Thị trường tiền tệ đã có bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu
Thị trường tiền tệ (TTTT) có vai trò quan trọng trong việc truyền tải các tác động của chính sách tiền tệ (CSTT) đến nền kinh tế, được xem như là cơ sở hạ tầng cho lưu chuyển tiền tệ. Cơ sở hạ tầng tốt thì luân chuyển tiền tệ mới thông suốt và ít rủi ro. TTTT của Việt Nam kể từ khi đổi mới đến nay đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, gắn với tiến trình đổi mới của nền kinh tế. Các thành phần cấu thành trên thị trường đã từng bước được hình thành và phát triển, các sản phẩm trên thị trường ngày càng phong phú.
Xét về thành phần cấu thành của thị trường, đến nay, TTTT Việt Nam đã hình thành hầu hết các loại thị trường: thị trường tiền gửi, thị trường tiền vay, thị trường ngoại tệ và nội tệ liên ngân hàng, thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp. Tuy nhiên, mức độ phát triển của từng cấu phần không đồng đều. Các thành viên tham gia TTTT là định chế tài chính thị trường đã có sự phát triển nhanh, mạnh mẽ, đa dạng về hình thức sở hữu, bao gồm các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước, các NHTM nước ngoài, các công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân… Tính đến tháng 10/2013, số thành viên tham gia là các tổ chức tín dụng (TCTD) bao gồm: 1 ngân hàng phát triển, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 5 NHTM nhà nước và NHTM có cổ phần chi phối của Nhà nước, 34 NHTM cổ phần, 53 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh, 29 công ty tài chính và cho thuê tài chính, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.132 quỹ tín dụng cơ sở và 1 tổ chức tài chính vi mô.
Cùng với sự phát triển về số lượng các trung gian tài chính, quy mô hoạt động của từng trung gian tài chính cũng phát triển mạnh. Tổng vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng trong vòng 10 năm qua đã tăng hơn 13,7 lần, với tốc độ tăng trưởng trung bình 37%/năm. Trong đó, các NHTM cổ phần có tốc độ tăng vốn điều lệ lớn nhất, bình quân 64%/năm, trong khi tốc độ tăng vốn điều lệ tại các NHTM nhà nước tăng bình quân 33%/ năm. Quy mô tài sản của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng lên hơn 10 lần trong giai đoạn 2001 - 2013 với tốc độ tăng trưởng bình quân 29%/năm. Trong đó, khối NHTM cổ phần có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản nhanh nhất và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của toàn hệ thống.
Độ sâu trong hoạt động tài chính của các trung gian tài chính cũng tăng khá. Tỷ lệ huy động vốn/GDP từ chỗ chỉ chiếm 38,4% vào năm 2000 đã đạt 127% vào năm 2012, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng từ 50% năm 2000 lên tới khoảng 106% năm 2012.
Các công cụ, hình thức giao dịch trên TTTT ngày càng đa dạng. Trước đây chỉ có các hình thức vay, mượn truyền thống với hình thức giao dịch giao ngay, nhưng hiện nay, các NHTM đã mở rộng nhiều hình thức giao dịch khác như thực hiện các giao dịch kỳ hạn, thực hiện các nghiệp vụ mua bán có kỳ hạn và cam kết hoàn trả (Repo). Nhiều nghiệp vụ phái sinh khác cũng đã bắt đầu xuất hiện, như các nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ, lãi suất, giao dịch kỳ hạn, giao dịch quyền chọn. Trong đó, thị trường cho vay, gửi tiền liên ngân hàng là thị trường lâu đời, nòng cốt và hoạt động sôi động nhất, có sự tăng trưởng mạnh cả về quy mô và doanh số giao dịch, giúp cung cấp nguồn vốn thanh khoản cho các TCTD, góp phần không nhỏ đảm bảo an toàn hệ thống.
Vai trò điều tiết TTTT của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những bước tiến đáng kể, đã điều tiết cung tiền chuyển từ công cụ tiền tệ trực tiếp sang công cụ tiền tệ gián tiếp: lãi suất nền kinh tế hướng tới tự do hóa, tỷ giá được điều hành linh hoạt sát với cung cầu vốn trên thị trường, nghiệp vụ thị trường mở (OMO) ngày càng trở thành công cụ chủ yếu giúp NHNN can thiệp, điều tiết thị trường.
Trong giai đoạn các TCTD gặp khó khăn (2010 - 2011), hoạt động trên thị trường OMO của NHNN được tăng cường để hỗ trợ thị trường. Điều này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của công cụ này. Bước sang năm 2012, thanh khoản của hệ thống được cải thiện, theo đó, khối lượng giao dịch trên thị trường OMO cũng giảm hẳn, số phiên giao dịch trở lại với mức độ hoạt động thông thường, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế.
Giá cả trên TTTT cũng dần được xác định theo quan hệ cung cầu. Lãi suất bình quân cho vay, gửi tiền liên ngân hàng được xác định hàng ngày trên cơ sở lãi suất giao dịch thực tế của các TCTD, phản ánh được cung, cầu vốn trên thị trường.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cho các giao dịch trên thị trường tiền tệ không ngừng được cải thiện. Hầu hết các NHTM đều đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (corebanking - hệ thống quản trị ngân hàng tập trung), tăng cường mở rộng ứng dụng CNTT vào các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Các giao dịch TTTT giữa NHNN với các TCTD đã được nối mạng qua phần mềm do NHNN cung cấp (sàn giao dịch tập trung). Đặc biệt, tháng 1/2013, NHNN đã vận hành hệ thống thu thập, chiết xuất thông tin giao dịch ngoại hối trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng qua hệ thống giao dịch Reuters Dealing, cho phép thống kê tức thời tất cả các giao dịch hối đoái liên ngân hàng góp phần hiện đại hóa công tác quản lý của NHNN, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.
Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của TTTT không ngừng được đổi mới, bổ sung và hoàn thiện. Trong suốt thời gian qua, NHNN đã rất quan tâm đến vấn đề này. Cho đến nay, về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã tạo được một hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động của TTTT theo hướng phát triển và hội nhập với thị trường tài chính khu vực và quốc tế. Hoạt động của TTTT đã được quy định ở các văn bản pháp luật ở các mức độ khác nhau, như Luật, Pháp lệnh và các văn bản dưới luật khác. Hệ thống pháp lý cho hoạt động TTTT còn tính đến khả năng hội nhập và sự tham gia ngày càng sâu của Việt Nam vào thị trường tài chính quốc tế, các thông lệ quốc tế phù hợp với thực tế Việt Nam được khuyến khích áp dụng. Gần đây nhất là sự ra đời của Thông tư 21/2012/TT-NHNN ngày 16/8/2012 quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư 01/2013/TTNHNN ngày 07/1/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2012/TT-NHNN, trong đó bổ sung quy định về hoạt động mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá (hoạt động repo) giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm đưa hoạt động repo vào quy định có quy chuẩn. Ngoài ra, NHNN đã chú trọng đến phát triển cấu trúc vi mô của TTTT thông qua ban hành một số văn bản hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của TTTT như Quy chế môi giới tiền tệ ban hành kèm theo Quyết định 351/2004/QĐ-NHNN ngày 07/4/2004.
Với nền tảng pháp lý đó, trong suốt giai đoạn qua, TTTT ở Việt Nam đã có bước phát triển nhất định cả về chiều rộng và chiều sâu.
Vẫn tồn tại một số hạn chế
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập thì TTTT của Việt Nam vẫn đang ở mức độ phát triển thấp so với thị trường tài chính nói chung, TTTT nói riêng ở các nước trên thế giới, và còn bộc lộ nhiều hạn che.
Thứ nhất, TTTT Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thị trường, như rủi ro tín dụng, rủi ro thông tin bất đối xứng, rủi ro mất cân đối kỳ hạn... Tín dụng ngân hàng mở rộng nhanh, vượt quá khả năng hấp thu của khu vực kinh tế thực làm tích tụ rủi ro tín dụng và tất yếu dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng lên trong giai đoạn cuối 2001 - 2010. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thời điểm lên cao vượt quá 40%. Điều này cho thấy có sự mất cân đối đáng kể trong huy động và cho vay. Tuy nhiên, sau khi NHNN đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ nửa cuối năm 2012, nợ xấu đã được tích cực xử lý, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã được giảm xuống dưới 20%. Song, đây là những vấn đề đáng quan tâm và cần giải quyết triệt để, tránh xảy ra mất an toàn hệ thống khi tăng trưởng kinh tế và tín dụng nóng trở lại theo chu kỳ kinh doanh, hiệu quả tác động của CSTT sẽ bị suy giảm…
Thứ hai, các công cụ tài chính tuy đã được mở rộng nhưng vẫn chưa đa dạng: Trái phiếu chính phủ chưa đa dạng về thời hạn; tín phiếu Kho bạc được phát hành với thời hạn 364 ngày là chủ yếu. Chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu thương mại chưa trở thành công cụ giao dịch trên TTTT.
Thứ ba, thị trường thứ cấp còn rất nhỏ bé. Các giao dịch mua, bán có kỳ hạn song phương qua Nghiệp vụ thị trường mở giữa NHNN với các TCTD chiếm ưu thế trên thị trường mua, bán có kỳ hạn. Các hoạt động mua, bán có kỳ hạn giữa các tổ chức tài chính ở Việt Nam còn tương đối ít. Thị trường phái sinh còn chưa mấy phát triển.