Những gì các cổ đông và nhà đầu tư đang tìm kiếm chính là những báo cáo tích hợp1 (BCTH), bởi nội dung cơ bản của một BCTH thể hiện ở việc lồng ghép giữa nội dung báo cáo thường niên truyền thống, báo cáo phát triển bền vững với báo cáo tài chính (BCTC) nhằm cung cấp một góc nhìn toàn diện về doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh khác nhau như tài chính, quản trị, trách nhiệm xã hội, môi trường.
Cùng tìm hiểu về báo cáo tích hợp
Báo cáo tích hợp (BCTH) - IR (Integrated Reporting) - là một loại báo cáo lồng ghép giữa nội dung báo cáo thường niên mang tính truyền thống và báo cáo phát triển bền vững (PTBV) nhằm cung cấp một góc nhìn toàn diện về doanh nghiệp trên các khía cạnh khác nhau như tài chính, quản trị, đầu tư có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đây là một quy trình báo cáo dựa trên tư duy tích hợp mà kết quả của quy trình này là một báo cáo thể hiện được giá trị tạo ra của một doanh nghiệp theo thời gian.
Theo ông Jonathan Labrey2 - Giám đốc Chiến lược của Hội đồng Báo cáo tích hợp Quốc tế (IIRC)3: BCTH là phương thức truyền thông rành mạch nhất về cách thức chiến lược, quản trị, hiệu quả hoạt động và tiềm năng của một doanh nghiệp có thể tạo ra giá trị trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Xu hướng BCTH đang làm thay đổi cách thức xây dựng báo cáo của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp niêm yết và đại chúng. Bằng cách công bố các thông tin tài chính và phi tài chính trong cùng một báo cáo, các doanh nghiệp có thể thay đổi cách tư duy về chiến lược và kế hoạch hoạt động của mình, ra các quyết định tối ưu và quản lý các rủi ro chính để xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư và các bên liên quan, đồng thời cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai.
Theo IIRC, các nội dung trong các báo cáo tài chính (BCTC), mà các doanh nghiệp thường cung cấp cho các nhà đầu tư và các cổ đông, chưa thể đủ để cho thấy một doanh nghiệp đã tạo ra giá trị của mình như thế nào theo thời gian một cách bền vững. Trước đây, báo cáo của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các giao dịch tài chính trong phạm vi thời gian rất ngắn và BCTC được lập chỉ phản ánh những giao dịch đã diễn ra từ trước. Như vậy, đã có độ trễ về mặt về thời gian, trong khi các nhà đầu tư cũng như cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cũng như người dân nói chung, đều muốn hướng đến giá trị trong tương lai. Đây là khiếm khuyết mà các BCTC trước đây không đáp ứng được.
Và thế giới đã khỏa lấp những khoảng trống này bằng cách đưa ra 2 loại báo cáo mới đối với các doanh nghiệp khi công bố thông tin (CBTT) ra bên ngoài với cổ đông, nhà đầu tư, các đối tác… đó là: (1) báo cáo về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (GSR); và (2) báo cáo PTBV. Tuy nhiên, mặt trái của các loại báo cáo này là mới chỉ cho thấy được tác động của một tổ chức (của doanh nghiệp) đối với thế giới bên ngoài, với thế giới tự nhiên chứ chưa gắn liền với các vấn đề có liên quan đến tài chính, trong khi các nhà đầu tư chủ yếu vẫn dựa vào những thông tin tài chính hàng năm của doanh nghiệp để làm cơ sở đưa ra quyết định đầu tư của họ. Mặt khác, báo cáo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (GSR) cũng như báo cáo PTBV mới chỉ nêu được một phần của cả bức tranh lớn mà chưa thể hiện toàn diện được tất cả các loại nguồn vốn mà doanh nghiệp đó sử dụng để tạo ra giá trị theo thời gian. Đối với GSR, báo cáo PTBV mới chỉ nêu được nguồn vốn như: nguồn vốn con người, nguồn vốn xã hội và nguồn vốn tự nhiên, thế nhưng chưa đề cập được các nguồn vốn khác chẳng hạn như tài chính, sản phẩm và tri thức để có thể tạo giá trị của doanh nghiệp trong tương lai. Đó chính là hạn chế của 2 loại báo cáo này.
Trong khi đó, BCTH có khả năng định hình lại phạm vi thông tin liên quan đến mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp và cung cấp một phương pháp toàn diện hơn giúp cho việc truy cập, phân tích, quản lý và trao đổi thông tin chiến lược cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp. Đây có thể xem là bản trình bày tổng hợp và đầy đủ nhất về hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm cả các BCTC và phi tài chính.
BCTH sẽ tập hợp những thông tin trọng yếu của các báo cáo này, tổng hợp lại dưới dạng báo cáo mang tính súc tích và cô đọng nhất để có thể phản ánh được việc doanh nghiệp tạo ra giá trị như thế nào theo thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Cốt lõi của BCTH chính là mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, tức là các doanh nghiệp sử dụng các nguồn vốn huy động được như thế nào để tạo ra giá trị không chỉ cho chính họ mà còn cho các đối tượng có liên quan ở bên ngoài cũng như ở bên trong doanh nghiệp. Qua mô hình này chúng ta có được một bức tranh tổng thể về việc các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn như thế nào để tạo ra giá trị trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Những nguyên tắc của BCTH
Nguyên tắc chủ đạo đầu tiên của BCTH là chú trọng đến chiến lược và định hướng trong tương lai. Nếu như các loại báo cáo truyền thống trước đây chỉ tập trung vào những giao dịch tài chính, cũng như hiệu quả tài chính đã diễn ra trong quá khứ thì BCTH sẽ chú trọng nhiều hơn đến yếu tố tương lai. Nói cách khác, BCTH sẽ đề cập đến những xu hướng có thể xảy ra trong tương lại đối với một doanh nghiệp hoặc một ngành và lãnh đạo của doanh nghiệp hoặc ngành đó sẽ có định hướng như thế nào để đối phó với xu hướng có thể xảy ra. Nhờ vậy, dựa vào BCTH chúng ta nhận thấy rõ nhân tố lãnh đạo sẽ tạo ra giá trị như thế nào trước việc ứng phó với những xu hướng xảy ra chứ không chỉ đơn thuần chỉ là con số tài chính trong quá khứ.
Nguyên tắc thứ hai đó là tính kết nối của thông tin. Các báo cáo trước đây của các doanh nghiệp chủ yếu mang tính manh mún, tách biệt giữa BCTC, báo cáo QTCty, báo cáo PTBV… Ngược lại, BCTH hay tư duy tích hợp sẽ gắn kết các loại báo cáo độc lập khác nhau thành một báo cáo thông suốt với nội dung súc tích, ngắn gọn về chiến lược của doanh nghiệp, về mô hình của doanh nghiệp để từ đó có thể tạo ra lòng tin với các nhà đầu tư, với người lao động của doanh nghiệp.
Nguyên tắc cuối cùng của BCTH là tính cơ đọng. Theo ông Jonathan, có một thực tế hiện nay ở các quốc gia trên thế giới là các loại báo cáo thường có xu hướng ngày càng dày và các doanh nghiệp ngày càng phải nộp nhiều loại báo cáo hơn theo yêu cầu của cơ quan quản lý, cũng như đòi hỏi của các nhà đầu tư. Điều bất cập ở đây là các nhà đầu tư hoặc các bên liên quan khác đôi khi không thể đọc hết những báo cáo như vậy bởi lý do các thông tin đưa vào càng nhiều thì càng bị nhiễu, khiến cho nhà đầu tư càng khó xem hơn. BCTH sẽ giải quyết được vấn đề đó bằng cách truyền thông cũng như cung cấp thông tin một cách súc tích và nhất quán để tất cả các bên có liên quan có thể hiểu được doanh nghiệp đã đưa ra quyết định dựa vào trên cơ sở nào. Đồng thời, khi nhìn vào BCTH nhà đầu tư có thể đánh giá được doanh nghiệp có thể tồn tại trong dài hạn hay không thông qua việc xem xét chiến lược kinh doanh cũng như mô hình kinh doanh của doanh nghiệp đó trong một tổng thể các điều kiện thống nhất. Lẽ dĩ nhiên doanh nghiệp vì vậy cũng cần phải thu thập thông tin vào báo cáo một cách chính xác và đầy đủ cũng như tạo điều kiện để các bên liên quan tiếp cận thông tin một nhanh chóng và dễ dàng nhất.
Như vậy, với cách tiếp cận đi từ thông tin tổng quan đến các chỉ tiêu được lượng hóa cụ thể, BCTH hợp cung cấp một góc nhìn toàn diện về hiệu quả hoạt động và giá trị của doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh khác nhau như tài chính, quản trị, trách nhiệm xã hội, môi trường, giúp người đọc tiếp cận, xử lý, phân tích thông tin chính xác và hiệu quả hơn. Do đó, những doanh nghiệp thực hiện tốt việc BCTH toàn diện sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và mức độ tin cậy của thông tin cung cấp cho nhà đầu tư, từ đó sẽ có cơ hội thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Các doanh nghiệp Việt Nam có cần thay đổi tư duy về CBTT?
Trên thế giới, Nam Phi là nước đầu tiên đã đưa ra quy định về mặt pháp lý bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng BCTH vào chuẩn mực báo cáo của mình để đảm bảo hướng đến phát triển bền vững. Kể từ khi Nam Phi bắt đầu chính thức áp dụng BCTH cho đến nay, theo đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, quốc gia này đã được xếp số 1 về QTCty cũng như về kế toán. Theo ông Jonathan Labrey, sở dĩ Nam phi đã thành công trong “cuộc cách mạng” về QTCty bởi họ đã áp dụng đặc thù của BCTH mà các loại báo cáo khác không có. Thứ nhất, BCTH hợp tập trung vào nguồn vốn theo nghĩa rộng, tức là tất cả các nguồn vốn khác nhau mà doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra giá trị theo thời gian. Thứ hai, BCTH có tính đến tất cả các bên có liên quan. Điều này có nghĩa là khi các doanh nghiệp xây dựng các chiến lược phát triển, họ luôn xác định đâu là những bên có liên quan và từ đó liên hệ chặt chẽ với các bên có liên quan đó để tìm hiểu đâu là nhu cầu, đâu là kỳ vọng của các bên liên quan đối với doanh nghiệp…, từ đó doanh nghiệp mới xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh cho mình.
Ngoài Nam Phi, hiện nay thị trường chứng khoán (TTCK) các nước như Singapore, Đức, Nhật Bản cũng đã đưa BCTH vào trong tiêu chuẩn báo cáo của doanh nghiệp và tới đây Malaysia cũng đã chuẩn bị đưa BCTH vào chuẩn mực báo cáo của họ đối với các doanh nghiệp niêm yết.
Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã bắt đầu quan tâm tới BCTH, nhưng số lượng doanh nghiệp xây dựng BCTH còn khá khiêm tốn do khái niệm về BCTH còn khá mới mẻ đối với thị trường chứng khoán nói chung và giới doanh nghiệp nói riêng, khi chưa có tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện và chưa có những khóa đào tạo và thực hành BCTH trong nước, các doanh nghiệp phải tự tìm hiểu và áp dụng. Chính vì vậy, đã có nhiều ý kiến quan ngại về việc áp dụng tư duy tích hợp hay BCTH gắn với báo cáo thường niên trên diện rộng đối với các doanh nghiệp niêm yết, trong bối cảnh Việt Nam đang là một nước đang phát triển, liệu có phù hợp hay không? Về vấn đề này ông Jonathan Labrey cho biết, thời điểm Nam Phi bắt đầu triển khai báo cáo PTBV cũng như BCTH, họ cũng chưa phải là một quốc gia phát triển. Mặt khác, có rất nhiều những nền kinh tế mới nổi như Brazin, Malaysia, Ấn Độ… cũng đang hướng đến BCTH; hay như một số nước khác trong khu vực như Philippine, Thái Lan cũng mong muốn hướng đến BCTH. Ông Jonathan Labrey cho rằng, là một quốc gia đang phát triển hoặc một nền kinh tế mới nổi thì đôi khi là lợi thế vì họ có thể học những quy tắc tốt nhất từ những quốc gia đi trước để có thể nhảy vọt, không nhất thiết phải trải qua từng bước, mất rất nhiều thời gian.
Chú thích:
1 Bài viết có sử dụng một số nội dung thuyết trình của ông Jonathan Labrey, Giám đốc Chiến lược của Hội đồng Báo cáo tích hợp Quốc tế (IIRC), về Báo cáo tích hợp trong buổi Hội thảo “Giới thiệu về báo cáo tích hợp” do UBCKNN tổ chức ngày 5/11/2015.
2 Ông Jonathan Labrey gia nhập IIRC vào tháng 3/2012 và hiện đang phụ trách những chương trình chính sách toàn cầu của IIRC nhằm tạo một môi trường pháp lý phù hợp cho sự triển khai Báo cáo tích hợp ở các nước.
3 Hội đồng BCTH quốc tế (IIRC) được thành lập năm 2010 bởi Tổ chức Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI), Diễn đàn Kế toán Quốc tế và Hội đồng PTBV, nhằm xây dựng một khuôn khổ toàn cầu về BCTH.