So với cuối tháng trước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 238.000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 32.700 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 16,94 triệu tỷ đồng, tăng 5,94% so với cuối năm 2023.
|
Ảnh minh họa |
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh các kênh đầu tư tiềm ẩn rủi ro, khả năng sinh lời thấp, trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động tăng dần trong thời gian qua đã "hút" vốn nhàn rỗi vào hệ thống ngân hàng.
Số liệu từ NHNN lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,9- 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,2-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất cho vay bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8-9,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).
Mới đây, ngày 27/11/2024, NHNN vừa có văn bản yêu cầu các TCTD ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tiền gửi vào hệ thống tăng lên tạo điều kiện các ngân hàng có nhiều vốn hơn để cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân để mở rộng sản xuất, kinh doanh mua sắm hàng hóa phục vụ cho dịp cuối năm, từ đó thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.