vụ QR giữa Việt Nam và Lào cho sáu tổ chức thành viên. Như vậy, tính đến hiện nay, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với ba quốc gia là Thái Lan, Campuchia và Lào với sự tham gia của khoảng 18 NHTM và 3 tổ chức trung gian thanh toán.
Đại diện Napas cho biết, năm 2025, đơn vị này sẽ tiếp tục mở rộng kết nối thanh toán bằng mã QR với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore; hướng tới mục tiêu thúc đẩy sử dụng đồng bản tệ trong hoạt động thanh toán xuyên biên giới, thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, khó khăn đối với hoạt động thanh toán xuyên biên giới qua mã QR của Việt Nam là hiện nay chủ yếu các kết nối thanh toán QR vẫn phục vụ mục đích chuyển khoản. Đến hiện tại, chưa có phát sinh giao dịch chiều thanh toán tại Việt Nam. Nghĩa là người Việt Nam khi sang Thái Lan, Lào, Campuchia mua hàng hóa thì có thể quét mã QR để trả tiền (Vietnam outbound) nhưng ở chiều ngược lại thì người dân của các nước trên khi đến Việt Nam chưa thể thanh toán Vietnam inbound do chưa có điểm chấp nhận mã QR song phương.
Để thúc đẩy hoạt động thanh toán này, cuối tháng 8/2024, Vụ Thanh toán thuộc NHNN và NHTM, các trung gian thanh toán đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển hệ thống điểm chấp nhận thanh toán QR song phương tại Việt Nam và mở rộng mạng lưới này đến các địa phương và lĩnh vực, ngành nghề.
Theo ghi nhận, hiện nay Napas đã được NHNN giao làm đầu mối kết nối NHTM, các trung gian thanh toán để triển khai các kế hoạch hoàn thiện hệ thống VietQRGlobal. Tổ xây dựng Sổ tay hạ tầng kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa các tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã được thành lập với sự tham gia của các NHTM quy mô lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, TPBank, MB, Agribank, Techcombank, Sacombank, Wooribank…
Đại diện Napas cho biết, trong tháng 12/2024 một số TCTD sẽ bắt đầu triển khai xây dựng, phát triển hệ thống điểm chấp nhận thanh toán QR song phương đối với du khách Thái Lan, Lào, Campuchia. Và ngay từ đầu năm 2025, nhiều ngân hàng sẽ cập nhật chức năng thanh toán đối với giao dịch mã QR cho người dùng để phục vụ thanh toán xuyên biên giới thay vì chỉ thuần túy là QR chuyển tiền miễn phí như hiện nay.
|
Từ đầu năm 2025, tại Việt Nam sẽ có nhiều điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ chấp nhận cho du khách nước ngoài quét mã QR thanh toán xuyên biên giới |
Cần công bằng để khai thác tiềm năng lớn
Theo nhận định của Napas, hiện nay các NHTM khi hợp tác phát triển kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR đang ưu tiên nhiều hơn cho việc phát triển phía thanh toán ở nước ngoài (Vietnam outbound). Vì thế, thời gian tới việc đưa ra các giải pháp đảm bảo chấp nhận thanh toán song phương qua mã QR chiều thanh toán tại Việt Nam cần được các TCTD chú trọng hơn.
Về mặt công nghệ, các chuyên gia cho rằng, hiện nay để chuyển từ QR chuyển khoản miễn phí sang QR thanh toán song phương không gặp khó khăn gì. Với tiêu chuẩn VietQR mới của Napas, các TCTD có thể vẫn giữ lại ứng dụng QR hiện tại, chỉ cần bổ sung một số tính năng là có thể xây dựng các điểm chấp nhận QR thanh toán song phương tại Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng là bên cạnh các mã QR chuyển tiền nội địa miễn phí như hiện tại, ngân hàng và trung gian thanh toán cần chủ động trong việc vận động phát triển hệ thống nhà cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước chấp nhận đặt mã QR thanh toán song phương để phục vụ thanh toán xuyên biên giới.
Đại diện một số TCTD nhận định, về lâu dài việc miễn phí thanh toán qua mã QR sẽ được các ngân hàng giới hạn về tính năng và số lượng. Trước mắt, các NHTM có thể sẽ vẫn tiếp tục duy trì các loại mã QR chuyển tiền miễn phí, đồng thời đầu tư phát triển thêm mã QR thanh toán có trả phí. Phần phí này có thể sẽ được các bên liên quan tính toán hợp lý để bù đắp hoạt động của hệ thống thanh toán cũng như mở rộng các chương trình khuyến mại, ưu đãi, tăng độ phủ của các điểm chấp nhận QR thanh toán xuyên biên giới.
Với xu hướng phát triển giao thương, kết nối không biên giới như hiện nay các TCTD Việt Nam sẽ mở rộng quy mô hoạt động ngân hàng số sang các nước, nhất là quốc gia trong khu vực có nền tài chính số phát triển mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Do đó các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam cũng cần phải cập nhật QR thanh toán song phương, chấp nhận phí để tận dụng khai thác nguồn khách hàng quốc tế khi đến Việt Nam du lịch, mua sắm.
Trong giai đoạn đầu mới triển khai hợp tác thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR tại các nước ASEAN, có thể hệ thống điểm chấp nhận chưa nhiều, chưa đa dạng hóa; tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, các nhà cung cấp lớn, hoạt động đa quốc gia, nhưng về lâu dài, để cạnh tranh phân phối hàng hóa, dịch vụ nhiều chuyên gia nhận định, độ phủ của VietQRGlobal sẽ có tốc độ lan tỏa mạnh ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực vì tính thuận tiện và lợi ích được chia sẻ cho cả TCTD và người dùng. Đồng thời hoạt động thanh toán xuyên biên giới đang là xu hướng phát triển chung được hầu hết các quốc gia thúc đẩy phát triển.