Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây là một thách thức rất lớn nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, đảm bảo thực hiện tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị).
Ngành Ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực có vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do vậy việc tiên phong trong thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.
Tại hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội, tác động đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân, do đó, việc tập trung tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp thiết.
“Net Zero không phải là xu hướng nữa mà là nhiệm vụ bắt buộc phải triển khai, cấp bách, cần hành động ngay”, ông Tú khẳng định.
Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ quyền con người hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện. Việt Nam cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc năm 2015; Ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016. Tại Hội nghị COP26 (Glasgow 2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 đến năm 2050. Về yếu tố xã hội, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, bảo vệ quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế, tham gia Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc...
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai các cam kết quốc tế nêu trên thông qua việc ban hành khung chính sách, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; Các chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Luật Bảo vệ môi trường (2020)... Các quy định này đã tạo điều kiện thúc đẩy các công cụ kinh tế thực hiện tăng trưởng xanh, thúc đẩy ESG như tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, yêu cầu quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Dư nợ tín dụng cho hoạt động ESG đạt 3,2 triệu tỷ đồng
Đối với ngành ngân hàng, việc tăng cường áp dụng ESG đòi hỏi các TCTD phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội. Mặt khác, thực hành các tiêu chuẩn ESG sẽ giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của TCTD thông qua việc công bố và minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội.
Thêm vào đó, rủi ro về môi trường và xã hội không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng...), do vậy việc thực hành ESG sẽ giúp các TCTD cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. Đồng thời, khi áp dụng ESG, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng.
Phát biểu bên lề Hội thảo "ESG trong ngành ngân hàng", bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng ban chỉ đạo ESG, Ngân hàng Agribank cho biết, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế trước đây khi xếp hạng tín nhiệm ngân hàng chỉ đánh giá liên quan đến về việc hoạt động kinh doanh, không xem xét đến báo cáo phát triển bền vững. Nhưng trong 2 năm gần đầy, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã có đánh giá riêng, độc lập về báo cáo phát triển bền vững."Như với Moody, tổ chức này xếp hạng từng yếu tố E, S, G với từng ngân hàng tại Việt Nam. Xếp hạng tín nhiệm có tốt đến đâu nhưng ESG xếp hạng thấp thì ngân hàng sẽ bị kéo tụt kết quả xếp hạng tín nhiệm xuống", bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai ESG trong ngành ngân hàng.
Các tổ chức châu Âu hiện nay đã đưa ra nhiều cam kết về phát triển bền vững ngày càng tăng dần và nâng cao. Ngày 1/10/2023, châu Âu đã thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong đó áp dụng với 6 mặt hàng. Đến năm 2026 sẽ áp dụng đầy đủ với hơn 60 mặt hàng. "Việc các ngân hàng triển khai ESG sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh, hỗ trợ cho khách hàng để tham gia các thị trường xuất khẩu sang châu Âu", bà Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá. Tuy nhiên theo đại diện Agribank, việc triển khai cho vay tín dụng xanh ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Theo đó, việc chưa có bộ tiêu chí xanh cụ thể khiến việc thẩm định, cấp tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề thứ hai là những dự án xanh thường có thời hạn dài, nguồn vốn lớn trong khi rủi ro cao, do đó quá trình thẩm định, cho vay phải rất kỹ lưỡng."Việc triển khai ESG trong ngành ngân hàng là một biện pháp tổng thể, không chỉ là cấp tín dụng không. Quá trình này cần nguồn vốn, con người, công nghệ", bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
Phó Thống đốc NHNN cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã luôn tiên phong đi đầu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG. NHNN đã có nhiều giải pháp, định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo liên quan tới nội dung ESG trong hoạt động ngân hàng như: Ban hành Chỉ thị về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng (Chỉ thị số số 03/CT-NHNN); phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018), Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1408/QĐ-NHNN), Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020); ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ 01/6/2023 triển khai Luật Bảo vệ môi trường.
“Chính phủ đã đánh giá tích cực NHNN là một trong những bộ ngành đi đầu trong lĩnh vực ESG cũng như thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi xanh, đẩy mạnh tín dụng xanh”, ông Đào Minh Tú nói.